Một số vấn đề trong bán hàng đa cấp gây hoang mang cho người tiêu dùng
Chữa bệnh bằng thuốc quý” và kiếm tiền “khủng”, chiêu bài đó đang được nhiều công ty đa cấp chuyên về thực phẩm chức năng dùng để dụ “con mồi” vào tròng. Người tham gia được hứa hẹn khoản tiền mua sản phẩm chữa bệnh càng lớn thì lợi nhuận thu về càng cao.
BỆNH NÀO CŨNG CHỮA
Một ngày cuối tháng 5–2015, chúng tôi đến một tòa nhà nằm trên ngõ 72 Trần Thái Tông, Hà Nội, để “học” làm đại lý của tập đoàn Vital. Khi nữ MC xuất hiện trên bục, hàng trăm người ngồi kín khán phòng đồng loạt đứng dậy vỗ tay để đón chào. Khán phòng đủ mọi thành phần, từ những chị đậm chất nông dân cho tới các cô gái váy vóc lượt là và những anh chàng thắt cà-vạt bảnh bao. Rất nhiều “bệnh nhân” được mời lên chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Họ mắc nhiều bệnh khác nhau, từ viêm họng, rụng răng cho đến bệnh phụ khoa, yếu sinh lý, tất cả đều có thể chữa bằng cách uống hai lọ thực phẩm chức năng Vital Enzyme và Mevital.
Có bác lưng đã còng, đeo kính lão cũng theo lời giới thiệu của bạn bè, người thân đến đây để tìm phương thuốc chữa bệnh và trở thành chuyên viên kinh doanh.
60 tuổi, mang trong mình đủ thứ bệnh, ông Trần Hữu Chung (ngụ tại Hàng Bài, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) hồ nghi: “Tôi bị gút hành hạ khổ sở 15 năm nay, máu, gan đều nhiễm mỡ. Có thật hộp thuốc này công dụng kỳ diệu như các chị nói?”. “Đây là “vua” của thực phẩm chức năng đấy.
Chú xem, chị này bị vô sinh, uống thuốc này hai tháng thì có bầu. Còn chị này nữa bị á khẩu, đi các bệnh viện không khỏi, vậy mà uống hai hộp nói được liền. Một chị khác tận trong Sài Gòn bị ung thư tuyến tụy, uống và đắp bột enzyme trong ba tuần là đỡ hẳn. Cháu cũng bị khớp, di chuyển là khớp gối kêu cùng cục, uống thuốc này giờ đi lại thoải mái luôn. Chú gặp được cháu là may mắn lớn đấy!”, chị Ngọc, một “doanh nhân” mới lên chức Blue Diamond vừa nói vừa tự vỗ đôm đốp vào đầu gối.
Ông Chung giãi bày không mang đủ tiền, chị này lập tức hướng dẫn: “Thứ Bảy này tới hội thảo, chú mang tiền mua gói thành viên Emerald giá 10.800.000 đồng, để nhận về 12 hộp sản phẩm, chứ không nên mua gói thấp nhất vì sẽ làm lỡ mất quyền lợi của chú. Hàng lúc nào cũng trong tình trạng “cháy”, nên chú phải quyết ngay đi, để cháu đăng ký với kho. Người ta đặt hàng cháu cả tháng mà còn chưa lấy được đây này”. Nghe vậy, ông Chung nghệt mặt ra. Ông hẹn “thứ Bảy tới dự hội thảo sẽ đóng trước một nửa số tiền”.
Chúng tôi thắc mắc tại sao được giới thiệu là sản phẩm nhập khẩu nhưng tìm mỏi mắt chẳng thấy bất cứ tem hay nhãn phụ bằng tiếng Việt, bên trong hộp cũng không có bất cứ tờ thông tin nào cụ thể về sản phẩm thì anh Mạnh, người đại diện của văn phòng, hùng hồn: “Hàng tốt quá, chưa kịp dán nhãn mọi người đã mang về dùng hết. Chỉ có hàng tồn kho mới dán nhãn thôi. Giấy hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh nhưng sắp được phổ cập bằng tiếng Việt rồi”.
ÔM NỢ VÌ TIN VÀO LÃI KHỦNG
Mới nhập học, em Trần Minh Hà (sinh viên năm nhất) được một người bạn rủ đi dự hội thảo của liên minh tiêu dùng VietNet, trụ sở tại phố Đặng Thùy Trâm (Q. Cầu Giấy, Hà Nội). Sau khi bị “quay” một hồi tại hội trường của công ty, Hà không khỏi choáng ngợp trước lời hứa hẹn kiếm được ít nhất 10 triệu đồng/tháng, với điều kiện đầu vào là mua một hộp sản phẩm nhân sâm Hàn Quốc trị giá hơn 8 triệu đồng.
Không có sẵn tiền, Hà đã được nhân viên VietNet chở thẳng đến hiệu cầm đồ để cầm thẻ sinh viên lấy 10 triệu đồng, lãi suất 7.000 đồng/triệu/ngày để về công ty mua sản phẩm. Điều đáng nói là VietNet giữ hết giấy tờ, hợp đồng và giấy ghi nợ. Về đến nhà, cô sinh viên vẫn lơ mơ. Chị gái của Hà gặng hỏi suốt ba giờ cô bé mới tỉnh ngộ, thú thật toàn bộ sự việc. Nhận ra đã bị lừa, hôm sau hai chị em lên công ty đòi lại hợp đồng, xin thanh lý khoản nợ nhưng người của công ty phủ nhận tất cả, thậm chí còn dọa đánh đập nếu hai chị em tiếp tục khóc lóc. Sau một tháng trời chạy tới chạy lui, họ đành ngậm đắng nuốt cay vay mượn trả nợ cả gốc lẫn lãi.
Chúng tôi tiếp tục tới cơ sở Long Giang Phúc tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, nơi được xem là “thánh đường” chữa bệnh, làm đẹp bằng dược liệu quý. Bên ngoài, nơi này ghi biển “Đại lý ký gửi hàng hóa”, nhưng kỳ thực, nơi đây chẩn bệnh lục phủ ngũ tạng bằng phương pháp giác hơi. Khách hàng thường được mời mọc mua nhiều liệu trình với lời hứa hẹn cứ mua một liệu trình chữa bệnh trị giá 11.800.000 đồng, sau hai năm, khách hàng sẽ có 25 triệu đồng đút túi.
Chúng tôi hỏi về khoản hoa hồng “từ trên trời rơi xuống” đó, anh nhân viên nhiệt tình giải thích số tiền có được dựa vào doanh số bán hàng của 500 cơ sở: “Khi em mua liệu trình, công ty sẽ cấp cho một mã số, hợp đồng. Giá mỗi liệu trình là 11.800.000 đồng, chữa trong ba tháng. Em sẽ được lấy tiền rải rác làm ba lần trong hai năm. Lần 1 lấy 500.000 đồng, lần thứ 2 lấy 4.500.000 đồng, lần cuối cùng lấy 20.000.000 đồng. Mua càng nhiều liệu trình, số tiền thu về càng cao. Bên cạnh đó, em có thể tăng tiền thưởng bằng cách giới thiệu khách hàng mới cho công ty. Cứ có khách ký là em được tiền. Người bệnh càng bỏ tiền ra mua nhiều liệu trình, số tiền công ty “tri ân” cho em sẽ càng lớn”.
Trước miếng bánh vẽ béo bở, hầu như chị em nào chúng tôi hỏi chuyện cũng thừa nhận họ phải đi vay lãi, thậm chí vay lãi ngày, để mua liệu trình với niềm tin sắt đá vừa chữa bệnh vừa “được hưởng gấp đôi số tiền đã bỏ ra”. Chẳng ai vào đây mà chỉ mua một liệu trình. Người mua ít nhất cũng 5–6 liệu trình. Người mua nhiều thì hơn mười, thậm chí đổ tiền tỷ “ôm” cả trăm liệu trình. Họ khoe ra những tấm phong bao đựng tiền thưởng đỏ chót vừa nhận được, nhưng thực chất đó cũng là tiền từ túi họ.
TƯ VẤN TỪ LUẬT SƯ MINH LONG, ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HÀ NỘI:
“Mặc dù luật và nghị định đã có những quy định song chưa chú trọng đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc lưu trữ các giấy tờ cần thiết phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra cũng như truy cứu trách nhiệm của những người tham gia trong chuỗi các cấp bán hàng khi có hành vi vi phạm mang tính hệ thống. Đây là kẽ hở khiến cho doanh nghiệp đa cấp lách luật và biến tướng.
Một trong những thủ đoạn của các công ty đa cấp là đánh tráo, biến tướng hoạt động bằng những tên gọi khác nhau, nhưng thực tế vẫn là chung một công ty. Điều này gây hoang mang và lầm tưởng cho người tiêu dùng khiến họ dễ dàng sập bẫy. Các buổi hội thảo mà công ty tổ chức thường sử dụng “nhân chứng” thành công chính là người của công ty cài vào để tạo niềm tin cho mọi người.
Người lao động có thể cùng những người bị hại khác yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả lại tiền. Nếu doanh nghiệp đó gây khó khăn thì người bị hại cần chuẩn bị chứng cứ, làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương hoặc Sở Công thương tỉnh, thành nơi doanh nghiệp đó đóng trụ sở. Tuy nhiên, bản thân người lao động cần tỉnh táo cân nhắc và xem xét trước những lời mời mọc đầy hứa hẹn của các công ty đa cấp bất chính.
Mục Câu chuyện con người/Tiếp Thị Gia Đình