(Lê Anh Thư) Một ngày mùa xuân lạnh giá ở Massachusetts, tôi đọc được những dòng miêu tả ngắn gọn trên một poster quảng cáo tại ngôi trường tôi đang học: “Thư viện người thường niên tại Williams College. Hãy đến và gặp gỡ những con người với những câu chuyện bất ngờ, giá trị nhất”. Tôi tò mò và quyết định tham gia thử. Thật bất ngờ, tôi được lắng nghe nhiều câu chuyện đời và góp nhặt cho bản thân cách sống bao dung, độ lượng. Cuộc sống của tôi dần thay đổi sau hai năm gắn bó ở đây.
Lê Anh Thư đã gửi hồ sơ đến tổ chức tại Đan Mạch để xin bản quyền về Hà Nội
Điều kỳ diệu trong gian nan
Nhận ra ý nghĩa nhân văn của thư viện sách sống, năm 2016, tôi trăn trở: “Có thể mang dự án này về Hà Nội không và làm dự án như thế nào?”. Tôi bắt đầu gửi hồ sơ đến tổ chức chính tại Đan Mạch xin mang bản quyền về Hà Nội. Giữa những ngày thủ đô nóng ngột ngạt, tôi làm trong trạng thái vừa hào hứng vừa lo sợ. Tôi sợ dự án không đủ sức hút, sợ không có ai muốn chung sức, sợ không có ai muốn đến đọc. Vì mô hình quá mới nên việc giải thích để mọi người hiểu thư viện sách sống là gì đã là cả vấn đề. Và sau khi hiểu, mọi người lại nghi ngờ rằng mô hình này có thực tiễn hay không? Khả năng thực hiện tại Việt Nam là bao nhiêu khi mọi người còn e dè chia sẻ những khúc mắc thầm kín của mình? Việc tìm và thuyết phục “sách” tin tưởng tham gia dự án cũng rất khó khăn.
Ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, đã có rất nhiều người sẵn sàng ủng hộ và song hành trên chặng đường còn nhiều khó khăn này. Điều khiến tôi hết sức bất ngờ là sự giúp đỡ nhiệt tình đến từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Khi biết dự án này tập trung vào nhóm những người yếu thế như những người thuộc giới tính thứ ba, phụ nữ, người tàn tật, người có vấn đề về sức khỏe tâm thần…, Bộ đã nhìn nhận một dự án rất nghiêm túc và sẵn lòng hỗ trợ những nội dung khó. Tất cả phản hồi ấy đã đem đến cho tôi hy vọng, sự dũng cảm và niềm tin rằng chúng tôi có thể cùng nhau thực hiện thành công dự án tại Việt Nam.
Gieo hạt giống hiểu để có cánh rừng yêu thương
Mỗi “đầu sách” là một lối sống khác biệt, một câu chuyện riêng của mỗi người. Đơn cử như một em học sinh chỉ vì xỏ nhiều khuyên tai mà chịu những ánh nhìn không mấy thiện cảm của thầy cô và sự cấm cản của gia đình trong một thời gian dài. Đối với em ấy, xỏ khuyên chỉ là sở thích, một cách tô điểm cho bản thân bình thường như trang điểm, như làm tóc. Hoặc tất cả ê-kíp không khỏi rưng rưng khi lắng nghe câu chuyện của một người phụ nữ làm nghề mại dâm và biết đằng sau mỗi lần đi khách là những giọt nước mắt tủi hờn.
Có nạn nhân bị xâm hại tình dục từ năm lên 7 tuổi đã tâm sự với chúng tôi: “Đôi lúc nghĩ về những năm tháng dậy thì, tôi cảm thấy đau khổ và muốn vứt bỏ cơ thể mình. Nếu đếm số lần tôi từng bị sàm sỡ, ngón tay chìa ra đếm không đủ nữa…”. Nỗi đau đớn thể xác vì bị lạm dụng sẽ là bài học cảnh tỉnh cho các bạn gái trong việc tự bảo vệ bản thân. Cá nhân tôi nghĩ, quá khứ dù đẹp hay không đẹp, nhưng điều quan trọng là họ đã có bản lĩnh vượt qua nỗi đau, cái nhìn đầy định kiến để sống tốt trong hiện tại.
Những điều tưởng như chôn chặt trong tim giờ được họ chia sẻ lại, để những ai đã và đang trải qua những chuyện tương tự có thể hiểu rằng: Bạn xứng đáng được yêu thương, hãy mở lòng chia sẻ và bạn sẽ tìm được sự thấu cảm. Gieo hạt giống cảm thông và hy vọng, tôi tin chúng ta sẽ có được một cánh rừng của tình yêu thương.
THÔNG TIN THÊM
√ Lê Anh Thư, trưởng ban dự án Thư viện sách sống tại Việt Nam, là sinh viên năm thứ hai trường Oberlin College tại Mỹ.
√ Mô hình thư viện sách sống được tổ chức lần đầu tại Đan Mạch vào năm 2000 và đã có mặt tại hơn 70 quốc gia.
√ Tại Việt Nam, bạn đăng ký tham gia trên: www.facebook.com/HumanLibraryVietnam/. Hotline: 016 6943 3611.
Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình