Kế hoạch tài chính là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cuộc sống ổn định và hướng tới tương lai. Sắp xếp tài chính thế nào cho ổn thỏa mãi là câu hỏi lớn đối với nhiều gia đình. Bà Vương Thủy Tiên, Hội đồng thành viên Home Credit Việt Nam, đã chia sẻ với bạn đọc Tiếp Thị Gia Đình đôi điều về kinh nghiệm lập kế hoạch tài chính cho các gia đình trẻ.
Tiếp Thị Gia Đình: Bà nhận định thế nào về việc chi tiêu của các gia đình trẻ hiện nay?
Bà Vương Thủy Tiên: Các gia đình trẻ gồm hai vợ chồng hoặc vợ chồng có 1–2 con nhỏ thường có thu nhập chưa cao, chưa ổn định. Theo các số liệu thống kê, một gia đình có cả bố và mẹ đi làm ở thành thị sẽ có thu nhập trung bình khoảng 10,5 triệu đồng/tháng, còn ở nông thôn là 7,7 triệu đồng/ tháng. Mức này vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả thế giới lẫn khu vực.
Thêm vào đó, phần lớn họ chi tiêu hàng tháng thường vượt quá thu nhập. Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ sẽ có nhiều khoản chi đột xuất, phát sinh do con bệnh, học hành… Tình trạng mất cân đối thu – chi này dễ dẫn đến nguy cơ nợ nần.
Tiếp Thị Gia Đình: Việc lập kế hoạch tài chính giữ vai trò thế nào ạ?
Bà Vương Thủy Tiên: Đa số các gia đình thường không biết hoặc ít quan tâm đến việc hoạch định kế hoạch chi tiêu ngắn hạn (dưới một năm) hoặc dài hạn (2–5 năm). Thực tế, xây dựng một kế hoạch chi tiêu sẽ giúp việc quản lý tài chính gia đình khoa học và hiệu quả hơn. Nhờ vậy, người giữ hầu bao sẽ nắm rõ những khoản thu và chi.
Dĩ nhiên, bạn sẽ không lâm vào thế khó khăn khi có việc đột xuất cần đến tiền. Khi đó, vợ hoặc chồng có thể chủ động đưa ra các quyết định liên quan đến tài chính như đầu tư hoặc mua sắm một món hàng giá trị, sửa nhà…
Tiếp Thị Gia Đình: Chúng ta nên lập kế hoạch tài chính theo những bước nào thưa bà?
Bà Vương Thủy Tiên: Thực ra, việc lập kế hoạch tài chính gia đình rất đơn giản và không mất nhiều thời gian như chúng ta nghĩ.
» Bước 1: Tổng hợp thông tin liên quan đến tình hình tài chính của gia đình: thu nhập thực, chi tiêu năm vừa qua và dự định sắp tới.
» Bước 2: Theo phương pháp quản lý tiền bạc cá nhân JARS của T. Harv Eker, tác giả quyển Secrets of the Millionaire Mind, chúng ta có thể chia nhỏ thành tài khoản chi tiêu cần thiết, tài khoản tiết kiệm – dự phòng, tài khoản đầu tư giáo dục, tài khoản hưởng thụ, tài khoản từ thiện.
Ví dụ: Gia đình gồm hai vợ chồng và một con nhỏ có thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Có thể chia nhỏ như sau: 11 triệu đồng cho chi tiêu cần thiết (tiền chợ, xăng xe, điện nước…), 2 triệu dành tiết kiệm, 1–3 triệu dành cho tiền học của con trong tương lai, 2 triệu để đầu tư tài chính, phần còn lại dành cho hưởng thụ và từ thiện.
» Bước 3: Sử dụng các công cụ quản lý như Excel, các phần mềm điện thoại.
» Bước 4: Cập nhật và thường xuyên xem lại, tốt nhất vào cuối mỗi tháng.
Vài ứng dụng quản lý tài chính trên điện thoại: Mobills Personal Finances, Monefy, Expense Manager, Finance Manager…
Tiếp Thị Gia Đình: Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý chi tiêu?
Bà Vương Thủy Tiên: Như đã nêu ở trên, hơn phân nửa thu nhập hàng tháng là dành cho các chi tiêu cần thiết. Những khoản này có thể tiết kiệm tối đa nếu chúng ta giáo dục cho mọi người trong gia đình sử dụng điện, nước tiết kiệm và tắt khi không sử dụng. Ăn uống ở ngoài cũng sẽ tốn kém một khoản lớn nên có thể một tuần chúng ta ăn ngoài một lần, còn lại nên đi chợ nấu đồ ăn vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tiết kiệm.
Ngoài ra, một số chi tiêu có thể cắt bỏ như quần áo, đồ dùng, du lịch… Đối với những chi tiêu không nằm trong dự kiến và không thường xuyên như đám tiệc, quan hệ bạn bè, chúng ta có thể cắt giảm sau khi xác định mức độ thân thiết để quyết định có nên đi hay không. Khi đi khám chữa bệnh, bạn chọn các trung tâm y tế uy tín có hỗ trợ bảo hiểm y tế để chữa đúng bệnh mà lại tiết kiệm chi phí.
Tiếp Thị Gia Đình: Khi có nhu cầu mua một món hàng có giá trị hay chi tiêu lớn trong năm, chúng ta nên lập kế hoạch thế nào, thưa bà?
Bà Vương Thủy Tiên: Khi có kế hoạch tài chính rõ ràng, bạn hoàn toàn có khả năng chi tiêu cho những nhu cầu cần số tiền lớn. Nếu số tiền tiết kiệm từ các khoản chi tiêu khác và tích lũy vẫn không đủ, bạn có thể đi vay. Khi đó, bạn sẽ đặt hẳn chi phí này (tiền vốn + lãi vay) thành một khoản chi tiêu cố định hàng tháng (không nên vượt quá 30% thu nhập).
Tiếp Thị Gia Đình: Nhiều người tích lũy dưới 100 triệu đồng thường không biết làm gì với khoản tiền này. Bà có lời khuyên nào cho họ không ạ?
Bà Vương Thủy Tiên: Việc quyết định đầu tư tiền nhàn rỗi vào đâu tùy thuộc vào độ chấp nhận rủi ro của mỗi người. Nếu bạn không vướng bận gia đình và cho rằng trong một năm tới sẽ không có vấn đề gì đột xuất cần số tiền lớn, bạn có thể đầu tư 70–80% vào kênh đầu tư có mức lợi nhuận cao (thị trường chứng khoán) và 20–30% số tiền vào những kênh an toàn (gửi tiết kiệm ngân hàng, mua ngoại tệ). Ngược lại, nếu bạn là người phải gánh vác gia đình, có cha mẹ già hay con nhỏ, bạn đem 60–70% tiền tích lũy bỏ vào kênh an toàn như gửi tiết kiệm và phần còn lại có thể bỏ vào kênh rủi ro hơn một chút như vàng, ngoại tệ.
Tiếp Thị Gia Đình: Xin cảm ơn bà.
ĐẦU TƯ THÔNG MINH VÀ HIỆU QUẢ
♦ Đầu tư thông minh là bạn hiểu và tuân thủ một số nguyên tắc cần lưu ý khi đầu tư như “không bao giờ bỏ tất cả trứng vào một giỏ” hay “lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn”… Ngoài khoản đầu tư, bạn nên để ra một phần nhỏ phòng trường hợp có việc khẩn cấp cần tiền.
♦ Đầu tư hiệu quả là bạn không chỉ đầu tư bằng tiền mà còn phải đầu tư cả thời gian, công sức, trình độ chuyên môn, có đủ trí lực để phân tích thị trường, tình hình kinh tế trong nước và thế giới liệu sẽ ảnh hưởng thế nào.
♦ Cần lưu ý đầu tư cho tương lai như kiến thức (học hành của vợ, chồng, con cái), công việc (tiếp khách, xây dựng quan hệ). Những khoản này về lâu dài sẽ giúp các gia đình cải thiện thu nhập.
ĐI TỪNG BƯỚC NHỎ
− Nên bắt đầu lập kế hoạch tài chính thế nào? Trước tiên, cần tính trước bạn sẽ có được tổng thu nhập là bao nhiêu trong tháng sắp tới, bao gồm tiền lương của vợ, của chồng và tất cả những khoản phụ thêm.
− Mỗi đồng chi tiêu hay để dành đều phải được tính chi li ra giấy trước khi bước vào tháng mới.
− Một kế hoạch tài chính được xem là tốt khi nó thay đổi hợp lý theo cuộc sống của bạn. Do đó, bạn cần xem lại ngân sách của mình mỗi tháng trong suốt cả năm để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp. Nếu thấy mình đã dành ra quá ít cho một khoản này và quá nhiều cho một khoản khác, bạn cần thay đổi. Nếu trước nay bạn đã quen sống không theo một kế hoạch ngân sách thì có thể bạn phải mất vài tháng để đưa việc chi tiêu của mình vào tầm kiểm soát.
Kế hoạch chi tiêu giúp bạn biết rõ tiền của mình đi đâu và qua đó, bạn có thể hoạch định cuộc sống của mình dễ dàng hơn.
Bài: MỸ HẠNH
Mục Tài chính/Tiếp Thị Gia Đình