Theo ngôn ngữ La tinh, lupus có nghĩa là chó sói. Điều này bắt nguồn từ việc khi quan sát khuôn mặt của nhiều người mắc chứng bệnh này, các bác sỹ nhận thấy họ có những mảng da màu đỏ nổi lên ở hai bên gò má làm khung mặt rất giống với loài chó sói. Theo nghiên cứu của Hội Lupus Mỹ, hiện nay nước này có trên 2 triệu trường hợp được ghi nhận mắc phải chứng bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Còn tại Việt Nam, theo Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai thì mỗi năm có khoảng 500 trường hợp lupus ban đỏ hệ thống đến khám bệnh và điều trị.
Bệnh thường xảy ra ở phái nữ từ 15 – 44 tuổi với tỷ lệ ước tính 9 nữ/1 nam. Ngoài các yếu tố được cho là có vai trò kích hoạt bệnh này như: môi trường (tia cực tím UVB…); yếu tố nội tiết hay một số loại thuốc như Hydralazine, Procainamid, Isoniazid, Phenytoin, Quinidine, Methyldopa, Interferon, thuốc tránh thai…, người ta cũng đã phát hiện các gien di truyền có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cũng như đến mức độ trầm trọng của bệnh.
CÁC DẠNG CỦA LUPUS BAN ĐỎ
• Lupus ban đỏ dạng đĩa (Discoid lupus erythematosus DLE): thể bệnh nhẹ, chỉ gây tổn thương ngoài da, không ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng bên trong.
• Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic Lupus Erythematosus SLE): bên cạnh những tổn thương da, dạng bệnh này còn gây ra sự huỷ hoại đến phần lớn các hệ thống cơ quan trong cơ thể.
VÌ SAO LUPUS BAN ĐỎ GÂY TỬ VONG?
Điều khiến Lupus ban đỏ trở nên nguy hiểm đến mức khó lường là cơ chế hoạt động “không giống ai”. Hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của tác nhân lạ từ bên ngoài nhưng khi mắc bệnh lupus ban đỏ, hệ miễn dịch của bệnh nhân mất đi khả năng phân biệt lạ – quen khiến cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các tế bào. Sau khi vô hiệu hoá hệ thống miễn dịch, lupus ban đỏ bắt đầu tàn phá các cơ quan bên trong cơ thể như: da, niêm mạc, nội tạng (khớp, gan, thận, phổi, tim, mạch máu, não). Từ đó gây ra các tổn thương nghiêm trọng như rụng tóc, viêm đa khớp, rối loạn đông máu, viêm phổi, viêm cầu thận, viêm não, rối loạn tâm thần… Các triệu chứng này thường tăng nặng ở bệnh nhân nữ có thai. Đây là căn bệnh gây tử vong cao nếu không được chẩn đoán xác định sớm và điều trị đúng ngay từ đầu.
TRIỆU CHỨNG
Khi lupus ban đỏ hệ thống khởi phát, người bệnh có thể có các triệu chứng như sốt kéo dài, rụng tóc, sụt cân, mệt mỏi, sưng đau các cơ khớp, sưng hạch, tím tái đầu chi, viêm loét miệng, rối loạn kinh nguyệt, da nhạy cảm với ánh nắng… Bệnh khó chẩn đoán trong giai đoạn đầu.
Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh lupus ban đỏ là trên mặt của người bệnh xuất hiện những mảng hồng ban lan từ hai gò má, bắc cầu qua sống mũi, tạo hình ảnh giống như cánh bướm nên còn gọi là “hồng ban cánh bướm”. Triệu chứng điển hình này, rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, nhưng chỉ xuất hiện trong khoảng 3/4 các trường hợp lupus ban đỏ.
ĐIỀU TRỊ LUPUS BAN ĐỎ
Đến nay, việc điều trị bệnh lupus đỏ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ kiểm soát tiến triển bệnh và xử trí các biến chứng nếu có. Tuy nhiên cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ – FDA, chấp thuận sử dụng thêm thuốc belimumab (Benlysta) để điều trị cho bệnh nhân lupus đỏ hệ thống.
Bệnh Lupus ban đỏ thường nghiêm trọng nhưng có thể cải thiện nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đúng chỉ định, đúng kỹ thuật trước khi có biến chứng nội tạng. Bệnh nhân cần được thầy thuốc theo dõi kiểm tra thường xuyên về lâm sàng và sinh học để can thiệp ngay khi bệnh tái phát hay có biến chứng.
Địa chỉ khám bệnh
– Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai: 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội
– Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng: 124 Hải Phòng, Thạch Thang, Đà Nẵng
– Chuyên khoa Da liễu – Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn: 60 Phan Xích Long, Phú Nhuận, TP. HCM
Tiếp Thị Gia Đình