Để biết trái cây Trung Quốc đã tung hoành, qua mặt người tiêu dùng thế nào, phóng viên TTGĐ trong vai một người mua trái cây về bán lẻ đã có mặt tại chợ vào khuya những ngày trung tuần tháng 8 – 2016.
Từ chợ đầu mối
Phía sau chợ đầu mối Thủ Đức là nơi tập kết hàng loạt xe container lạnh chở rau quả Trung Quốc đợi đến lượt dỡ hàng, xé lẻ bán cho tiểu thương. Dũng, một tài xế xe lạnh đăng ký tại Bình Thuận, cho biết chuyến này anh chở hơn 10 tấn nho, những xe bên cạnh chở đào, mận hay lê, táo. Hầu hết lái xe ở đây đều chuyển xoài, sầu riêng từ miền Tây hay thanh long từ Bình Thuận lên các cửa khẩu phía Bắc như Tân Thanh, Cốc Nam thuộc tỉnh Lạng Sơn. Sau khi xe trả hàng, các chủ hàng khác lại thuê họ chở rau, quả từ Trung Quốc về các chợ đầu mối. Theo anh Dũng, các loại trái cây Trung Quốc cũng theo mùa, nhưng mùa trái cây của họ kéo dài hơn của Việt Nam: “Hiện nay mận Trung Quốc vẫn có mặt dồi dào ở chợ, trong khi mận Hà Nội đã hết mùa, chỉ có vào dịp tháng Năm, tháng Sáu âm lịch”.
Cánh lái xe như Dũng có nguồn hàng để chở quanh năm. Đầu năm thì cam, quýt; giữa năm chuyển sang mận, đào, xoài; cuối năm thì hồng, lê, táo. Theo anh, nhìn bề ngoài mấy ai phân biệt được đâu là mận trong nước, đâu là mận nhập khẩu. Có chăng là ngoài loại mận đỏ, loại nhỏ còn có loại mận lớn, màu đen, mà nhiều người vẫn quen gọi là mận Úc, thực ra hàng Trung Quốc cũng giống y chang.
Khoảng 22 giờ đêm, tiểu thương các chợ lẻ trong thành phố hoặc từ các tỉnh đã lục tục vào chợ đầu mối lấy hàng. Nhiều chủ hàng yêu cầu các tài xế xe lạnh chở hàng lên phía trước để bán. Những chiếc xe container to lớn này, có xe chở tới gần 20 tấn trái cây tươi. Theo lời chủ hàng, 20 tấn này bán đến 2–3 giờ sáng hôm sau là hết sạch. Hầu hết các loại trái cây Trung Quốc đều được đóng trong những thùng giấy, mỗi thùng nặng 18–21kg. Tiểu thương chợ lẻ, có người lấy nhiều thì vài chục thùng, cũng có những người chỉ lấy chục cân để đi bán rong. Chỉ những thùng nho, đào, mận, xoài, táo, lê đã được xé toang để chia nhỏ cho các tiểu thương, Dũng nói: “Giờ thì muốn coi đó là hàng Úc, hàng Mỹ hay hàng Việt gì đều do người bán quyết định”.
Giá bán lẻ các loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc đã rẻ, song giá bán sỉ tại các chợ đầu mối còn rẻ bất ngờ hơn, hầu hết chỉ ở ngưỡng 20.000–30.000 đồng/kg. Trái xoài mút, nhiều người trước nay vốn lầm tưởng trái này với trái xoài rừng có giá khai báo tại cửa khẩu hải quan chưa đầy 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, những sản phẩm khi ra đến các sạp, xe bán rong, giá cũng tăng gấp đôi, thậm chí là gấp 9–10 lần.
Tung hoành các tuyến đường
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý Chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết, những năm gần đây trái cây Trung Quốc về chợ giảm đi rõ rệt. Trước đây, trái cây Trung Quốc đứng đầu trong nhóm trái cây nhập khẩu ở chợ, nhưng hiện nay chúng chỉ đứng thứ hai sau hàng Thái Lan. Nhiều lần Ban quản lý chợ đã lên tiếng với tiểu thương rằng bất cứ trái cây từ nước nào về chợ đều phải có giấy kiểm dịch, chứng nhận nguồn gốc rõ ràng mới được nhập chợ. Song, khi những loại rau quả nhập khẩu này ra chợ lẻ, họ nói là hàng Việt, hay hàng Mỹ, Úc… thì chợ không thể can thiệp.
Thực tế này kéo dài rất nhiều năm nay. Tại TP. HCM cũng đã tự phát hình thành những khu vực tập trung bán các loại trái cây Trung Quốc đột lốt hàng trong nước hay hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Mỹ, Úc. Cụ thể, dọc quốc lộ 13 (Thủ Đức), xa lộ Hà Nội (Q. 2, Q. 9), quốc lộ 1A, quanh làng trẻ em SOS… là khu tự phát chuyên bán hàng nho, nho Trung Quốc được bán dưới bóng nho vườn Ninh Thuận hoặc nho Mỹ. Tại chợ đầu mối, loại trái này giá chỉ 25.000–30.000 đồng/kg, nhưng về đến những điểm bán giá ít nhất là 40.000 đồng/kg.
Một số loại trái cây trong nước như mận, đào dù đã hết mùa từ gần một tháng nay, nhưng dọc những tuyến đường như Cộng Hòa, Trường Chinh, chúng vẫn được bán nhan nhản dưới những tấm biển “mận Hà Nội”, “đào Sa Pa”. Theo bà Hải, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ Hà Nội trên đường Trần Quốc Toản, Q. 3, TP. HCM, nhìn bề ngoài các loại trái cây này, người tiêu dùng bình thường rất khó phân biệt đâu là hàng trong nước, đâu là hàng Trung Quốc. Trong khi khác nguồn thì có giá khác nhau một trời một vực, người tiêu dùng rõ ràng sẽ bị thiệt nếu mua lầm. Mận từ Lạng Sơn hay các tỉnh miền núi phía Bắc tại nguồn đã 25.000 đồng/kg, bán tại Hà Nội đã hơn 50.000 đồng/kg, về đến TP. HCM giá lên tới 80.000–90.000 đồng/kg, nên không thể được bán tại TP. HCM với giá 20.000 đồng/kg, bất kể cuối vụ. “Mùa của những trái này kết thúc khá lâu mà chúng vẫn được bán khắp đường, trái vẫn tươi rói bất kể người bán hàng rong ruổi trên các tuyến đường dưới trời nắng. Vì vậy, nhiều người đặt nghi vấn về chất lượng của trái cây Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở”, bà Hải nói.
Nhận biết một số loại trái cây Trung Quốc
Theo chia sẻ của một số người trồng hay những người buôn bán kinh doanh trái cây lâu năm, bạn có thể nắm bắt mùa vụ của những loại trái cây trong nước để tránh mua phải hàng Trung Quốc đội lốt. Ngoài ra, khi mua, bạn quan sát, nhận biết một số đặc điểm khác biệt giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu, cụ thể:
♦ Trái nho:
Theo ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trại nho Ba Mọi nổi tiếng tại Ninh Thuận, nho Trung Quốc có cả nho đỏ, đen lẫn nho xanh. Nho Trung Quốc trái to, tròn nhưng vị chua, nhiều trái vị nhạt và phần thịt mềm chứ không giòn, ngọt như nho Mỹ. Nếu bảo quản trong tủ lạnh, nho Trung Quốc thường có biểu hiện ruột bở, nhão hơn. Nho xanh Trung Quốc thường không có hạt, vị ngọt sắc. Nho xanh Ninh Thuận có hạt, vị ngọt thanh hơn.
♦ Trái đào:
Đào Trung Quốc thường núp bóng, bán thành đào Sa Pa nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, diện tích đào lấy trái tại tỉnh này rất hạn chế nên sản lượng không đủ để bán nhiều tháng. Đào Trung Quốc trái lớn, đều, vỏ có màu hồng nhạt, nhìn khá bắt mắt, bề mặt trái ít lông; trong khi đào Lào Cai và một số tỉnh phía Bắc thì trái nhỏ, màu xanh, bề mặt trái lại nhiều lông. Khi ăn, đào trong nước giòn, có vị hơi chua còn đào Trung Quốc mềm hơn, vị ngọt nhiều hơn.
♦ Trái lựu:
Lựu Trung Quốc thường có trái to, tròn, màu trắng hồng và phần hạt đỏ, nhiều cơm nhưng kém thơm; trong khi lựu trong nước trái nhỏ, vỏ xanh, phần cơm có màu hồng nhạt, mùi thơm đặc trưng.
♦ Lê:
Trong một số siêu thị như Co.opmart, BigC… hiện không còn bán lê Trung Quốc mà chủ yếu bán lê Nam Phi (có đặc điểm khá giống với trái đu đủ nhỏ, màu vàng xanh, vị ngọt). Nhưng tại các cửa hàng trái cây, xe bán rong, lê Trung Quốc vẫn được bán khá nhiều. Loại trái này to, tròn, bóng, màu trắng xanh, vị ngọt đậm nhưng không thơm.
♦ Trái táo:
Táo Trung Quốc thường là trái lớn, tròn nhưng khi cầm lên tay có cảm giác xốp nhẹ. Phần vỏ hay được bao lớp lưới xốp, bỏ lớp lưới này ra quan sát sẽ thấy có lớp phấn mỏng. Táo nhập từ Mỹ, Úc, New Zealand vỏ đỏ đậm hoặc đỏ đen, thơm, vị ngọt cầm chắc tay…
♦ Trái cam:
Cam Trung Quốc nhìn sơ rất giống cam Nam Phi. Cam Trung Quốc có đặc điểm là trái to và màu vàng tươi, nhưng chúng lại thường có vỏ mỏng, láng. Đặc biệt, khi bạn bổ ra, cam Trung Quốc không thơm như cam Nam phi mà có mùi giống như mùi ủng do để lâu.
Thư Đặng
Tiếp Thị Gia Đình