Làm sao để cân bằng giữa gia đình và việc học?

Làm sao để cân bằng giữa gia đình và việc học luôn là nỗi băn khoăn của những người dù đã lập gia đình, có con nhưng vẫn còn cắp sách đến trường. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc đó

Xã hội hiện đại, việc sở hữu bằng cấp cao thường mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Vì vậy, không hiếm cảnh người ở tuổi trưởng thành, đã lập gia đình vẫn còn cắp cặp đến trường, thậm chí du học nước ngoài. Sự nghiệp học hành của những người đi học khi đã có gia đình cũng lắm chông gai. Vậy phải cân bằng giữa gia đình và việc học như thế nào?

LÀM SAO ĐỂ CÂN BẰNG GIA ĐÌNH VÀ VIỆC HỌC?

Can bang giua gia dinh va viec hoc hinh anh 1

Để cân bằng giữa gia đình và việc học, điều đầu tiên mà những người đã lập gia đình cần làm khi quyết định quay trở lại chuyện học hành là đối thoại với những người thân gồm vợ (chồng), con cái (nếu có), bố mẹ (nếu còn). Mục đích đối thoại là để mọi người trong gia đình nắm rõ nguyện vọng học hành của bản thân, ủng hộ và chia sẻ việc nhà cùng với bạn. Đồng thời, người thân cảm thông cho những thiếu sót của bạn do phải đầu tư thời gian, công sức cho việc học mà khó chu toàn những việc khác trong gia đình.

Trong cuộc đối thoại, người đi học cũng nên thẳng thắn đề nghị phân chia lại trách nhiệm công việc trong nhà cho các thành viên còn lại nếu cảm thấy bản thân mình đã quá tải với việc học, việc cơ quan. Nếu người đi học đang học theo dạng cử tuyển của cơ quan thì cần trao đổi rõ với cấp trên và đồng nghiệp để giảm bớt khối lượng công việc mình đảm nhận. Bạn cũng nên đề nghị được hỗ trợ để có thể hoàn thành tốt việc học lẫn việc cơ quan.

Kế hoạch hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày là công cụ hiệu quả nhất để kiểm soát công việc cho những người vừa phải đi học, đi làm lẫn vướng bận gia đình. Cũng nhờ kế hoạch này, họ có thể biết trước những việc gì cần sự trợ giúp của cấp trên, đồng nghiệp hay người thân để lên tiếng nhờ cậy sớm và dễ nhận được sự giúp đỡ hơn. Ngoài ra, việc lập kế hoạch cũng giúp họ loại bỏ những việc không cần thiết hoặc không gấp gáp, tránh dồn bản thân vào trạng thái quá tải và căng thẳng.

Họ cần có các biện pháp duy trì sức khỏe và tranh thủ thời gian thư giãn bất cứ khi nào có thể. Chỉ có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái thì việc học và các công việc khác mới được thực hiện hiệu quả và trôi chảy.

THÔNG TIN THÊM

Can bang giua gia dinh va viec hoc hinh anh 2

Vợ (chồng) có thể chia sẻ áp lực học hành, công việc, gia đình với bạn đời bằng cách:

♥ Thảo luận kế hoạch đi học với nhau để sắp xếp lại các công việc trong gia đình nhằm giúp người đang đi học an tâm, tập trung và hoàn thành việc học sớm nhất.

♥ Hai người thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện với nhau về việc nhà và việc học. Có thể khi lắng nghe, bạn không giúp được gì nhiều cho bạn đời nhưng lắng nghe cũng là một cách hỗ trợ tinh thần hiệu quả.

♥ Vợ (chồng) có thể là cầu nối để những người thân trong gia đình hai bên ủng hộ cho quyết định đi học của bạn đời. Đồng thời, bố mẹ, anh em cũng giúp đỡ người ở nhà trong việc chăm sóc con cháu. Ngoài ra, họ còn hiểu để bỏ qua những việc thiếu chu đáo của vợ chồng bạn.

♥ Thu xếp thời gian để cả gia đình có những giây phút thư giãn hoặc tham gia một hoạt động chung như tham qua, dã ngoại.

Huyền An

Mục Gia Đình − Tiếp Thị Gia Đình

 

 

Đừng bỏ qua