Chăm sóc trẻ sơ sinh có vẻ khó khăn, nhưng thật ra khi hiểu rõ về nhu cầu cơ bản của trẻ thì việc chăm sóc trẻ không quá khó. Khi chăm sóc trẻ sơ sinh, bạn cần làm những việc sau.
1/ Cho bé bú mẹ
Bạn nên cho bé bú sữa mẹ ngay sau sinh. Sữa non đã có từ những tháng cuối thai kỳ. Trẻ cần bú sữa này vì sữa này có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật.
Cách cho con bú: Bạn bế bé vào người, bàn tay đỡ mông bé, đặt đầu và người bé nằm trên một đường thẳng, mặt quay vào vú. Khi cho bé bú, bạn nâng bầu vú, chạm đầu vú vào môi trên của bé đợi đến khi miệng bé mở rộng, đưa vú vào. Cho bé bú theo nhu cầu, đến khi nào no, bé tự rời vú mẹ.
2/ Thay tã cho bé
Bé thường được thay tã 8 – 10 lần/ngày trong sáu tuần đầu đời. Khi thay tã, hãy chuẩn bị sẵn các đồ dùng như tã giấy, khăn lau. Bạn tháo tã bẩn ra, nhẹ nhàng dùng khăn mềm vệ sinh cho bé. Sau đó, bạn dùng khăn bông mềm lau khô người bé và để da bé trần vài phút. Cầm cổ chân bé, nhấc mông bé lên và đặt tã sạch xuống dưới mông, dán hai bên lại.
Lưu ý: Sau khi thay tã, bạn cũng nhớ rửa tay sạch. Nếu thay tã cho bé trai, bạn dùng khăn phủ lên vùng kín của bé để bé không tè vọt vào mặt bạn. Còn bé gái, bạn dùng khăn mềm nhúng nước ấm lau từ trước ra sau để tránh nhiễm trùng đường tiểu. Khi dùng tã, bé dễ bị hăm ở mông và hai bên bẹn, bạn có thể bôi kem chống hăm có thành phần ô-xít kẽm cho bé.
3/ Mát-xa
Mát-xa không chỉ giúp trẻ tăng cân nhanh, ngủ sâu hơn, cải thiện tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ hô hấp, các cơ phát triển tốt, chống nhiễm trùng và não bé phát triển tốt hơn.
Chuẩn bị:
– 1 tấm lót
– 1 chiếc khăn để quấn bé sau khi mát-xa
– Dầu ô-liu.
Thực hiện:
Đặt bé trong phòng kín gió. Bật nhạc nhẹ nhàng cả mẹ và bé đều thích. Trải tấm lót, đặt bé lên, bắt đầu mát-xa vùng đầu, mặt, tháo từ từ áo của bé, thoa dầu vô tay, mát-xa hai tay của bé rồi di chuyển đến phần ngực, bụng, hai cẳng chân, bàn chân đến các ngón chân, lòng bàn chân. Đặt bé nằm sấp, mát-xa nhẹ nhàng vùng lưng. Quay bé trở lại, quấn bé vào trong khăn. Chuẩn bị tắm bé.
3/ Tắm cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh chưa biết hoạt động nhiều như trườn, bò trên sàn nhà… nên ít bị bụi bẩn bám vào người. Vì vậy, bạn không cần tắm trẻ hàng ngày mà chỉ cần tắm 2 – 3 lần/tuần. Tuy nhiên, hàng ngày bạn cần lau sạch vùng sinh dục, dưới cằm, cổ. Khi tắm bé bạn cần:
Chuẩn bị:
– Chậu (thau), khăn lông, khăn xô nhỏ
– Dầu gội, sữa tắm (hoặc dùng loại top to toe, dịu nhẹ)
– Quần áo sạch, tã giấy, bông gòn, miếng gạc.
Thực hiện:
– Tắm cho bé trong phòng kín. Trải chiếc khăn dưới đáy chậu để tránh bị trơn trượt. Đổ nước nóng vào chậu trước và thêm nước lạnh vào sau.
– Bế ngửa trẻ, nhúng bông gòn ướt lau hai mắt. Dùng gạc vệ sinh miệng. Nhúng khăn ướt lau sạch đầu, mặt, vành tai, xoa dầu gội lên đầu, tránh để bọt vào mắt bé. Dùng khăn ướt rửa sạch dầu gội.
– Lúc này, bé được quấn trong khăn, tháo khăn ra và đặt bé từ từ vào nước. Xoa sữa tắm lên người bé, kỳ cọ các bộ phận. Chuyển bé sang một thau nước sạch khác, rửa sạch lại bé.
– Đặt bé lên giường, nhẹ nhàng thấm khô người bé. Lau khô kẽ ngón tay và chân.
4/ Chăm sóc rốn
Cuống rốn là một vết thương hở nên cần chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách, theo dõi rốn và vệ sinh rốn hàng ngày để tránh bị nhiễm trùng. Đầu tiên, tháo băng và gạc rốn. Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn xem có bị viêm đỏ, có mủ, có dịch vàng, chảy máu hay có mùi hôi không. Nếu có phải đưa bé đi khám ngay. Lau rốn sạch bằng bông gòn nhúng nước chín vô trùng, thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn. Sát trùng quanh rốn bằng cồn 70º. Có thể để hở rốn hoặc chỉ cần che rốn bằng một lớp gạc mỏng. Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu… vấy bẩn lên vùng rốn.
Chú ý: Không bôi bất kỳ chất gì lên rốn mà không có chỉ định của bác sỹ. Hãy cẩn thận không kéo mạnh dây rốn vì có thể làm dây rốn đứt ra trước khi lành. Thời gian cuống rốn rụng khoảng 1 – 4 tuần tùy từng bé.
6/ Giấc ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng với bố mẹ và trẻ sơ sinh. Trẻ cần ngủ khoảng 16 giờ/ngày và thường thức khi đói, tã ướt/bẩn… Trẻ sơ sinh cần được bú mỗi 2 – 4 giờ vì dạ dày của trẻ còn rất nhỏ. Bạn có thể chia với chồng trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh để cả hai không quá mệt mỏi, được nghỉ ngơi đầy đủ, ít bị xáo trộn khi có thêm thành viên mới.
7/ Đồ chơi
Đồ chơi không cần thiết với trẻ sơ sinh vì trẻ không thể nhìn xa và ít quan tâm đến bất cứ gì ngoại trừ khuôn mặt của người thân. Nếu muốn mua đồ chơi cho trẻ, bạn chọn vật có màu tương phản như một khối màu đen và trắng mềm với màu đỏ trên đó.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình