Lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản

Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản cùng với các cường quốc trên thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản với sự tham gia của các nước đứng đầu Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada bắt đầu khai mạc vào ngày 26 − 5.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ bàn luận xoay quanh các vấn đề mang ý nghĩa toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng tị nạn, nước Anh rời khỏi EU và các tuyên bố về chủ quyền trên biển Đông.

Đại diện phía Việt Nam, ngay sáng nay 26 − 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ đã rời Hà Nội và lên đường đến thành phố Ise Shima, tỉnh Mie, Nhật Bản, để tham dự hội nghị.

Sự kiện Việt Nam lần đầu tiên được mời đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản cho thấy uy tín và tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của tôi trên cương vị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục phát triển rất tốt đẹp”.

Hoi nghi Thuong dinh G7 tai Nhat Ban hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu đến Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7

Sau 43 năm thiết lập quan hệ giao bang, Nhật đã trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam trên hầu hết các phương diện. Không chỉ thế, Nhật còn giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong việc phát triển xã hội thông qua nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại (ODA) và các chương trình tài trợ khác.

Vì thế, thông qua chuyến đi lần này, phái đoàn Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, cùng nhau phát triển lâu dài.

Song song đó, việc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện tiếng nói và hành động của mình đối với các vấn đề về hòa bình, an ninh, ổn định phát triển của các quốc gia trong khu vực và toàn thế giới. Đó cũng chính là chủ trương về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Hà Ngô
Tiếp thị Gia Đình

Đừng bỏ qua