Khám phá lợi ích của trà “bất tử” kombucha

Một số người cho rằng trà kombucha có vị giống bia hoặc rượu giấm táo. Số khác lại nói rằng nó có vị giống rượu vang

những lợi ích của trà kombucha

Nhờ những lợi ích của trà kombucha mà người châu Á xem đây là trà “bất tử” (Ảnh: Shutterstock)

Kombucha có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Nhật Bản từ khoảng 2.000 năm trước. Người châu Á xem đây là loại trà “bất tử” nhờ những lợi ích của trà kombucha đối với sức khoẻ. Cùng TTGĐ tìm hiểu loại trà này và lý do vì sao sản xuất kombucha lại trở thành xu hướng trong những năm gần đây.

Nguồn lợi khuẩn dồi dào

Kombucha là thức uống lên men từ trà đen/trà xanh và nấm men trong 1 – 2 tuần. Trong quá trình lên men, vi khuẩn và nấm men sẽ hình thành nấm giống SCOBY (Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast) – cộng sinh của vi khuẩn và nấm men. Quá trình lên men này còn sản xuất ra axit axetic (giống trong giấm) và một vài hợp chất axit khác. Hình dạng của SCOBY có thể thay đổi. Nhưng thường thì nó có hình tròn, khá dày và trông giống cao su với mùi hương như giấm. Đây chính là lý do vì sao loại trà này còn được gọi là trà nấm kombucha. Ngoài ra, nó còn có những cái tên khác là trà Mãn Châu (Manchurian tea), trà Nga (Russian tea) và trà thuỷ sâm (Kargasok tea).

Sau khi lên men, kombucha chứa giấm, vitamin nhóm B, enzyme, axit (axit axetic, axit gluconic và axit lactic) và probiotic (vi khuẩn và nấm men có lợi cho đường ruột). Nghiên cứu chỉ ra rằng lợi khuẩn có thể giảm nồng độ cholesterol. Ngoài ra, chúng còn tăng cường hệ miễn dịch và giúp giảm cân nhanh chóng.

Những lợi ích của trà kombucha đối với sức khoẻ

Thải độc

Trà kombucha, đặc biệt là khi được làm từ trà xanh, sẽ mang đến nhiều lợi ích cho gan. Axit gluconic trong trà kết hợp với các độc tố trong gan và làm chúng dễ tan trong nước. Sau đó các độc tố này sẽ được bài tiết qua đường nước tiểu. Kết quả từ các thí nghiệm trên chuột bạch còn cho thấy uống trà kombucha có thể thanh lọc gan. Một vài trường hợp còn có thể thanh lọc tới 70% độc tố.

Hỗ trợ đường tiêu hoá

Trà kombucha giàu lợi khuẩn giống trong các loại sữa chua lên men (yoghurt). Các lợi khuẩn này giúp ngăn ngừa táo bón, nhiễm trùng đường ruột, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa, chữa viêm loét ruột và dạ dày.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường tuýp 2

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường tuýp 2 cũng là lợi ích của trà kombucha. Lợi khuẩn trong kombucha còn có thể giảm cholesterol xấu – một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường tuýp 2. Ngoài ra, nó còn có thể giúp điều chỉnh huyết áp.

Ngăn ngừa ung thư

Cũng nhờ các chất chống oxy hoá mà trà kombucha có thể ngăn ngừa ung thư. Chất chống oxy hoá là những hợp chất chống lại các gốc tự do và các phân tử phản ứng có thể phá huỷ tế bào. Bên cạnh đó, polyphenol trong kombucha ngăn chặn sự phát triển và lan truyền của các tế bào ung thư. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần nghiên cứu nhiều hơn về tác dụng ngăn ngừa ung thư ở con người của trà kombucha.

Bên cạnh những lợi ích của trà kombucha được kể ở trên, loại trà này còn được cho là có thể cải thiện làn da, chữa đau khớp, kháng sinh, chống trầm cảm và trị chứng mất ngủ…

Dùng cẩn thận với liều lượng vừa phải

Lượng axit axetic trong kombucha khá cao, tương đương như trong giấm. Do đó, người dùng không nên uống quá nhiều. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, người trưởng thành khoẻ mạnh chỉ nên uống khoảng 50 – 60 ml trà kombucha lúc sáng sớm mỗi ngày. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Ngoài ra, những người bị tiểu đường hay có các vấn đề về tiêu hoá, lo âu cũng nên cẩn trọng khi uống trà này.

Đặc biệt, nếu bạn tự làm trà kombucha tại nhà thì phải cẩn thận không để trà bị nhiễm khuẩn trong quá trình ủ hoặc ủ sai cách. Kombucha bị nhiễm khuẩn hoặc ủ quá ngày sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể, thậm chí là tử vong. Kombucha tự làm ở nhà thường chứa khoảng 3% cồn.

Lựa chọn an toàn hơn là mua trà kombucha tại các cửa hàng uy tín. Trà kombucha trên thị trường thường có vị dễ uống hơn, chứa ít cồn (khoảng 0,5%) hoặc không có cồn. Tuy vậy, bạn vẫn nên kiểm tra kỹ thành phần và tránh những thương hiệu chứa lượng đường cao hoặc. Và bạn tuyệt đối phải tránh trà kombucha không rõ nguồn gốc.

Tiếp Thị Gia Đình

Theo: Healthline

Đừng bỏ qua