Khoảng 11 giờ ngày 31–3, tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã xảy ra trường hợp hai học sinh nhập viện vì vắc xin sởi, rubella.
Hiệu trưởng, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết nhà trường hiện đang tiến hành tiêm vắc xin sởi – rubella cho học sinh theo kế hoạch của tỉnh, bắt đầu từ ngày 30–3. Đến ngày 31–3, hai em Phan Thị Linh và Phạm Thị Hà, học sinh lớp 12B4, là những học sinh đầu tiên có dấu hiệu chóng mặt, khó thở, buồn nôn và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
Trong hơn 400 học sinh (trên tổng số 600) đã được tiêm phòng, không còn ai khác gặp triệu chứng tương tự. Đến 12 giờ cùng ngày, các em đã dần bình phục tại khoa cấp cứu chống độc. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tâm lý không ổn định mới dẫn đến chuyện hai em học sinh nhập viên vì vắc xin sởi, rubella. Trong chiều 31–3, nhà trường tiếp tục tiến hành tiêm phòng cho 200 học sinh còn lại.
Đây không phải trường hợp đầu tiên
Thực tế, đây không phải trường hợp đầu tiên học sinh nhập viện vì vắc xin sởi, rubella. Ngày 6–10–2014, 9 học sinh các trường THCS Vũng Tàu, Trần Phú và Huỳnh Khương Ninh (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng có dấu hiệu đau đầu, khó thở sau khi tiêm và được đưa đến Bệnh viện Lê Lợi để cấp cứu.
Chiều ngày 8–10–2014, gần 30 học sinh trường THCS Duy Tân và Thắng Nhì cũng được đưa vào Bệnh viện Lê Lợi để cấp cứu, có em còn bị sốt. Em Tăng Phước Vinh (trường THCS Thắng Nhì) cho biết sau khi tiêm khoảng 30 phút, em bị “lạnh rồi co giật”.
Tuy nhiên, hầu hết đều được cho xuất viện về nhà ngay trong ngày. Trả lời câu hỏi tại sao, bác sĩ Trần Văn Bảy, giám đốc Bệnh viện Lê Lợi, khẳng định những trường hợp học sinh cấp cứu trên đều do tâm lý sợ hãi trước khi tiêm, dẫn đến cơ thể phản ứng, gây khó thở, nhức đầu, thậm chí buồn nôn, sốt nhẹ. Không em nào có biểu hiện sốc hay dị ứng vắc xin.
Vắc xin sởi, rubella liệu có an toàn và cần thiết?
Câu trả lời là có.
Các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang. Tất cả trẻ em đều được khuyến thích tiêm vắc xin ngừa sởi, quai bị và rubella để phòng chống 3 căn bệnh nguy hiểm này. Một đứa trẻ sẽ được tiêm lần đầu ở độ tuổi từ 12–15 tháng và lần thứ hai ở độ tuổi 4–6.
Vắc xin không gây ra tác dụng phụ trong hầu hết các trường hợp. Một số em có thể bị sốt nhẹ, đau nhức hoặc xuất hiện nốt đỏ tại nơi bị tiêm. Một số triệu chứng khác có thể gặp nhưng cũng rất ít phổ biến bao gồm: Sốt (1/5 em), phát ban (1/20 em), sưng (1/7 em), co giật (1/3.000 em), đau hoặc cứng khớp (1/100 em, phổ biến hơn ở người lớn và phụ nữ), chảy máu (1/30.000 em), viêm não (1/1 triệu). Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm vắc xin ngừa sởi, rubella có thể dẫn đến chứng tự kỷ.
Tuy nhiên, bạn sẽ không cần tiêm trong trường hợp:
– Có thể đang mang thai, hoặc có kế hoạch mang thai trong phạm vi 4 tuần (phụ nữ cho con bú vẫn có thể tiêm vắc xin bình thường).
– Dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin bệnh sởi, quai bị và rubella lần đầu tiên.
– Dị ứng với gelatin hoặc neomycin.
– Hệ thống miễn dịch yếu vì các loại thuốc chữa ung thư, corticosteroids hoặc AIDS.
Bài: Vân Anh
Tiếp Thị Gia Đình
Bạn có những clip nóng về tin thời sự, tin hay về các trào lưu mới trong xã hội, hay câu chuyện tâm sự cảm động? Hãy gửi bài về cộng tác cùng Tiếp Thị Gia Đình. Xem chi tiết tại đây
Các bài được chọn đăng tải sẽ có nhuận bút. Bạn nhớ để lại email và địa chỉ liên hệ để Ban biên tập TTGĐ có thể liên hệ với bạn trả nhuận bút được nhanh chóng và chính xác.