Lệ Uyển: Đàn bầu trở thành niềm kiêu hãnh của riêng tôi!

Được cha dẫn dắt và truyền niềm cảm hứng, Lệ Uyển dày công luyện tập hơn mười năm ròng rã để có được những thành quả như hôm nay

Khi tiếng đàn ngân lên trên sân khấu, tôi hình dung ra ba mẹ đang nhìn mình với nụ cười mãn nguyện. Đàn bầu cũng là niềm tự hào Việt Nam, giọt đàn bầu giống như giọng nói của người phụ nữ Việt, dịu dàng, ấm áp, thanh thoát và đầy bao dung. Cũng
như sau khi vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống, tiếng đàn bầu là những cung bậc thiêng liêng nhất mà ba mẹ dành cho tôi. Từ đó, đàn bầu trở thành niềm kiêu hãnh của riêng tôi.

TIẾNG ĐÀN TỪ MẸ CHA

Ba tôi là người yêu thích âm nhạc dân tộc, ngoài việc xem đó là niềm vui, ba còn muốn tự hào hơn, vì vậy ngay từ nhỏ ba đã hướng tôi đến với đàn bầu. Một thời gian dài, rất dài, tôi học đàn bầu vì đó là điều ba mẹ mong muốn, chứ không là niềm say mê của bản thân.

Một ngày nọ, khi hai cha con tập đàn, tôi thổ lộ với ba: “Ba ơi, đàn bầu hình như không phải dành cho con, con thích học guitar ba ạ”, nhưng ba vẫn nhẫn nại: “Ba biết, nhưng con thử kiên trì xem sao”.

Biết không thể nào thay đổi, tôi nghe theo lời ba. Trước khi tôi khăn gói lên Sài Gòn học tiếp, ba trao cây đàn cho tôi và nói: “Dù có thế nào, con cũng hãy cố gắng đi trên con đường này, sẽ có ngày ba mẹ tự hào về con”. Được ba mẹ đặt niềm tin, tôi quyết không phụ lòng.

Khi biết tôi chơi đàn bầu, nhiều bạn bè xầm xì: “Sao con nhỏ không chơi organ, violon nhỉ?”, “Chơi đàn bầu đúng là quê mùa”. Vốn nhạy cảm nên khi nghe như vậy, tôi thấy rất buồn. Tuy nhiên, chính những lời ra tiếng vào ấy lại là động lực cho tôi càng kiên trì luyện tập. Tôi dần dần yêu tiếng đàn bầu lúc nào không hay.

Chỗ dựa vững chắc nhất cho tôi lúc bấy giờ chính là ba mẹ. Những lúc biểu diễn xa nhà hàng trăm cây số, ba mẹ cũng lặn lội đi cổ vũ tinh thần cho con gái.

Không lâu sau, ba mẹ lần lượt qua đời vì bệnh hiểm nghèo, để lại trong tôi nỗi đau khôn xiết. Nhiều đêm liền, tôi thiếp đi trong sự mệt mỏi, giữa hai dòng nước mắt. Lắm lúc tôi còn có ý định đi tu để thoát khỏi sự đau khổ. Nhưng càng nhớ về mẹ, càng nghĩ đến mẹ, tôi ngộ ra rằng mình chính là niềm hy vọng của ba mẹ. Tôi không thể từ bỏ con đường ba mẹ đã dẫn dắt bao năm qua. Tôi không thể để ba mẹ thất vọng về mình.

Dần dần tôi lấy lại tinh thần, vừa đi làm vừa học văn hóa, học đàn và động viên em gái học thật tốt. Cây đàn bầu mà ba tặng tôi năm nào trở thành kỷ vật và nguồn cảm hứng để tôi bước tiếp.

CON ĐƯỜNG DÀI

Để trở thành một nghệ sỹ chân chính, ngoài việc khổ luyện còn phải có một tinh thần thoải mái, không được quá bận tâm đến chuyện kiếm tiền và mưu danh. Người thầy suốt mười năm qua ở nhạc viện luôn dặn dò tôi: “Em phải có trách nhiệm với từng nốt
nhạc”.

Tôi hiểu, chỉ có trái tim nhiệt huyết, niềm đam mê mới đưa ta đến thành công. Và ở bất cứ nghề nào cũng không được cẩu thả, huống chi đó là nghề làm đẹp cho tâm hồn.

Khi vững tin vào con đường mình đã chọn, tốt nghiệp đại học xong, tôi quyết định học tiếp cao học. Đồng thời, tôi nhận làm giáo viên thỉnh giảng của khoa. Mỗi lần đứng lớp, tôi đều mang tất cả niềm hăng say cùng những gì tinh túy nhất của đàn bầu truyền
đạt cho các em, mong muốn một ngày nào đó các em sẽ góp phần đưa tiếng đàn bầu chinh phục lòng người.

THÔNG TIN THÊM

√ Lê Nhật Lệ Uyển sinh ngày 19—9—1989. Lệ Uyển học đàn bầu từ khi 8 tuổi, 9 năm cho bậc trung cấp, 4 năm cho bậc đại học.

√ Uyển đoạt huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc các trường văn hóa nghệ thuật năm 2010.

√ Hiện Lệ Uyển đang học tiếp bậc cao học tại Nhạc viện TP. HCM, khóa XX, chuyên ngành Sư phạm âm nhạc dân tộc.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua