Hôm tôi hẹn gặp Nguyễn Thị Phương Dung (mọi người thường gọi Dung là Luciola) cũng là ngày kỷ niệm ba năm thành lập studio của cô. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, Luciola cho biết:
“Cực lắm chị ơi. Lúc mở studio, em còn không có máy ảnh và chẳng sắm được bộ váy cưới nào cho cô dâu. Mỗi lần có khách, em mượn máy chụp”.
TAY TRẮNG TẠO DỰNG SỰ NGHIỆP
Chiếc máy ảnh đầu tiên mà cô chủ trẻ sinh năm 1989 Luciola có được là nhờ mua trả góp hơn một năm từ người chú. Dù vậy, thiếu thốn về vật chất vẫn không ngăn được khách hàng tìm đến Luciola.
Thời gian đầu, nhờ khéo chiều lòng và có nhiều chương trình khuyến mãi, mỗi tháng Luciola có hơn 20 khách. Lúc này, tiệm chỉ có mình cô là tay máy chính. Ngoài công việc nhiếp ảnh gia, Luciola kiêm luôn chuyên gia trang điểm, làm tóc, chỉnh sửa hình ảnh…
Nhiều hôm, 3 giờ sáng Luciola mới đặt lưng xuống giường, 5 giờ sáng đã thức dậy trang điểm cho cô dâu. Mỗi ngày, Luciola đều dành thời gian nghiên cứu xem tại sao ở nước ngoài người ta làm được những bộ hình lộng lẫy mà mình thì chưa. Cả mấy tháng trời Luciola vừa học vừa làm miệt mài như vậy.
Trò chuyện cùng Luciola, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ việc Luciola không hề qua trường lớp đào tạo nào, thậm chí không học đại học đến chuyện cô “tay không gầy dựng cơ đồ” với một chiến lược phát triển studio riêng rất bài bản.
CHIẾN LƯỢC CỦA NHIẾP ẢNH GIA LUCIOLA
Từ đầu, Luciola đã định hình phong cách ảnh mà mình theo đuổi, đó là sự kết hợp giữa Đông và Tây. Về trang điểm, cô chọn phong cách Hàn Quốc cho phù hợp với gương mặt người Việt. “Người châu Á sẽ không đẹp nếu bạn chọn kẻ mắt quá đậm hay chân mày chữ Â như phương Tây”, Luciola lý giải.
Về bố cục, Luciola ảnh hưởng phong cách phương Tây hiện đại với những góc chụp lạ, lấy bối cảnh kiến trúc, rừng cây. Cô cũng có biệt tài chụp ảnh trong bối cảnh quán cà-phê. Hầu như bộ ảnh nào của Luciola thực hiện xong, quán đó cũng trở thành “hot location”. Với những cảnh quen thuộc như nhà thờ Đức Bà, viện bảo tàng, bao giờ cô cũng tìm nét mới, cách chụp, ý tưởng mới trước khi thực hiện.
Luciola bảo, nhiếp ảnh gia phải luôn đặt cảm xúc của cô dâu chú rể lên hàng đầu, đừng lấy cái tôi cá nhân áp đặt lên bộ ảnh, như vậy mới toát lên nét riêng của từng nhân vật.
Nhiều bạn bè hỏi Luciola giờ nổi tiếng rồi, sao không sắm sửa nhà, xe gì cho mình. Cô chỉ cười. Hiện tại cô vẫn ở nhà thuê vì muốn tập trung cho việc phát triển thương hiệu. Cô thật thà: “Muốn xây dựng thương hiệu phải mất khoảng năm năm. Em mới đi ba năm và chặng đường phía trước còn dài”.
Niềm hạnh phúc của các cặp đôi như tiếp thêm sức mạnh và cảm hứng cho Luciola. “Dù em có đang buồn bã thế nào, nhìn vào những chuyện tình đẹp, kết thúc có hậu của các bạn, em đều thấy nhẹ lòng”. Cứ vậy mà Luciola xách máy lên và đi đến những nẻo đường ghi lại dấu chân, tiếng cười, niềm hạnh phúc của người khác và cũng của chính cô.
Chuẩn bị cho buổi chụp ảnh
• Chú rể nếu muốn cắt tóc phải cắt trước buổi chụp một tuần.
• Cô dâu nếu đang nhuộm tóc phải nhuộm lại cho đều màu. Trước ngày chụp phải gội đầu sạch để tóc tơi, khi uốn sẽ đẹp hơn.
• Cô dâu mang giày trắng hoặc nude, áo ngực silicone và áo ngực không dây, quần chip màu nude.
• Trao đổi trước với nhiếp ảnh gia về ý tưởng bộ ảnh.
• Khi cười, hai mép nên nhếch lên kiểu nụ cười hoa hậu cho gương mặt tươi tắn, dáng ngồi thả lỏng.
Luciola quan niệm:
Có sai mới có đúng. Tự học, tự mày mò nên Luciola không sợ sai. Theo cô, có sai mới có đúng. Ban đầu, cô còn giữ nhiều dấu ấn cá nhân, không cho nhân vật chính cười nhiều vì muốn có bộ ảnh giản dị, nhẹ nhàng và sâu lắng. Sau này Luciola nhận ra nếu biết nắm bắt khoảnh khắc, nụ cười cũng trở nên đẹp lung linh, mê hồn và bộ ảnh mang dấu ấn riêng.
Luciola Studio của Nguyễn Thị Phương Dung ở địa chỉ 107 Trần Minh Quyền, P. 10, Q. 10, TP. HCM, hotline 090 302 6023 – 090 902 9209
website: www.luciolastudio.com.
HẢI YẾN
Mục Câu chuyện con người / Tiếp Thị Gia Đình