Một ngày bạn trở về nhà sau giờ làm việc, nhìn thấy chồng, bạn chẳng buồn chào. Bữa cơm tối, bạn vừa buông một câu, chồng đã tỏ ra gắt gỏng. Bạn nhớ anh bạn đồng nghiệp, nghĩ sao mà anh ấy tốt bụng thế, lịch thiệp thế, phải chi chồng mình cũng được như vậy. Chồng bạn cũng chẳng kém gì. Anh ấy đang nghĩ vợ mình sao hung dữ và xấu xí thế, nhìn thôi cũng đã phát ngấy rồi… Tất cả điều này là vì hai bạn trải qua giai đoạn nhàm chán trong hôn nhân.
VÌ SAO SỐNG LÂU DỄ DẪN ĐẾN NHÀM CHÁN TRONG HÔN NHÂN?
Tôi có cô bạn thân xinh đẹp làm việc trong ngành quảng cáo. Chồng cô làm việc tại một công ty viễn thông. Bạn tôi kể: “Chồng mình có thói quen hôn vợ trước khi đi làm. Trưa thì nhắn tin hỏi em ăn chưa? Lúc mới quen hoặc mới cưới nhau, những cử chỉ đó của chồng khiến mình rất thích. Nhưng cưới nhau đã ba năm, khi mình đã “thuộc bài” hết, biết cứ đúng giờ, anh ấy sẽ hỏi vậy, làm vậy… mình thấy nó nhàm làm sao. Nhiều khi mình thấy chẳng cần phải trả lời tin nhắn hoặc trả lời một hai từ cho xong”.
Một ngày nọ, bạn tôi bảo chồng cô ấy theo bạn “đi ăn chơi”. Lúc kể câu chuyện đó, cô ấy tỏ ra rất đau khổ. Suốt một năm sau đó, vợ chồng cô ấy không ngừng căng thẳng, mỗi người đều đổ lỗi cho người kia là nguyên nhân khiến hôn nhân rạn nứt. Bạn bè biết chuyện ai cũng há hốc mồm thốt lên câu: “Hai người đó trước đây yêu nhau đến thế kia mà”.
Phàm là người ai cũng thích được yêu thương, quan tâm, chiều chuộng, cũng muốn mình là người quan trọng đối với người kia trong mối quan hệ vợ chồng. Lúc yêu nhau, chàng săn đuổi nàng, muốn làm điều “thần thánh vĩ đại” để có được tình cảm của nàng. Khi có được tình cảm của nàng rồi, chàng tiếp tục công cuộc “đào sông lấp bể”, minh chứng đến cùng tấm chân tình để có thể lồng vào tay nàng nhẫn cưới. Sự cố gắng này có thể gọi là cả một công trình mà người thực hiện nó mệt đến bở hơi tai. Cưới được rồi, đàn ông nghĩ mình cần phải nghỉ ngơi, tận hưởng công trình mình đã dày công tạo dựng. Còn nàng ư? Được chiều chuộng quen rồi, nàng “bê nguyên xi” mô hình tình yêu thuở chưa cưới áp dụng luôn vào vai trò mới là làm vợ, làm mẹ. Nàng đợi chàng tiếp tục minh chứng tình yêu, tiếp tục chiều chuộng. Thế là hai người vô tình bỏ rơi nhau mà không hề hay biết, rồi dần chán nhau, oán trách nhau thay lòng.
Nhàm chán trong hôn nhân còn vì bạn và chồng không còn e dè. Khi yêu, chàng cố gắng tỏ ra lịch thiệp, thơm tho… để hấp dẫn nàng. Còn nàng có thói quen xấu nào cũng cố gắng che giấu. Về sống với nhau, chàng ngồi vào bàn là chăm chăm ăn món mình thích chẳng quan tâm đến ai. Nàng thì ngoài khoản ăn mặc xộc xệch, thỉnh thoảng còn nói vài câu “hơi thô” khiến chàng “té ngửa” tự hỏi: Người tôi yêu ngày xưa đây sao?
Nhàm chán trong hôn nhân vì khi con cái bắt đầu ra đời, cuộc sống vất vả hơn, nhà cửa cũng ồn ào, bừa bộn hơn. Chồng không muốn về nhà vì vợ hay nhăn nhó chuyện con cái, nhà cửa, cơm nước. Vợ thì không còn tha thiết gì với chồng khi đã quá mệt mỏi với chuyện đi làm và chăm con.
Một khi đã chán, ngoài kia sẽ có bao nhiêu “tên cướp” sẵn sàng cướp mất hạnh phúc gia đình bạn. Từ đây, những ngày vui không còn, vợ chồng bắt đầu quay sang trách móc nhau, đổ lỗi cho nhau. Càng đổ lỗi cho nhau, bạn càng không có thời gian lắng nghe nhau, không còn biết đối phương cần gì. Cuộc sống gia đình càng lúc càng căng thẳng.
LÀM SAO ĐỂ TRÁNH NHÀM CHÁN TRONG HÔN NHÂN?
♣ Hãy nghĩ về tình yêu: Hãy nhớ lại những ngày đầu hai bạn bên nhau và cố gắng nhớ những gì đặc biệt mà hai người đã có với nhau. Nhớ về những gì tốt đẹp đã có sẽ khiến bạn bao dung hơn.
♣ Nói “Em yêu anh”: Hãy tập nói lại câu “Em yêu anh” như ngày xưa. Hãy ôm hôn nhau khi thức dậy, khi nói lời tạm biệt. Thỉnh thoảng bạn hãy dành cho anh một lời khen.
♣ Chăm sóc vẻ ngoài: Hãy chú ý giữ cho mái tóc, quần áo tinh tươm. Bạn không thể thích một ông chồng luộm thuộm, tại sao lại để vẻ ngoài của mình xấu xí vì thiếu đi sự chăm sóc?
♣ Tỏ ra quan tâm đến chồng: Gần đây, bạn bận rộn với công việc và con cái mà quên chăm sóc chồng, hãy quan tâm đến anh như lúc mới cưới. Bạn có thể nấu cho chồng một bữa ăn sáng tại nhà hay một lời hỏi thăm khi thấy anh mệt mỏi… Những điều này sẽ khiến anh cảm thấy vô cùng xúc động.
♣ Nói chuyện như một người bạn: Để làm bạn được với chồng, khi trò chuyện, bạn đừng đặt mình ở vị trí quá cao. Bạn hãy thật sự biết lắng nghe tâm tư của anh ấy vì ai cũng muốn tỏ bày những điều họ đang nghĩ.
♣ Làm mới đời sống gối chăn: Hãy vực dậy đời sống gối chăn vì đây là yếu tố vô cùng quan trọng. Khi gần gũi nhau, bạn có thể hỏi anh câu: “Anh muốn em làm sao?” để cải thiện đời sống gối chăn.
♣ Nếu có vấn đề hãy giải quyết nó: Nếu giữa hai bạn đang có vấn đề nghiêm trọng, hãy tháo gỡ nó. Thay vì căng thẳng, la hét, hãy ngồi xuống nói chuyện với nhau. Giao tiếp, đối thoại luôn mang lại kết quả tốt hơn là im lặng đối đầu.
♣ Đừng để tiền bạc kiểm soát bạn: Vấn đề tiền bạc là một trong những lý do phổ biến nhất dẫn đến mâu thuẫn trong hôn nhân. Vì thế, bạn nên cố gắng kiểm soát chi tiêu cũng như đặt ra một số quy tắc mà cả hai phải tuân thủ. Ví dụ, bạn và chồng có thể thống nhất với nhau về khoản tiền chung mà hai người phải góp lại là bao nhiêu mỗi tháng hoặc mỗi người được chi tiêu riêng bao nhiêu… Khi tiền bạc được kiểm soát tốt, bạn sẽ không còn phải đau đầu khi suốt ngày bị tiền hành.
♣ Đi du lịch cùng nhau: Không cần phải có nhiều tiền mới đi du lịch được. Hãy chọn một nơi yên tĩnh, không có Internet, không điện thoại, không con cái… để ở bên nhau, nhắc lại những kỷ niệm đẹp, những mơ ước trong tương lai và mối quan tâm hiện tại.
♣ Bớt mơ đi: Bạn muốn chồng mình giàu có, giỏi giang giống ông này, ông kia? Hãy bớt mơ đi. Những giấc mơ này không làm cho bạn hạnh phúc hơn, trái lại còn đẩy bạn xuống tận cùng sự chán nản. Chồng bạn vẫn là anh ấy thôi, người mà bạn tin tưởng và lựa chọn.
♣ Đừng nhắc chuyện quá khứ: Không cần phải nhắc thêm chuyện trong quá khứ bởi những vấn đề của hiện tại đã quá phức tạp rồi.
♣ Biết nhận lỗi: Khi bạn làm sai, đừng cố chấp, hãy dũng cảm nhận lỗi. Khi dám nhận sai, bạn mới có thể cải thiện được mình.
♣ Ngừng nói xấu chồng: Nếu muốn cứu vãn hôn nhân, dù cho anh ấy có lỗi, bạn hãy ngừng ngay việc nói xấu, kể tội anh ấy vì như vậy không thể giúp gì được cho bạn mà chỉ làm cho rạn nứt càng trầm trọng hơn mà thôi.
♣ Tôn trọng lẫn nhau: Khi tranh luận, hãy tôn trọng lẫn nhau, tránh tuyệt đối những lời lăng mạ vì sự xúc phạm sẽ để lại những vết thương lâu dài. Để làm được điều này, bạn phải giữ bình tĩnh. Có tôn trọng ý kiến và cảm xúc người khác bạn mới có thể nhận được tôn trọng.
♣ Bình tĩnh đi qua “cơn say nắng”: Sẽ có lúc nào đó, bạn hoặc anh ấy rơi vào một cơn “say nắng” khiến cho ta có cảm giác sống lại tuổi mộng ngày xưa. Tất cả chỉ là những con bướm đầy màu sắc, thật xinh đẹp nhưng sẽ nhanh chóng bay qua bạn ạ. Hãy nhớ, bạn và chồng cũng từng say đắm nhau. Đừng nghĩ hôn nhân của bạn là một sai lầm và ước mơ sống với người mới. Ai kết hôn rồi cũng mắc những vấn đề như bạn. Hãy đón nhận những phút xao lòng đó như là điều tất yếu đến và tất yếu đi.
HÃY BIẾT LẮNG NGHE
Để cứu vãn một cuộc hôn nhân rạn nứt, điều quan trọng nhất là bạn phải biết lắng nghe để cùng nhau tháo gỡ vấn đề. Không nên công kích hay lên án khi bắt đầu một cuộc trò chuyện. Đừng bắt đầu với câu “Anh sai rồi” hay trách móc. Hãy để anh ấy thay đổi theo cách anh có thể, điều đó dễ dàng hơn là bạn buộc anh ấy phải “như thế này, như thế kia”. Hãy nhớ, yêu là một động từ, nghĩa là bạn phải thể hiện bằng chính hành động cụ thể của mình để chứng minh tình yêu đó. Nếu đã cố gắng mà không tìm được tiếng nói chung, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, có thể là người thân hoặc một chuyên viên tư vấn tâm lý.
Mục Gia Đình − Tiếp Thị Gia Đình