Nhìn hình ảnh tươi tắn, sự bận rộn của tôi bây giờ, có lẽ không ai tưởng tượng được hơn một năm trước, tôi là cô gái tiều tụy với cân nặng chỉ 39kg. Những ngày đóng phim truyền hình tuy đem lại cho tôi thu nhập khá nhưng tôi luôn phải sống đề phòng và xù lông với tất cả mọi thứ để tồn tại. Cuộc sống đơn độc giữa thủ đô càng khiến tôi mất niềm tin vào cuộc sống và con người.
CỨU HỘ CHÓ MÈO TỪ TRÁI TIM
Tôi trở thành người chẳng thiết tha với bất cứ việc gì. Cả ngày ở nhà, tôi lang thang trên mạng Internet và lần đó, một dòng thông tin về tìm chủ cho chú mèo hoang của Trạm cứu hộ chó mèo đã khiến cuộc sống của tôi thay đổi.
Chú mèo tên Củ Măng, lông trắng, hai màu mắt khác nhau, hai chân sau bị liệt do tai nạn giao thông. Chủ nhà gửi nó vào trạm sau khi đã đi chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Bị liệt nên Củ Măng phải di chuyển bằng cách lết. Ngay khi đọc được thông tin về Củ Măng, tôi quyết định đón nó về chăm sóc.
Từ ngày có Củ Măng, cuộc sống của tôi bận rộn hẳn với hàng tá việc như nấu nước trà xanh để tắm cho nó, bôi thuốc, cho mèo ăn… Củ Măng đỡ ốm hơn, nó có thể lết ra gần chỗ tôi nằm, cọ cọ vào tôi như thể cảm ơn. Chỉ vậy thôi cũng khiến tôi thấy lòng ấm áp. C
ủ Măng ở với tôi được sáu tháng thì nó ra đi. Sáu tháng ngắn ngủi nhưng chú mèo đã khiến tôi nhận ra cuộc sống vẫn còn nhiều thứ đáng để trân trọng. Từ đó, tôi gắn bó với công việc ở trạm, cứu những động vật bị nạn cũng là cách để “cứu hộ” trái tim mình.
CHUYỆN Ở NGÔI NHÀ MÈO
Nhiều người mới nghe lầm tưởng nhóm tìm chó, mèo ở khắp nơi về nuôi. Thực tế, nhóm chỉ cứu và chăm sóc những con vật bị nạn cho đến khi khỏe lại, sau đó tìm chủ mới cho chúng.
Hàng chục chú chó, mèo được nhận về mỗi tháng, mỗi con là một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng đều có đặc điểm chung là bị chủ bạo hành, bỏ rơi, ốm đau, què cụt. Rất ít trong số mèo nhận về còn khỏe mạnh. Nhà tôi bỗng trở thành mái ấm cứu hộ chó mèo vô gia cư.
Chuyện nửa đêm bị dựng dậy đi đón mèo hoặc 3–4 giờ sáng chưa ngủ là bình thường đối với người trong trạm
Gặp con nào ốm yếu, chỉ cần chú ý cách cho ăn, uống thuốc là khỏi. Còn với những con bị bệnh nặng, chúng tôi phải mang đến phòng khám điều trị đến khi khỏe mới có thể tìm cho nó chủ mới. Nhớ có lần tôi đón một chú mèo bụng to tướng về trạm. Cứ tưởng mèo mang thai nhưng hai tháng sau vẫn không thấy đẻ, đưa đi khám hóa ra nó bị u nang buồng trứng. Cả nhóm vừa buồn cười vừa thương.
Khó nhất là điều trị tâm lý cho những con bị hoảng loạn và chăm mèo sữa còn chưa mở mắt bị bỏ rơi. Một ngày phải cho chúng ăn 7 lần, hệt như chăm trẻ con.
Hơn 22 giờ, đường dây nóng báo tin có người bỏ ba chú mèo sơ sinh trước cửa nhà một phụ nữ. Tôi đi đón, mở túi ra mới bàng hoàng thấy chúng vẫn còn dây rốn, chưa mở mắt, lông ướt nước ối, thân nhiệt rất thấp, rận và kiến bò lổm ngổm.
Việc cứu hộ chó mèo bị nạn là vậy, tốn thời gian, công sức, tiền bạc nhưng với tôi, hạnh phúc là khi được chứng kiến cảnh đoàn tụ của chủ và chú chó, mèo đi lạc, là khi thấy một chú mèo qua thời gian chăm sóc trở nên khỏe mạnh, là khi giải cứu thành công một chú chó bị ngược đãi, đưa vào đội huấn luyện chó nghiệp vụ… Tất cả điều đó là động lực giúp tôi không bỏ cuộc.
THÔNG TIN THÊM
√ Lương Ngọc Dung sinh ngày 30–9–1988, hiện là trưởng nhóm cứu hộ của Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội. Fanpage: www.facebook.com/ tramcuuhochomeohanoi, hotline 097 256 3231.
√ Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội được thành lập từ tháng 4–2012. Trạm được chia làm bốn nhóm: nhóm cứu hộ, nhóm tìm chủ nuôi, nhóm tuyên truyền – truyền thông, nhóm tài chính – gây quỹ.
Tiếp Thị Gia Đình