Làng nghề truyền thống tất bật vào vụ Tết

Với những làng nghề truyền thống chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa để đón Tết như cây cảnh, hoa giả... không khí Tết đã thực sự về từ hơn một tháng nay

Con đường vào làng nghề truyền thống trồng quất Tứ Liên những ngày này luôn tấp nập xe cộ. Tiếng máy móc, tiếng mọi người gọi nhau í ới, tất cả tạo nên một bầu âm thanh rộn rã. Mọi người bảo nhau: “Đó là âm thanh của Tết”.

“CÃI LẠI THỜI TIẾT”

lang nghe truyen thong hinh anh 01

Quất bonsai được ưa chuộng bởi sự nhỏ gọn, độc đáo

Nằm ven bờ sông Hồng, phường Tứ Liên (Q. Tây Hồ, Hà Nội) nổi tiếng là làng nghề truyền thống trồng quất. Khoảng 3–4 năm nay, nơi đây còn có thêm “đặc sản ngày Tết” là quất bonsai. Những cây quất với dáng “độc” chỉ cao khoảng 50cm nhưng giá có thể đắt hơn quất cao cả mét. Dẫn chúng tôi đi thăm nhà vườn rộng 650m², anh Dương Tuấn Quỳnh, chủ vườn quất bonsai Dương Gia, chỉ cho chúng tôi xem những cây đã “sớm có chủ” cách đây một tháng. Tùy vào hình dáng phong thủy mà cây được đặt những cái tên như “cá chép hóa rồng”, “anh em sum vầy”, “lưỡng long chầu nguyệt”… và giá cả dao động khoảng 500.000 – 2 triệu đồng/cây. Có những cây ông chủ chỉ “cho thuê chứ không bán đứt” bởi thế “độc” và độ tuổi lâu đời của cây.

“Quất bonsai đòi hỏi phải đầu tư nhiều về tiền bạc và công sức. Đơn giản nhất như việc tưới nước hàng ngày. Với quất trồng ngoài đất thì dễ dàng xác định được lượng nước cần tưới nhưng với quất trồng trong bình thì khó quan sát được độ ẩm của đất, rễ có nhiễm bệnh hay không. Khi bứng cây đưa vào bình, nhà vườn uốn sơ bộ. Căn làm sao tháng 6 Âm lịch quất ra hoa để đến Tết là đạt tứ quý: có đủ hoa, lá lộc; quả vàng; quả xanh và dáng thế.

lang nghe truyen thong hinh anh 02

Trồng quất bonsai cần chăm sóc cẩn thận để đến Tết có thể đạt tứ quý

Những cây còn non 1–2 năm thì sống khỏe, dễ nắn dáng nhưng những gốc 5–7 năm lại càng cần cẩn thận hơn vì sơ sẩy một chút là phải bỏ cả cây”, anh Quỳnh cho biết. Đã cùng ông nội và bố trồng quất từ nhỏ, anh thấm thía nghề này được lãi hay không là do 40% kỹ thuật, kinh nghiệm, 60% còn lại nhờ ông trời.

Năm nào ông trời thương, thời tiết thuận lợi thì người trồng quất được mùa. Năm nào thời tiết đỏng đảnh, mưa rả rích thì năm đó khốn đốn. Anh Quỳnh nhớ có năm mưa trước Tết đến 41 ngày, đúng 29 Tết thì trời nắng đẹp. Quả quất ngấm mưa sương, vỡ tung ra, rụng đầy gốc, nhà vườn chỉ biết khóc ròng vì quất. Trồng quất bình thường đã khó, trồng quất bonsai lại càng khó hơn. Năm 2014, khi bắt đầu kế nghiệp trồng quất truyền thống, anh Quỳnh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống màng che lọc ánh sáng, giúp cây quất hưởng ánh sáng tốt nhất và tránh được thiệt hại vì mưa sương. Anh Quỳnh bộc bạch: “Thời điểm đó, mọi người nói tôi đang “luộc” quất.

lang nghe truyen thong hinh anh 03

Hàng nghìn cây quất bonsai đang vụ nên các chủ vườn phải túc trực “ăn ngủ từng cây”

Trời mùa hè nắng 40°C thì nhiệt độ bên trong nhà vườn lên tới 45°C. Tôi phải tăng cường làm mát cho cây quất. Đến tháng 6 Dương lịch, thấy cây ra hoa, đậu quả xanh đầu tiên ở đầu nụ, tôi thấy vững tin hơn. Vào mùa đông – xuân, trong khi nhiều gia đình khác phải chống chọi với mưa sương thì tôi hoàn toàn yên tâm về quất bonsai ở nhà vườn của mình. Với phương pháp này, tôi chỉ phụ thuộc vào thời tiết 40%”.

Nhận thấy quả phật thủ vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị tâm linh, anh Quỳnh còn mày mò ghép thành công quất bonsai với phật thủ. Anh chia sẻ: “Dù vất vả nhưng làm nghề này tôi rất vui. Cảm giác sau khi tạo dáng, mỗi ngày được thăm nom, được nhìn thấy cây phát triển giống như nhìn thấy những đứa con của mình đang lớn lên và mang Tết về với muôn nơi”.

Cách chăm cây quất bonsai ngày Tết

• Chậu nhỏ tưới 300ml nước 2 lần/ngày
• Chậu vừa tưới 500ml nước 2 lần/ngày
• Chậu to tưới 1.000ml nước 2 lần/ngày
• Nên mang cây ra ngoài trời 4–5 giờ mỗi ngày

MÙA HOA LỤA BÁO ĐÁP

Xứ đạo Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được biết tới là làng nghề truyền thống làm đèn ông sao dịp rằm tháng Tám. Từ sau rằm tháng 8, Báo Đáp chuyển sang sản xuất hoa lụa. Người ta bảo, ở ngoài đời có hoa gì thì Báo Đáp cũng có loại hoa đó, nào cẩm chướng, hoa lan, địa lan, hồng, đào, mai, cẩm tú cầu, hoa ly…. Dịp Tết Nguyên Đán, mặt hàng được yêu thích hơn cả là hoa đào, hoa mai, hoa đồng tiền, hoa hồng.

lang nghe truyen thong hinh anh 04

Đàn ông thường làm những công đoạn cần tới máy móc hỗ trợ

Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân (xóm 8) là một trong những hộ có lượng hoa lụa bán ra nhiều nhất tại đây. Để làm ra một cành hoa, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn: làm màu, cắt vải, dập cánh tạo độ cứng, làm vân, cài hoa… Mỗi ngày, cơ sở của gia đình chị sản xuất được từ 500 – 700 cành, ngày cao điểm có thể lên đến 1.000 cành hoa các loại.

lang nghe truyen thong hinh anh 07“Hoa nào trên thị trường bán chạy, gia đình tôi sẽ tập trung làm nhiều. Mỗi cành hoa chỉ lãi được 1.000 – 2.000 đồng. Không lãi nhiều nhưng yêu nghề, nghề ngấm vào máu, lúc nào cũng nghĩ đến việc làm sao làm ra những bông hoa lụa giống y như hoa thật”, chị Xuân tâm sự. Chúng tôi đến cơ sở sản xuất Thắng Trâm (xóm 7), nơi chuyên làm hoa lan. Dù đã quá trưa nhưng những người làm ở đây vẫn chưa có dấu hiệu nghỉ tay. Ngồi cần mẫn bên chiếc máy dập cánh hoa lan, bác Lê Văn Thiệm cho biết mỗi ngày bác có thể dập 5kg cánh hoa. Dập cánh hoa đã có sẵn khuôn nhưng cái khó là phải căn nhiệt độ vừa đủ, tùy vào vải cứng hay vải dày, vải vừa nhuộm hay đã nhuộm lâu để làm cứng vải và tạo vân đẹp.

lang nghe truyen thong hinh anh 05

Phụ nữ đảm nhận công đoạn chấm keo hoàn thiện sản phẩm

Đàn ông thường lo những việc liên quan đến máy móc, buôn bán và bỏ mối hàng. Còn phụ nữ phụ trách chấm keo, ghép cành và hoàn thiện sản phẩm. Để kịp phục vụ nhu cầu thị trường, các gia đình đã có sự chuyên môn hóa sản xuất. Nhà chuyên làm cành, nhà chuyên làm lá, đài, dập cánh, phủ nhụy và ghép hoa. Cứ thế, cả làng nghề bận rộn.

Sau khi kết thúc công việc làm đèn ông sao phục vụ rằm tháng Tám, gia đình bác Chiếm (xóm 5) chuyển sang làm hoa mai. Là người yêu cây cảnh nên bác Chiếm đem cả tình yêu đó vào việc làm hoa mai lụa ngày Tết. Lượm những gốc cây khô xù xì nhà vườn vứt bỏ, bác Chiếm rửa sạch, đẽo gọt, cắt, ghép tạo dáng, tạo tán, đắp cành, đắp da, đắp vỏ cho cây. Qua bàn tay khéo léo của bác, những khúc củi vô tri đã được hồi sinh.

lang nghe truyen thong hinh anh 06

Bác Chiếm say sưa với công việc tạo thế cây mai lụa ngày Tết

Sau khi bác ghép hoa, người ta có thể nhầm tưởng là cây mai thật. Tùy vào thế, mỗi cây mai được bác Chiếm đặt cho một tên như “lão mai sinh quý tử”, “huynh đệ”, “quần tụ tam sơn”… Giá dao động 200.000 – 600.000 đồng/ cây. Cũng có cây mai lụa giá lên đến tiền triệu vì độ khó của nó. Theo bác Chiếm, để có thể làm được công việc tạo thế hoa mai, ngoài niềm đam mê, người làm còn phải có kiến thức, am hiểu về cây cảnh. Sân nhà bác Chiếm lúc nào cũng tập kết đủ thứ gốc cây, cành củi. Chỉ sau vài ba ngày, số gốc cây, cành củi đó được “hô biến” thành hàng chục cây mai đẹp mắt. Bác hồ hởi khoe: “Cả nhà cùng nhau làm hoa, cứ làm xong mẻ hoa nào là có khách đến lấy. Tết đến, chúng tôi chỉ sợ không làm kịp hàng để bán thôi”.

ĐỊA CHỈ CHO BẠN

Bạn và gia đình có thể ghé thăm một số làng nghề truyền thống chuyên phục vụ mặt hàng Tết để cảm nhận Tết đến một cách sống động hơn. Vừa được xem quy trình sản xuất, vừa hít thở không khí dễ chịu của làng quê và trò chuyện với những người dân làm nghề chân chất, hồn hậu, đó là điều đặc biệt mà không phải chuyến đi nào cũng có được.

• Vườn quất bonsai Dương Gia (Tứ Liên, Q. Tây Hồ), website www.quatbonsai.vn, điện thoại 090 446 6568.

• Gia đình bác Chiếm, xóm 5, làng hoa lụa Báo Đáp, điện thoại 0166 4085 139.

• Làng cá kho Vũ Đại (Lý Nhân, Hà Nam), www.cakholangvudai.com.

Bài: THU HÀ

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua