
Bệnh chàm có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ ngay từ lúc mới chào đời. Tính trung bình cứ 10 người sẽ có 1 người mắc bệnh. (Ảnh: Shutterstock)
Bệnh chàm là một bệnh lý lành tính, không lây nhưng rất hay tái phát. Chúng liên quan đến các yếu tố di truyền, cơ địa, chất tiếp xúc. Chàm có nhiều loại như chàm đồng tiền, chàm tiếp xúc, chàm thể tạng. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng phổ biến nhất là trẻ em và thiếu niên. Một cuộc khảo sát của National Eczema Society tại Mỹ cho thấy 89% người lớn mắc bệnh chàm cảm thấy bị giảm đi chất lượng cuộc sống. Trong đó, 3/4 số người trưởng thành cho biết bệnh chàm đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và khiến họ luôn cảm thấy chán nản, lo lắng, bất lực và bị cô lập về mặt xã hội.
Nguyên nhân bệnh chàm là gì?
Theo các thống kê cho thấy, bệnh hình thành bởi yếu tố di truyền. Cụ thể, nếu có người thân mắc bệnh chàm, nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ cao hơn. Ngoài ra, những người có cơ địa dễ dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên như thời tiết, stress, phấn hoa, virus, thuốc tê, các hóa chất như chất tẩy rửa, xi măng hay ăn phải những thức ăn gây dị ứng (hải sản, đậu phộng, thịt bò) đều có thể gây bùng phát một đợt chàm cấp tính.
Bên cạnh đó, trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, người mắc các bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc ăn uống thiếu cân bằng cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Các giai đoạn của bệnh
Bất cứ vị trí nào trên cơ thể đều có thể bị chàm nhưng thường gặp nhất ở da đầu, mặt, môi, bàn tay và bàn chân. Tiến triển của bệnh sẽ diễn ra theo 3 giai đoạn với những biểu hiện điển hình như sau:
Ở giai đoạn cấp tính: Vùng da của người mắc bệnh chàm sẽ ngứa ngáy, ửng đỏ. Tiếp theo, mụn nước xuất hiện và lan sang phần da xung quanh và mọc theo đợt thành từng mảng dày.
Ở giai đoạn bán cấp: Khi người bệnh gãi hoặc va đập khiến mụn nước bị vỡ, chất dịch chảy ra sẽ đọng lại tạo thành vảy khô. Lớp vảy bong ra để lại lớp da rất nhẵn. Từ đó lớp da mới tái tạo, dày hơn và sắc tố da đậm hơn lúc đầu.
Ở giai đoạn mãn tính: Bệnh chàm sẽ diễn ra trong khoảng thời gian nhiều hơn 6 tuần. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh sẽ trở thành mãn tính, ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh.
Những người mắc bệnh chàm cần làm gì để ngăn ngừa bệnh tái phát?
Giữ móng tay luôn đẹp
Khi bị ngứa, gãi là hành động khó tránh. Vì thế, những người mắc bệnh chàm cần cắt móng tay ngắn và dũa gọn gàng để hạn chế tổn thương. Ngoài ra, đắp móng giả cũng là một cách đầu tư cần thiết. Bởi móng giả thường mềm hơn móng thật nên sẽ hạn chế làm xước da khi gãi. Tuy nhiên, những người dị ứng cần tránh dùng móng acrylic vì chúng có thể làm bệnh chàm khởi phát.
Đắp khăn lạnh
Bệnh chàm thường gia tăng khi thời tiết nóng. Do đó, một chiếc khăn lạnh sẽ là trợ thủ đắc lực. Theo các chuyên gia về da liễu, khi xuất hiện các mảng chàm đỏ và bị kích ứng, việc giữ cho vùng da mát mẻ sẽ giúp làm dịu và giảm viêm hiệu quả. Vì vậy, khi bệnh chàm tái phát, hãy nhanh chóng làm lạnh khăn và đắp lên vị trí bị kích ứng.
Lựa chọn chất liệu vải
Vải tổng hợp có thể làm tăng mồ hôi và gây kích ứng da. Vì vậy, bạn nên chọn vải cotton, vải lanh mềm hoặc lụa. Các chất liệu này được làm từ tự nhiên nên không gây dị ứng và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh các loại áo bó sát vì dễ khiến các cơn ngứa bùng phát trở lại. Lựa chọn tốt nhất sẽ là các loại trang phục rộng rãi và thoáng mát. Đặc biệt, bạn cần lựa chọn các loại bột hoặc nước giặt phù hợp với làn da nhạy cảm.
Làm gì khi có vết chàm trên mắt?
Nếu bạn đang phải chịu đựng cơn đau rát trên mí mắt của mình do các vết chàm, hãy nhờ đến các túi trà hoa cúc nhé. Đặc tính chống viêm của hoa cúc có thể mang đến tác dụng kỳ diệu, làm giảm mẩn đỏ và bọng mắt do bệnh chàm gây ra.
Thiền định
Nhiều người thường có xu hướng gãi nhiều hơn khi cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng. Mặc dù gãi có thể tạo cảm giác như bạn đang xoa dịu bản thân, nhưng nó thường không mang lại hiệu quả. Để cải thiện tình trạng này, bạn hãy học thêm bộ môn thiền. Phương pháp này đã được chứng minh là có thể cải thiện mức độ căng thẳng và giúp bạn kiểm soát được cảm xúc cũng như giác quan của mình.
Cách phòng ngừa bệnh chàm trong đời sống gia đình
Bệnh chàm là một căn bệnh khá phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải, không phân biệt độ tuổi, giới tính. Chính vì vậy, việc phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng:
Để đảm bảo cơ thể không tái phát bệnh chàm, bạn cần tránh tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa, xi măng, thuốc nhuộm, nước hoa, lông chó mèo hoặc cao su, sơn xe,…
Uống đủ nước mỗi ngày. Đây là biện pháp rất đơn giản, dễ thực hiện mà rất hiệu quả. Nước sẽ giúp bạn thanh lọc cơ thể, bài trừ độc tố. Mỗi ngày bạn cần uống 2–2,5 lít nước.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Bổ sung nhiều trái cây và rau củ tươi sống sẽ giúp bạn hạn chế gây nhiệt lên cơ thể. Bên cạnh đó, bạn cần tránh các thực phẩm lạ, dễ gây dị ứng.
Thường xuyên sử dụng các thực phẩm giàu probiotic, đậu nành và các loại rau xanh giàu chất chống viêm. Đồng thời, nên bổ sung thêm vitamin A, E, ma-giê và kẽm.
Giữ vệ sinh da sạch sẽ, khô thoáng. Khi có dấu hiệu bị bệnh, bạn cần liên hệ ngay bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời. Như vậy sẽ giúp điều trị bệnh nhanh chóng và dứt điểm.
Tiếp Thị Gia Đình