Lễ Vu Lan cần bớt hình thức và lãng phí

Đạo nghĩa và hành thiện là những giá trị không cần màu mè, phô trương, hãnh tiến. Hãy cùng chung tay để lễ Vu Lan ý nghĩa và thiết thực hơn!

Những ngày này, các đô thị lớn tại Việt Nam nhộn nhịp chăng đèn, kết hoa để chuẩn bị cho đại lễ Vu Lan trong tín ngưỡng Phật giáo. Đây là lễ hội lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Đại lễ lớn thứ hai của đạo Phật này được đông đảo người dân hưởng ứng vì ý nghĩa hiếu đạo, nhân văn phù hợp với truyền thống, phong tục người Việt.

Có thể nói, lòng hiếu thảo là ngọn nguồn của muôn đạo đức. Trong Phật giáo, đạo hiếu hạnh đứng đầu mọi đạo lễ khác. Đạo hiếu trong đạo Phật không chỉ bó hẹp trong gia đình mà còn mở rộng cho muôn chúng sinh, cho cả cỏ cây, môi trường. Bởi theo lẽ luân hồi, con người kiếp này là con của nhiều lần sinh hóa ở những thực kiếp khác nhau, nên ai, loài gì cũng là cha mẹ tổ tiên ta cả. Cần biết mang ơn tất cả và cầu mong cho tất cả tồn tại an lành.

Tuy nhiên, theo dòng phát triển của kinh tế thị trường, chủ nghĩa thực dụng, trọng hình thức, lễ Vu Lan dần xuất hiện nhiều tiêu cực trái ngược với ý nghĩa nguyên bản ban đầu.

mua Vu Lan hinh anh 1

Mùa Vu Lan, hãy báo hiếu thiết thực, chứ đừng chạy theo hình thức.

Chạy theo hoành tráng

Bên cạnh mặt tích cực về các phong trào từ thiện, cúng dường, dâng hoa tại các chùa, những năm gần đây vấn đề “chạy đua hình thức” cũng theo đó nổi lên trong dịp lễ Vu Lan. Dễ nhận thấy nhất là các cuộc đua ngấm ngầm xem chùa nào tổ chức hoành tráng hơn. Nơi này lễ to hơn, đông phật tử đến dự hơn. Các sư thầy nổi tiếng cũng tổ chức các buổi đấu giá, tiệc từ thiện với lượng con nhang đệ tử đông nghịt tham dự.

Thầy nổi tiếng cao tay thì con nhang cũng phải cỡ đại gia, thế tộc, đó là mặt mũi của cả hai bên. Mặc dù mục đích là tốt nhưng không tránh khỏi sự xa hoa, lãng phí; đua tranh hình thức vốn đi ngược lại tín điều của đạo Phật.

Nếu chỉ trọng về hình thức, đua nhau làm tràn lan mà yếu kém về giáo lý, ý nghĩa; giá trị thì thiết nghĩ giáo hội Phật giáo cũng cần chỉnh đốn vấn đề này. Chạy theo phong trào mà thiếu nhân văn thì tất nảy sinh tiêu cực.

Lễ Vu Lan từ vấn nạn phóng sinh…

Trong dịp lễ Vu Lan, ngoài việc tỏ lòng hiếu kính qua việc đến chùa lễ, cầu nguyện cha mẹ; ông bà được sức khỏe, bình an nhiều gia đình còn tích cực… đốt vàng mã và phóng sinh để “có nhiều công đức”; được Trời Phật phù độ hơn.

Nhìn hàng chục ngàn con chim phóng sinh lên trời hay rất đông người dân đem cá đi thả ở sông; nhiều phật tử tin rằng đó thật là phúc đức. Nhưng chính họ không hề biết rằng việc cưỡng bức bắt chim, nhốt lồng rồi mua đem thả thì hầu hết những chú chim đó cũng sẽ sớm chết vì đói khát, mệt mỏi hoặc bị bắt lại. Cá thả xong cũng có người quăng lưới chờ sẵn để bán cho các quán nhậu.

Phóng sinh vốn là một nét đẹp trong các lễ hội của người Việt. Chúng thể hiện tấm lòng từ bi, thương xót với vạn vật muôn loài trước nỗi đau khổ bị giam cầm, giết hại. Tuy nhiên, những năm trở lại đây biến tướng “phóng sinh” đã gây không ít những hậu quả đáng buồn; ảnh hưởng tiêu cực đến ý nghĩa cao đẹp về phóng sinh trong đạo Phật.

Một số người thực hiện phóng sinh theo phong trào; lấy số lượng mà không đảm bảo “chất lượng”. Số phận của những con vật sau phóng sinh ấy thường là chết. Liệu có bao nhiêu con sống sót được sau màn phóng sinh hoành tráng đó? Đấy là chưa kể hành vi mua – bán của chúng ta đang tiếp tay cho cái ác mà không hay biết.

Vì có người phóng sinh nên những con vật đáng thương kia mới bị truy lùng, săn bắt ráo riết. Theo đạo Phật, đó cũng là tạo nghiệp ác chứ không phải hành thiện.

mua Vu Lan hinh anh 2

… đến đốt vàng mã

Chuyện đốt vàng mã dịp Vu Lan cũng là một vấn nạn hình thức ngày càng biến tướng. Người dân tin rằng “trần sao, âm vậy”. Việc gởi quà đến cho tổ tiên, ông bà được thọ nhận ở cõi âm là việc cần phải làm. Đồ mã từ nhà lầu, xe hơi, quần áo, đồ sinh hoạt… tới hình nhân giờ phải mốt. Tất cả giống y hàng thật.

“Thời trang cõi âm” năm nay ngoài mã cổ truyền (khăn xếp, áo the, váy áo tứ thân, cơi trầu, nón lá, hài, xe ngựa)… còn có những bộ thời trang cho bộ cô, bộ cậu với những mũ mềm, váy áo, hàng hiệu áo thun body, quần bò dáng slim, váy đầm, ví tiền đồ hiệu, điện thoại sành điệu, thẻ tín dụng ngân hàng Địa phủ. Còn có xe SH, ô-tô, laptop, netbook, iPhone X… thôi thì đủ cả. Trọn bộ mã cao cấp (biệt thự, xe xịn, tivi, tủ lạnh, iPhone X, người hầu, sổ đỏ…) cũng làm không kịp bán.

Còn nhớ vài năm trước báo chí đưa tin có đại gia làm nghề “cạp đất” (dùng xáng múc đất từ dưới lòng sông) đã chuẩn bị 400 con ngựa giấy màu, khung tre để đến rằm tháng Bảy hóa vàng cho hà bá sông Hồng, tiêu tốn khoảng 400 triệu đồng.

Nhiều đại gia khác cũng so kè nhau mua sắm lễ vật, đồ vàng mã đốt cho hà bá với ước vọng được hà bá dọc sông Hồng thuận lòng giúp cho làm ăn ngày càng phát tài, phát lợi. Chuyện tưởng như đùa nhưng đó là những lễ cúng tiêu tốn bạc tỷ gây xôn xao dư luận.

Nhiều ngôi chùa ám khói đen sì cả một góc chùa vì người dân đến mang theo hàng đống hàng vàng mã; nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, tiền đô, gái đẹp… để đốt cầu nguyện cho gia tiên, ông bà được nhận lãnh nơi suối vàng. Đây không thể coi là hiếu nghĩa mà có thể gọi thẳng tên là lòng tham. Chùa không phải nơi cầu xin tiền tài hay thỏa đáp những tham vọng của con người.

Thượng tọa Thích Duy Trấn, Phó Ban Hoằng pháp TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trụ trì chùa Liên Hoa (khu vực quận 11, TP. HCM) vài năm trước đã treo bảng thông báo: “Các Phật tử đến chùa cúng, xin miễn đốt giấy tiền vàng mã. Hãy dùng số tiền tính mua vàng mã cứu giúp bà con nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa”.

Có năm số tiền tiết kiệm “không đốt vàng mã” của chùa Liên Hoa quyên góp được trên… 7 tỉ đồng làm từ thiện!

Nên làm gì vào lễ Vu Lan?

Vài năm trở lại đây, các vị trụ trì ở nhiều ngôi chùa TP. HCM hướng dẫn cho Phật tử hiểu thêm về tục đốt vàng mã. Có chùa còn khuyến khích bỏ hẳn; để Phật tử hướng tâm đến Tam bảo và hướng đến công hạnh tu học theo truyền thống Phật giáo. Hàng năm chúng ta đã tiêu tốn khoảng vài trăm tỷ đồng cho “nhu cầu” đốt vàng mã cho người cõi âm. Số tiền này nếu sử dụng đúng mục đích sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Nó giúp xây dựng hàng trăm phòng học cho trẻ em nghèo; hỗ trợ cho hàng nghìn người nghèo có vốn để làm phương tiện sinh sống.


Ý nghĩa của lễ Vu Lan chính là báo đáp và hiếu nghĩa. Không phải hình thức, khoe khoang. Trong suốt cả tháng Bảy Âm lịch, bạn nên cúng dường cho nhà chùa, lễ cài hoa hồng cầu nguyện sức khỏe cho cha mẹ; phát gạo cho người nghèo, đóng góp từ thiện. Những ai còn cha mẹ, ông bà thì bằng chính những hành động thực tế nhất để quan tâm, bày tỏ tình yêu thương.

Bạn chăm đi lễ chùa mà lười gọi điện hỏi thăm cha mẹ ở quê nhà thì cũng vô nghĩa.

Trong truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, báo hiếu. Báo ân tổ tiên, ông, bà, cha, mẹ là một trong những cảm ơn quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ; nguyên Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. HCM; Đại lễ Vu Lan kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa của Đức Phật, khuyến khích con người tri ân; đền ơn bốn nguồn ân đức. Đó là tri ân và đền ơn cha mẹ sinh thành; thầy cô giáo những người dạy dỗ, truyền đạt tri thức cho con người; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước; chủ quyền thiêng liêng cho toàn đất nước và cuối cùng là tri ân chính đồng loại con người.

Trong thời đại hối hả ngày nay, tinh thần đạo hiếu càng cần được đề cao để truyền thống đó luôn được bồi đắp; ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc. Đạo đức, điều thiện, điều lành không đi cùng những phô trương; màu mè, chứng tỏ, mà ở tại tâm.

BÀI: NGUYỄN HẬU

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua