Lễ mừng thọ

Lễ mừng thọ của bà Năm được hai con trai tổ chức trang trọng lắm, khách mời đông kín, rôm rả, nhưng sao bà thấy lạc lõng quá... – Truyện ngắn của Lê Thị Ngọc Phượng

Bà Năm chống gậy, bước thật chậm lên mấy bậc thềm tam cấp nhà con trai lớn. Những tiếng ồn ào từ bên trong nhà dội ra cho bà biết mọi người đã tề tựu đông đủ và đang chuẩn bị làm lễ mừng thọ cho bà. Bà đã tám mươi rồi còn gì. Tám mươi, nhìn bà Năm yếu nhiều, da bà nhăn nheo, tóc bạc trắng và chân lúc nào cũng run rẩy khi đi lại, phải dùng gậy.

Lẽ ra sức khỏe bà vẫn còn tốt, nếu như sáu năm trước, bà không rời bỏ đồng quê êm ả về Sài Gòn để con phụng dưỡng. Vợ chồng thằng Hai đón bà lên, tưởng được an hưởng tuổi già, ai dè công việc trên này còn nhiều hơn dưới quê. Bà Năm vừa trông trẻ, vừa nấu ăn, lau dọn… Căn nhà ba tầng lầu, mỗi ngày lên xuống bốn năm bận làm cho bệnh khớp của bà ngày càng nặng hơn. Vậy mà con dâu đâu vừa ý, mặt nặng mày nhẹ chê má chồng lạc hậu rồi chuyển bà sang sống với người con trai thứ cách đó vài căn. Cậu này đang ở chung với cha vợ nên bà Năm thấy bất tiện, đòi trở về quê. Cả hai con trai phản đối, nói nếu má bỏ về quê thiên hạ chê trách tụi con bất hiếu, công thành danh toại rồi không lo được cho mẹ già.

Hai anh em bàn nhau thuê cho bà một phòng trọ nhỏ. Mỗi ngày buổi sáng, bà sang nhà thằng con lớn lau dọn, nấu ăn, buổi chiều sang nhà thằng con kế giữ đứa cháu bốn tuổi ở nhà trẻ về. Làm việc ở đâu thì ăn ở đó, đến khi trời tối bà mới trở về phòng trọ để tắm táp, nghỉ ngơi. Hai tháng nay, khớp gối bà sưng to, đau nhiều nên con gái út ở quê thu xếp lên chăm sóc mẹ, được vài hôm thì nhà chồng gọi về. Bà lại sống một mình.

– Má tới rồi kìa!

Con dâu chạy ra kêu lớn, nhưng không có ý dắt tay bà vào nhà. Một nhóm phụ nữ chạy ùa ra, đon đả:

– Dạ chào bác! Bác khỏe không ạ? Hôm nay chắc là bác vui đến không ngủ được luôn ha? Anh Nhân tổ chức lễ mừng thọ cho bác hoành tráng lắm.

Bà Năm không biết nói gì hơn là hệch miệng cười. Mấy cô đó người nắm tay, người bá vai bà ra chiều thân mật lắm, mặc dù bà không biết họ là ai. Họ dìu bà vào ngồi trên chiếc ghế dựa bằng gỗ mun chạm trổ rất đẹp rồi thi nhau đứng cạnh bà để… chụp ảnh. Đến lúc này, bà Năm mới nhìn quanh và nhận ra hôm nay nhà con trai trưng bày rất đẹp, trên bàn thờ đầy ắp trái cây. Một tấm liễn nhung đỏ chạm chữ vàng nổi rõ giữa tường nhà Lễ mừng thọ MẸ. Ôi! Cái chữ mẹ đó mới thiêng liêng và trang trọng làm sao! Phía dưới còn in nghiêng hai hàng chữ nhỏ mà bà phải nhờ đứa cháu đích tôn đọc hộ: “Kính chúc mẫu thân phúc như Đông Hải, thọ tựa Nam Sơn”. Nghe cũng hay lắm chứ.

Mãi một lúc sau mới thấy Nhân bước lên với bộ vest xám trang trọng. Anh đến bên bà Năm, thành kính cầm lấy đôi tay gầy guộc của mẹ, nhìn mọi người và tuyên bố lý do. Những tràng pháo tay rộn rã vang lên, rồi tiếng nhạc phát ra từ hai thùng loa đã mở hết công suất khiến bà Năm dù lãng tai cũng phải giật mình. Bài nhạc đó hình như là tiếng nước ngoài, hỏi ra thì đứa cháu đích tôn cho bà biết đó là bài hát mừng sinh nhật. Bà Năm chẳng hiểu mô tê gì, chỉ cười theo khẩu lệnh của con trai. Máy ảnh lóe sáng liên tục, tiếng nói cười rôm rả, rồi đến lượt vợ chồng con trai kế dắt tay nhau bước vào, phía sau là vô số bạn bè của hai con… Bà Năm nhận quà đến mỏi tay, toàn những bao lì xì màu đỏ. Thi thoảng, vài người trao tay bà một hộp quà hình chữ nhật, nghe con dâu nói đó là khung chúc thọ bằng vàng. Ô hay, trên thành phố chuyện quà cáp cũng khác hẳn ở quê. Nếu là dưới quê thì bà toàn gặp bạn già và họ sẽ đem đến những ổ bánh họ tự làm, hoặc hái cho bà thứ cây nhà lá vườn mà họ có. Họ chúc bà mạnh khỏe, sống lâu bằng cả tấm chân tình chứ không phải những cái siết tay chiếu lệ và những nụ hôn mang tính minh họa như các vị khách hôm nay.

Con trai lớn tặng mẹ một lẵng hoa to rồi trịnh trọng đeo vào cổ mẹ sợi dây vàng chóe, nặng trịch. Vợ chồng con trai kế đeo vào tay bà chiếc vòng cũng bằng vàng óng ánh giữa những tiếng vỗ tay như tiếng pháo. Bữa tiệc chính thức bắt đầu.

Tan tiệc, bà Năm mệt đừ vì phải ngồi quá lâu, lưng bà mỏi nhừ và đôi chân tê cứng. Bụng bà cũng đói meo. Mọi người khi nhập tiệc toàn tập trung ăn uống, dường như quên sự hiện diện của nhân vật chính. Cả hai con dâu tiếp đãi bạn bè nồng nhiệt, nhưng chẳng ai nhớ mẹ chồng còn chưa được ăn gì. Bà chống gậy đứng lên, đầu gối đau buốt khiến bà phải đứng yên vài phút rồi mới dám bước đi. Ngay lúc đó, Nhân xuất hiện, đưa tay đỡ mẹ, dắt bà ra phía sau. Hai vợ chồng Nghĩa, con trai kế, cũng vội vàng đi theo. Bà than đói, Nhân gọi con đi lấy cho nội chút bánh kem nhưng Nghĩa lên tiếng:

– Phải cho má ăn súp cua chứ bánh kem làm sao no. Nhưng khoan đã, để kiểm quà rồi tính. Má à, má đợi chút nha.

– Ừ, không sao. Các con định làm gì?

Thay cho câu trả lời là những hành động mà bà Năm không thể nào quên. Hai con trai thay nhau mở bao lì xì, thì ra ở trên đó đều có ghi tên người biếu. Tên bạn của đứa nào thì đứa đó nhận về. Bà Năm nhìn thấy rất nhiều tờ tiền mệnh giá hai trăm và năm trăm nghìn. Hình như tiền của bạn bè con trai lớn đi mừng thọ bà nhiều hơn, bà thấy thái độ con dâu cả rất hớn hở. Sau khi tổng kết, hai con trai bà tươi cười đưa tiền mừng thọ cho vợ, lúc ấy đang sẵn sàng tiếp nhận với khuôn mặt rạng ngời.

– Má à, con cất lại dây chuyền của má nha. Trên thành phố đeo trang sức thế này vừa nặng vừa nguy hiểm.

Nhân vừa nói vừa luồn tay tháo sợi dây chuyền. Nghĩa cũng tháo chiếc vòng nơi cổ tay của bà ra. Ừ, vậy đi cho nó nhẹ người, bà cũng không quen đeo mấy thứ này.

– Má ăn tối được chưa? Má đói rồi.

– Dạ, được chứ. Thức ăn còn đầy trong bếp kia, má muốn ăn gì nói vợ con lấy cho.

– Thôi, má tự làm được. Nhưng hai đứa không cho má ít tiền uống thuốc sao? Thuốc của má còn ngày mai nữa là hết rồi.

Con dâu đon đả:

– Không sao đâu, tới bữa đó con đưa má đi. Má có bảo hiểm mà lo gì.

Bà Năm im lặng đứng lên. Con dâu thừa biết thuốc điều trị khớp của bà đều nằm ngoài danh mục, thôi thì có thuốc gì uống thuốc đó cũng chẳng sao. Tự dưng bà thấy nhớ con gái út, nhớ mấy người bạn già ở quê và bụng muốn quay về. Bà nói với hai con trai sau khi ăn xong chén súp cua nguội ngắt. Nhân ra chiều suy nghĩ, một lúc mới lên tiếng:

– Thôi má ráng ở đến Tết nha, qua ngày mùng con kêu Út lên rước má.

Nghĩa chép miệng, ra vẻ tiếc nuối:

– Số má đến là khổ, ở trên này đầy đủ tiện nghi, sung sướng không muốn, lại muốn về vùng quê quanh năm sông nước đìu hiu. Má ở dưới đó, tụi con đâu có về thăm được.

Bà Năm cười mà nghe đắng chát.

– Không sao. Tụi con không về thì khi nào nhớ con, nhớ cháu, má lại lên thăm. Chỉ sợ má già yếu vầy rồi, thêm bệnh tật nên không còn cơ hội.

Bầu không khí im ắng bao trùm cả
ngôi nhà. Bà Năm được Nghĩa đưa ra xe, chở về nơi ở trọ.

Xóm trọ của bà Năm có một đám tang. Bà Chín ở trọ kế bên sang rủ bà Năm đi viếng. Tuy không phải bà con thân thích gì, nhưng với hai người già, “nghĩa tử là nghĩa tận” nên họ cũng muốn thắp cho người quá cố một nén nhang. Nhìn chiếc quan tài chạm trổ thật đẹp, bà Năm xuýt xoa:

– Trên này cái gì cũng sang trọng…

Bà Chín khẽ lắc đầu:

– Hình thức thôi chị ơi. Lúc ổng còn sống, con cái có đứa nào lo lắng cho đâu. Đến hồi chết thì… ôi thôi, đứa nào cũng khóc than vật vã, cứ như thương tiếc quá đỗi.

Nghe vậy, bà Năm bỗng chạnh lòng nghĩ đến cảnh nhà mình. Con cái bà có khác gì, cứ muốn phô trương cho thiên hạ thấy là mình hiếu thảo lắm, nhưng mẹ muốn gì có đứa nào hiểu đâu. Như cái đám tang ông lão này, trống kèn rần rật cả ngày, ban đêm còn có cả một đoàn đào kép cải lương về hát khiến bà con hàng xóm tụ lại coi chật kín sân. Ai cũng khen đám ma xôm tụ quá, người chết chắc cũng ấm lòng, chứ nào ai biết khi họ sống thì ngay cả bữa cơm có đủ con cháu cũng còn hiếm nữa là.

Mấy ngày Tết, nhà hai đứa con trai bà có rất nhiều khách và dĩ nhiên bà cũng nhận rất nhiều tiền mừng tuổi, những phong bao lì xì dày cộm mà bà chẳng bao giờ thấy được bên trong.

Ngày mùng Sáu, con gái bà lên rước mẹ về. Tội nghiệp, cô Út mang bánh do cô làm nhưng chẳng đứa cháu nào đón nhận. Chúng chăm chăm vào cái bao lì xì sau mấy câu chúc Tết chiếu lệ và khi thấy bên trong chỉ vỏn vẹn tờ giấy bạc 10 nghìn đồng, chúng bỏ lại trên ghế khiến cô Út ngẩn người vì ngượng.

Hôm bà Năm khăn gói ra bến xe, hai con trai đi làm từ sớm, con dâu viện cớ bận nên để mình cô Út thu xếp đưa mẹ về. Chỉ có một người rưng rưng nước mắt tiễn đưa, đó là bà Chín. Bà Chín dúi vào túi áo bà Năm một mảnh giấy, dặn đi dặn lại:

– Nhớ gọi điện cho tôi nha.

Bà Năm hứa rồi vịn vai bạn già trước khi đi. Về quê lần này, bà Năm không biết mình có còn dịp gặp lại người bạn già và những đứa con thành đạt nữa không, khi căn bệnh của bà đã trở nặng.

Truyện ngắn của Lê Thị Ngọc Phượng – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua