Lâm Thụy Nguyên Hồng: Doanh nghiệp cũng cần ý thức bảo vệ môi trường

“Bảo vệ môi trường không chỉ là việc của mỗi cá nhân riêng lẻ. Trách nhiệm cũng nằm ở các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh”, giám đốc Nguyên Hồng chia sẻ

Chị Lâm Thụy Nguyên Hồng

Dịp Trung thu 2019 vừa qua, khi đến chuỗi cửa hàng cà-phê Highlands, hẳn là bạn đã bắt gặp những chiếc lồng đèn xinh xắn. Chúng không chỉ là quà tặng đơn thuần mang niềm vui đến khách hàng, mà còn gửi gắm thông điệp tái sử dụng cùng ý thức bảo vệ môi trường. Đây là ý tưởng đến từ công ty giải pháp quà tặng Ikachi. Và người đứng đầu chính là chị Lâm Thụy Nguyên Hồng.

Chị Lâm Thụy Nguyên Hồng là một người quan tâm đến vấn nạn rác thải và ô nhiễm môi trường. Chia sẻ với TTGĐ, chị mong muốn làm một điều gì đó trong tầm tay, trong chính lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động. Chị tin những thay đổi tích cực nhỏ cũng đều có giá trị, góp phần mang lại thay đổi lớn.

Làm đồ tái chế là một bài toán khó

TTGĐ: Từ đâu mà chị có ý tưởng biến ly nhựa đã bỏ đi thành một chiếc lồng đèn?

Lâm Thụy Nguyên Hồng: Khoảng tháng 7–8 vừa rồi, tập thể công ty của tôi tự đề xuất làm một hoạt động gì đó đóng góp cho xã hội. Nhiều ý tưởng được đưa ra xoay quanh chuyện bảo vệ môi trường sống. Trong đầu tôi cũng từng hình dung là mình sẽ đầu tư chi phí cho một tổ chức phi lợi nhuận; hay tổ chức một buổi dọn dẹp rác ở khu vực nào đó… Nhưng làm vậy thấy cũng không tới đâu mà cũng không lan tỏa ý thức được gì nhiều.

Tôi đem ý tưởng đó đến lớp học giá trị sống và nhờ mọi người gợi ý thêm về cách thực hiện. Đúng lúc đó có người cho tôi hay về tình trạng ly nhựa sử dụng tràn lan ở các chuỗi quán cà-phê. Biết thế mạnh của công ty tôi chuyên về giải pháp quà tặng và đồ chơi trẻ em, mọi người đều nói: “Sao chị Hồng không biến đống ly đó thành đồ chơi đi”.

Từ một cái ly nhựa được coi là rác, làm thành món đồ chơi gì đây? Sẵn dịp gần tới Trung thu, tôi quyết định làm thành chiếc lồng đèn. Không chỉ là đồ chơi, món quà còn mang thông điệp sử dụng đồ nhựa có ý thức. Đồng thời đó còn là một bài học cho việc tái sử dụng để gia tăng giá trị lẫn tuổi thọ món đồ.

Lồng đèn tái chế

TTGĐ: Quá trình thực hiện có dễ dàng không?

Lâm Thụy Nguyên Hồng: May một chiếc áo mới lúc nào cũng dễ dàng hơn sửa lại một chiếc áo cũ thành cái áo mới. Khi bắt đầu làm cái gì đó hoàn toàn mới, mình được quyền muốn làm gì thì làm tùy theo suy nghĩ. Nhưng xử lý một thứ đã có sẵn hình hài, đòi hỏi mình phải có giải pháp cho nó; phải logic, khéo léo để khiến người khác nhìn nó như một sản phẩm hoàn toàn mới. Nếu không làm được, thì cái ly đó vẫn chỉ là rác mà không thêm được một giá trị nào nữa!

TTGĐ: Phản ứng của mọi người khi nhận được món quà Trung thu đặc biệt này ra sao?

Lâm Thụy Nguyên Hồng: Mọi người đều rất thích thú, từ người lớn cho tới trẻ em. Món quà ban đầu chưa phải là lồng đèn. Phải “động tay động chân” chút xíu, qua khâu tháo lắp và dán mới thành hình. Nhờ vậy mà các thành viên trong gia đình có dịp được quây quần bên nhau.

Đặc biệt, nếu chỉ nhìn qua, không ai nghĩ đây là đồ tái chế. Tất cả 20.000 ly nhựa, ống hút làm lồng đèn đều được rửa lại sạch sẽ. Vật liệu trang trí thiết kế đẹp. Khâu đóng gói chỉn chu. Tất cả đều hoàn toàn bằng giấy. Tôi không sử dụng thêm bất kỳ bao ni lông nào để đựng sản phẩm.

Hộp quà Tết đa công năng

Hành động bảo vệ môi trường từ chính công việc hàng ngày

TTGĐ: Sau đợt Trung thu, chị đã có ý tưởng gì đó liên quan tới môi trường chưa?

Lâm Thụy Nguyên Hồng: Chúng ta có nhiều cách để bảo vệ môi trường. Đâu nhất thiết chỉ là đi gom rác, đi trồng cây hay quyên góp tiền của. Mình có thể hành động trong chính công việc thiết kế sáng tạo hàng ngày của chính doanh nghiệp. Ví dụ như mình lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường. Hoặc cân nhắc vật liệu thay thế cho nhựa. Hay trong khi thiết kế, mình tối ưu nguyên vật liệu để giảm tối đa rác thải.

Từ sau chiếc lồng đèn Trung thu tái chế, tôi nảy ra nhiều ý tưởng sáng tạo mà vẫn rất thân thiện với môi trường. Đơn cử là sản phẩm hộp quà tặng đa công năng cho dịp Tết Nguyên đán 2020.

TTGĐ: Chị có thể chia sẻ thêm về sản phẩm hộp quà tặng này được không?

Lâm Thụy Nguyên Hồng: Nhu cầu quà tặng ngày Tết là rất cao. Ai cũng muốn tìm mua và biếu tặng những hộp quà, giỏ quà thật bắt mắt. Nhưng sau đó thì sao? Mấy người giữ lại chiếc hộp để đựng đồ? Phần lớn là bị vứt đi, gây lãng phí, thải ra một lượng rác không nhỏ.

Tôi muốn hộp quà, giỏ quà tặng có thêm công năng sử dụng, gia tăng tuổi thọ và vòng đời sử dụng. Nó có thể là một bức tranh trang trí trong nhà dịp Tết, một vật trang trí bàn làm việc; hay trở thành vật dụng hữu ích khác trong nhà.

TTGĐ: Chị sẽ triển khai như thế nào?

Lâm Thụy Nguyên Hồng: Điều tôi mong đợi là sẽ có nhiều doanh nghiệp cũng chú ý đến vấn đề môi trường khi lựa chọn quà tặng cho khách hàng, đối tác. Chính vì vậy, khi đi tư vấn khách hàng, chúng tôi luôn đưa giải pháp thân thiện môi trường nhất đầu tiên. Bằng giải pháp quà tặng thân thiện và đa năng, chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ môi trường ở góc độ doanh nghiệp.

TTGĐ: Cảm ơn chị Lâm Thụy Nguyên Hồng đã chia sẻ.

Bài: Công Trung
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua