Lê Bích Ngọc thổi hồn cho tượng đất sét

Tôi nghịch ngợm đất sét từ những năm cấp 3 khi tự mày mò nặn các món ăn nhỏ xíu, móc khóa hoạt hình... tặng bạn bè, người thân. Nào ngờ đâu, đó lại là tiền đề cho tôi phát triển Jun’s Clayland hôm nay

Mỗi khi nhận được một bức ảnh khách hàng gửi, Lê Bích Ngọc luôn cố gắng nắm bắt được thần thái của người trong hình, để nặn thành bức tượng có hồn nhất. Làm quen với đất sét Nhật Bản đã lâu, nhưng mỗi lần chạm vào từng miếng đất mềm, êm để nặn tượng, tôi đều có những cảm xúc thật khó tả.

Thích thử thách bản thân

Tôi “nghịch” đất sét từ những năm học cấp 3, tự mày mò nặn những món đồ ăn nhỏ xíu, những chiếc móc chìa khóa hoạt hình… tặng bạn bè, người thân. Một lần, nghe bạn bè gợi ý: “Sao Ngọc không thử nặn tượng người xem có giống không?”, tôi bắt đầu thử sức mình, nhìn ngắm các bức ảnh và tự nặn hình các nhân vật, cũng chỉ để đem tặng thôi.

Lê Bích Ngọc hình ảnh 1
Nhưng những người được tặng nhất định đòi trả tiền để tôi mua nguyên liệu, rồi giới thiệu tác phẩm với bạn bè xung quanh. Những đơn hàng ngày một nhiều. Mỗi khi có dịp lễ như 8–3, 14–2… khách hàng đặt rất nhiều tượng đất sét. Tôi bắt đầu giới thiệu dịch vụ của Jun’s Clayland đến mọi người như vậy đó. Khách hàng chỉ cần gửi ảnh đến và nói yêu cầu, tính cách của nhân vật, tôi sẽ nặn những bức tượng giống như trong bức ảnh để làm quà tặng.

Công việc nghe qua thì đơn giản, nhưng đòi hỏi phải thật tỉ mỉ. Đầu tiên, phải quan sát kỹ bức hình để nhận diện các màu sắc và pha màu cho đất nặn. Tiếp theo là công đoạn dựng mô hình cho nhân vật bằng khung thép, đắp giấy bạc ra bên ngoài, phủ thêm một lớp đất nặn màu da để tạo cho nhân vật một lớp da như người thật rồi mới “mặc” quần áo, váy… và tô vẽ các chi tiết trên trang phục cho bức tượng. Có khi nặn tượng chỉ mất ba tiếng, nhưng tôi phải dành thời gian gấp đôi, gấp ba ngồi kẻ từng đường một, để các màu sắc, ô kẻ giống y như ảnh. Những chiếc váy bồng bềnh có nhiều nếp gấp, giày cao gót, gương mặt ngây thơ của các em bé cũng là những chi tiết thách thức tôi, phải làm thế nào cho sống động, mềm mại nhất. Chiếc đầu là phần quan trọng nhất của mỗi bức tượng, vì mỗi người có một khuôn mặt riêng, dấu ấn cá nhân thể hiện rõ trong từng ánh mắt, nụ cười…

Lê Bích Ngọc hình ảnh 2

Lê Bích Ngọc yêu thích đất nặn từ những năm cấp 3

Với một vài nơi làm tượng đất sét, họ thường sản xuất theo kiểu công nghiệp, làm sẵn để tiết kiệm thời gian. Nhưng tôi chọn cách khi có đơn đặt hàng mới bắt đầu làm. Để nặn bức tượng toát lên được thần thái riêng đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Nếu khách hàng có yêu cầu, tôi sẽ chụp ảnh gửi cho họ xem trước và có thể chỉnh sửa một số chi tiết theo ý khách. Dù hơi tốn thời gian, nhưng đó là cách để tôi có thể tạo nên những sản phẩm đẹp nhất.

Tôi không ngại làm việc với những khách hàng khó tính. Mỗi lời nhận xét chưa vừa ý, yêu cầu làm lại sản phẩm là một cơ hội với tôi, giúp tôi không dễ dãi và tự hài lòng với chính bản thân mình.

Không ngừng hoàn thiện

Không dừng lại ở những bức tượng handmade nặn từ đất sét cao cấp của Nhật Bản, tôi còn phát triển thêm mảng mới là tượng Icon you, phiên bản tí hon của người thật là từ đất nung, với cách làm cầu kì, công phu hơn. Bức tượng thu nhỏ theo đúng phiên bản của bạn, như một món quà độc đáo và ấn tượng dành tặng khách hàng. Tôi cũng chọn cách tự làm tất cả mọi công đoạn, để mỗi bức tượng làm ra đều đạt chất lượng như mong muốn. Dù nhiều hôm phải thức đến 2–3 giờ sáng để hoàn thành đơn hàng cho khách nhưng tôi vẫn không hề thấy mệt vì tôi nhìn thấy niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của những người đã tin tưởng mình.

Lê Bích Ngọc hình ảnh 3

Thông tin thêm

√ Lê Bích Ngọc, sinh năm 1991, là người sáng lập Jun’s Clayland, với các sản phẩm tượng làm bằng tay từ các chất liệu đất sét Nhật Bản, đất nung…

√ Một sản phẩm tượng nặn của Lê Bích Ngọc có giá từ 350.000 đồng.

√ Tham khảo các sản phẩm và đặt hàng tại: https://www.facebook.com/junclayland; www.instagram.com/tolajun

Bài: Lê Thủy
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua