Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản thế nào là câu hỏi thường gặp của nhiều bậc phụ huynh. Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng đường dẫn khí (phế quản) đến phổi. Khi con bị cảm lạnh, đau cổ họng, cảm cúm, nhiễm trùng xoang, virus có thể lan sang các phế quản. Lúc này, phế quản trở nên sưng, viêm, chứa đầy chất nhầy.
Thủ phạm phổ biến nhất gây viêm phế quản ở trẻ em là virus, nhưng cũng có thể do vi khuẩn, dị ứng và các chất kích thích như khói thuốc lá, khói, bụi… Trẻ nhỏ thường không bị viêm phế quản mà bị viêm tiểu phế quản. Tình trạng này xảy ra khi các đường dẫn khí nhỏ trong phổi (tiểu phế quản) bị lấp đầy chất nhầy và sưng lên. Giống như viêm phế quản, tác nhân gây viêm tiểu phế quản thường do nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).
Triệu chứng của bệnh là gì?
Ban đầu trẻ có thể có triệu chứng của cảm cúm như đau họng, mệt mỏi, chảy nước mũi, ớn lạnh, đau nhức và sốt (38ºC). Sau đó, triệu chứng phát triển thành ho khan, ho có đờm xanh hoặc hơi vàng, có thể nôn khi ho.
Ngực trẻ có thể bị tổn thương, khó thở, thở khò khè. Nếu viêm phế quản nặng, sốt có thể tăng trong vài ngày và ho kéo dài vài tuần. Trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc sẽ bị viêm phế quản trong nhiều tháng, gọi là viêm phế quản mãn tính. Vì vậy, trong gia đình có trẻ nhỏ, ông hoặc bố không nên hút thuốc lá.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Nếu trẻ có các triệu chứng của viêm phế quản, đặc biệt là trẻ nhỏ hơn 3 tháng, bạn nên đưa đến bệnh viện để khám. Bác sỹ sẽ dùng ống nghe để nghe phổi của trẻ hay cho trẻ chụp X-quang để biết trẻ có bị viêm phổi hay không. Thông báo cho bác sỹ biết nếu tình trạng ho trở nên tệ hơn, trẻ sốt vài ngày hoặc sốt cao đến 39°C, thở khò khè, ho ra máu, khó thở…
Điều trị viêm phế quản
Nếu trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sỹ có thể kê toa thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, viêm phế quản có nhiều khả năng do virus nên dùng thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Bệnh sẽ được cải thiện trong 1 tuần đến 10 ngày. Dưới đây là một số mẹo để chăm sóc trẻ bị viêm phế quản:
♦ Hãy cho trẻ uống nhiều nước, 8 – 10 ly/ngày để làm loãng đờm và ngăn ngừa mất nước.
♦ Sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương trong phòng ngủ hoặc khu vực trẻ vui chơi. Việc làm ẩm không khí có thể giúp trẻ hít thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn cần vệ sinh máy sạch sẽ theo hướng dẫn của nhà sản xuất vì khi máy bẩn, thiết bị có thể làm lây lan mầm bệnh qua không khí.
♦ Hãy nhỏ nước muối sinh lý để giúp giảm tình trạng nghẹt mũi. Bạn chỉ cần nhỏ 1 – 2 giọt vào lỗ mũi của con, sau đó dùng dụng cụ để hút dịch nhớt ra. Với trẻ đã lớn, bạn có thể nói bé tự hỉ mũi ra.
♦ Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều. Thời tiết lạnh, bụi và khói có thể gây kích ứng đường hô hấp của trẻ. Do đó, bạn cho trẻ nằm trong phòng ấm áp, không khói thuốc để nhanh hồi phục.
♦ Để trẻ dễ thở hơn, bạn cho trẻ gối cao đầu khi nghỉ ngơi và ngủ.
♦ Muốn trẻ hạ sốt hoặc bớt khó chịu, bạn cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen với liều lượng thích hợp. Không dùng aspirin vì có thể dẫn đến hội chứng Reye, một bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng gây tử vong.
♦ Dù có xót xa khi thấy con ho, nhưng bạn hãy cho bé ho, đừng tìm cách ngăn cơn ho để có thể đẩy đờm nhớt ra, nhờ vậy giúp chữa lành bệnh. Khi chăm sóc trẻ bị viêm phế quản, để làm dịu cổ họng và giảm ho, bạn có thể cho trẻ dùng một chút mật ong (dùng trực tiếp hay chung với trà). Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì mật ong có thể gây ngộ độc thực phẩm.
♦ Nếu trẻ bị hen suyễn, bác sỹ có thể cho trẻ uống thuốc giãn phế quản để mở rộng đường thở hoặc thuốc corticosteroid để giảm tình trạng viêm.
Phòng ngừa viêm phế quản ở trẻ
Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tránh người đang bị bệnh để ngăn ngừa virus gây bệnh tấn công. Khi trẻ 6 tháng tuổi, bạn cho trẻ chích ngừa cúm hàng năm để bảo vệ con khỏi bệnh này. Tất nhiên, bạn cũng chú ý giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình