Hồi còn bé, đứng ngắm mẹ hay bà chải tóc rồi xem hai người vo những sợi tóc rụng hàng ngày thành búi to dần có lẽ là một cái thú của nhiều bé gái như tôi. Lớn lên, nhìn xung quanh toàn thấy các anh, các chú sói trán, hói đầu nhiều hơn các cô các dì (trừ các bà hóa trị ung thư) nên tôi vẫn chưa để ý lắm đến chuyện “phe ta” bị rụng tóc, bị trọc đầu có khi phải đội tóc giả.
Đến khi mang thai, sinh con, thấy những sợi tóc rụng hàng ngày trên gối, sàn nhà hay mắc vào lược lại nhiều hơn, thấy da đầu mình lộ ra hơn mỗi lần soi gương… tôi mới “cảm” rõ hơn nỗi buồn tóc rụng. Ca thán nỗi buồn ấy với bạn bè đồng nghiệp, tôi nhẹ cả người vì thấy… mình có quá nhiều đồng minh.
NHỮNG DẤU HIỆU TÓC RỤNG BẤT THƯỜNG
Các chuyên gia về tóc ước lượng nếu số lượng tóc rụng hàng ngày khoảng 50–150 sợi vẫn là hợp với chu kỳ phát triển của mái tóc. Thế nên, bạn đừng vội lo lắng nếu tóc vương trên gối, sàn nhà hay vướng trên lược.
Chỉ khi thấy mái tóc khô, dễ gãy, đứt chân, mất độ bóng hay da đầu bị gàu, tăng tiết bã nhờn, bị vảy nến… thì hãy xem đó là những dấu hiệu bất thường. Bởi chúng rất dễ dẫn đến tình trạng tóc rụng quá mức, rụng từng mảng, sói hay hói. Tùy vào sự trầm trọng của mỗi triệu chứng, bạn nên đi khám ở các bác sỹ chuyên khoa da liễu để có cách trị liệu đúng nhất.
Tuy nhiên, bạn đừng quy kết rụng tóc sẽ khiến ngoại hình xuống cấp, mất tự tin. Chính nỗi ám ảnh ấy càng góp phần khiến tóc rụng nhiều thêm do stress, bỏ ăn, mất ngủ…
NGUYÊN NHÂN KHẢ DĨ LÀM TÓC RỤNG HÀNG NGÀY
Thay đổi của tế bào tóc được thấy rõ nhất so với các loại tế bào cơ thể khác nên tình trạng của mái tóc được xem như “phong vũ biểu” hiển thị sức khỏe tổng quát của mỗi người. Khi thấy số lượng tóc rụng hàng ngày ngày càng nhiều là dấu hiệu có gì đó bất ổn trầm trọng như thiếu vitamin, chất khoáng, mất cân bằng các loại hoóc môn tăng trưởng, nhiễm độc từ môi trường sống (công việc nghề nghiệp hay dùng mỹ phẩm), stress hoặc đơn giản là do cách chăm sóc chưa đúng.
Với những ai rụng tóc vì mắc căn bệnh ác tính về tóc như chứng alopecia areata (rụng tóc từng vùng), sẽ khó ngăn chặn tóc rụng hàng ngày, nhưng có thể làm chậm tốc độ rụng nhờ chế độ chăm sóc đặc biệt đến sức khỏe của mái tóc. Bên cạnh đó, rụng tóc còn có thể do mắc các bệnh như tuyến giáp trạng, tiểu đường, bệnh gan, lupus và HIV. Rụng tóc liên quan đến hóa trị khi chữa ung thư hoặc sau khi mang thai và trong thời gian mãn kinh chỉ là tạm thời bởi lúc này cơ thể bạn đang bị thay đổi mức hoóc môn.
NHỮNG ÁP LỰC TÂM LÝ KHI TÓC RỤNG HÀNG NGÀY
Càng ngày, phụ nữ càng coi trọng mái tóc hơn, vì thế nỗi lo tóc rụng cũng nặng nề hơn. Nếu quá lo lắng tới sức khỏe mái tóc, bạn nên gặp bác sỹ chuyên khoa để được điều trị đúng, chứ đừng làm thầy thuốc tại gia. Bởi điều này có thể sẽ chỉ khiến tóc rụng càng thêm rụng mà thôi.
Tiếp Thị Gia Đình