Ngày 20/11 luôn là ngày đặc biệt đối với mỗi người Việt Nam. Dù chúng ta đã trưởng thành và những ngày tháng học trò đã lùi dần vào ký ức, thế nhưng hình ảnh những người thầy cô ngày ngày tận tụy trên bục giảng vẫn luôn sáng mãi trong lòng các thế hệ học trò. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, mời bạn cùng TTGĐ trở về với mái trường xưa, nơi những bài học làm người được hình thành cùng những kỷ niệm đáng nhớ của một thời áo trắng!
“My dear teacher”
Mặc dù biết đến cô Lý Mục Cú khá lâu nhưng mãi đến năm lên lớp 9, tôi mới có dịp được trở thành học trò của người cô nổi danh “dạy tiếng Anh hay nhất” trường THCS Vĩnh Tân. Thế nhưng, điều khiến tôi trân quý và mang theo suốt hành trình của mình là tính cách điềm tĩnh; ham học hỏi và tinh thần lạc quan mà cô đã truyền đạt. Vì có nền tảng ngoại ngữ tốt nên chỉ sau 1 thời gian ngắn, tôi đã may mắn được cô chọn vào đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện.
Đối với tôi, những ngày ôn thi cùng cô là những tháng ngày vui vẻ nhất trong khoảng thời gian cuối cấp. Mỗi khi đến giờ học, chúng tôi hùa nhau quậy tưng bừng. Cả đám rủ cô mua bánh trái, me dốt, xoài cóc vô lớp vừa ăn vừa học. Dù tuổi trẻ bản tính ham chơi nhưng đứa nào đứa nấy cũng đều tự giác và có tinh thần tránh nhiệm cao.
Những tháng ngày vui vẻ nhất
Trước ngày thi, cô tặng mỗi đứa 1 cây bút xịn thật xịn để lấy hên. Lúc ấy cô có dặn dò chúng tôi rằng mấy em cứ thoải mái đầu óc mà làm bài, đi thi để học hỏi và đừng tạo áp lực thắng hay thua cho bản thân mình.
Nhờ vào thành quả ôn luyện vui vẻ ấy mà tôi cũng mang về thành tích cho cô, cho trường. Sau đó tôi được cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và may mắn nhận giải. Hôm có kết quả, tôi còn mải mê đọc truyện tranh ở nhà thì cô đã gọi báo. Tâm trạng tôi lúc ấy vui mừng khôn xiết. Ngày rời xa mái trường, tôi bùi ngùi thèm nghe cô gọi “my beloved student”. Thầm nhớ về ngày thầy cô, tôi tự nhủ với bản thân dù không đi theo nghề giáo nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng để trở thành người phụ nữ “đẹp” như cô.
Cô học trò tưởng…rớt!
Trong suốt khoảng thời gian cắp sách đến trường, người thầy cô để lại cho tôi cảm giác ấn tượng nhất chính là cô Hương Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12. Vào khoảng thời gian đó, khả năng học tập của tôi thật sự không tốt. Sức khỏe lúc ấy cũng không ổn định. Cả nhà lúc đó còn nghĩ rằng tôi sẽ không thể qua nổi năm cuối phổ thông.
Biết được hoàn cảnh của học sinh mình, cô Trinh bèn tạo ra một lớp học phụ đạo tại nhà. Mục tiêu là để không em nào bị rớt tốt nghiệp. Trong suốt khoảng thời gian cùng nhau ôn luyện, cô luôn dặn dò tôi chỉ nên dốc sức làm đúng những gì mà khả năng mình làm được. Lúc ấy tôi hiểu, cô biết rõ khả năng của mình và không muốn tạo áp lực thi cử cho tôi. Nhờ những lời động viên đó, tôi đến phòng thi trong tâm trạng thoải mái và không còn lo sợ.
Cô học trò “đặc biệt”
Đến lúc nhận kết quả, tôi, cô và cả gia đình đều không thể tin được rằng tôi đã đậu ngay vào trường đại học Văn Lang. Mặc dù chỉ là nguyện vọng 2. Tuy nhiên đó cũng là thành tích của cả cô trò dày công cố gắng.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là một tai nạn khá hy hữu. Trong lúc đang ra chơi, một thầy giáo trong trường không biết vì lý do gì đã gọi tôi đến hành lang để trách phạt và la mắng. Sau khi nắm được tình hình, cô lập tức tìm thầy để bảo vệ và giải oan cho tôi. Vào lúc đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy bản năng của người mẹ trong cô trỗi dậy. Tôi cảm thấy thật cảm động khi cô đang ra tay bảo vệ cho đứa học trò “đặc biệt” như mình.
Thời gian thấm thoắt trôi xa, tôi và cô cũng dần mất liên lạc. Tuy nhiên, những hồi ức, kỷ niệm vẫn mãi tồn tại trong tâm trí tôi cho đến ngày hôm nay.
“Nhớ mãi lớp học dã chiến”
Nhắc đến người thầy cô mà tôi trân trọng nhất, đó có lẽ là cô Thùy. Lần đầu tiên cô trò gặp nhau là vào năm lớp 10. Khi ấy, tôi và cô không hề có một sự tiếp xúc nào. Buổi học thử hôm ấy cũng trở thành buổi cuối cùng. Hầu như cả lớp tôi đều không thể hiểu được bài giảng của cô do chất giọng miền ngoài khá khó nghe. Mãi sau này tôi mới được biết, lớp tôi khi đó chính là lứa học sinh đầu tiên mà cô nhận khi đặt chân vào Sài Gòn.
Mối duyên định mệnh
Không biết vì cơ duyên nào đó, chúng tôi lại tiếp tục đồng hành cùng nhau trong hành trình lớp 12. Định hướng ôn thi đại học của tôi lúc ấy là khối B (Toán – Hóa – Sinh). Bỏ qua những định kiến về rào cản ngôn ngữ trước đó. Tôi cùng chúng bạn cắp sách đi học thêm môn của cô. Khác biệt với những lớp khác, chúng tôi được cô dắt về khu nhà trọ để dạy. Dù chỗ học chật hẹp; thế nhưng tôi và các bạn lại nhận được cả một bầu trời kiến thức vô cùng sinh động và thú vị. Nhờ vào sự giảng dạy cần mẫn của cô Thùy, chẳng mấy chốc tôi cũng có cơ hội tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố môn Sinh học và cũng có thành tích nho nhỏ.
Động lực cố gắng
Trong suốt hành trình lớp 12, mỗi khi một đứa trong nhóm tôi nản chí. Cô lại kề bên xoa dịu và thúc đẩy tinh thần. Cô kể chuyện về những người bạn thành công của mình để chúng tôi noi theo và tiếp bước. Nhớ lại khoảng thời gian đó, tôi càng cảm thấy biết ơn và trân trọng những gì mà cô đã mang đến cho mình. Đó không chỉ là hành trang kiến thức cho tôi mang theo. Mà nó còn là những bài học về nghị lực cầu tiến và không ngại gian khó của một người thầy cô.
Nhân cách của người thầy là sức mạnh ảnh hưởng to lớn đối với học sinh. Sức mạnh đó không thể thay thế bằng sách giáo khoa; câu chuyện châm ngôn đạo đức hay bất kỳ một hệ thống khen thưởng hoặc trách phạt nào khác. – Ushinsky
Tiếp Thị Gia Đình