Không chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam dấn thân vào sản xuất nông sản sạch trong nước, nhiều người cũng nhìn thấy cơ hội, ráo riết nhập khẩu thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong nền kinh tế thị trường, sự đa dạng sản phẩm luôn thu hút người tiêu dùng và nó cũng tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh nếu được quản lý tốt. Trong lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp, người tiêu dùng ngày càng có sự lựa chọn phong phú hơn, không chỉ có thực phẩm sạch trong nước mà còn có thực phẩm sạch nhập khẩu. Các doanh nghiệp năng động luôn tìm một đường đi riêng để chiếm một phần của miếng bánh thị trường nông sản sạch.
Nói về nông sản sạch nhập khẩu, nông sản ở Ba Lan cũng nằm trong tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp. Ông Ngô Hoàng Minh, một Việt kiều, đã sống tại Ba Lan 36 năm cho biết: “Người Ba Lan không quan trọng việc ngâm, rửa thực phẩm trước khi chế biến. Rau thơm họ ngắt từ vườn về là ăn luôn hoặc cho ngay vào bình nước uống để tạo hương vị. Ra vườn táo, họ có thể xơi ngay cả quả mà không cần rửa hay gọt vỏ. Cả một năm, nông dân Ba Lan chỉ trồng một vụ và để đất nghỉ suốt mùa đông nên đất màu mỡ, cho rau ngon, trái ngọt. Người Ba Lan ăn rau, trái mình trồng, thịt gia súc, gia cầm mình nuôi để bán chứ không có chuyện trồng riêng để ăn và để bán”. Tò mò về nền nông nghiệp này, TTGĐ đến thăm Ba Lan, theo lời mời của Cơ quan thị trường Nông nghiệp (ARR) của Ba lan.
Nhặt lên và ăn ngay
Nơi chúng tôi nghỉ lại là khách sạn Mercure, thủ đô Warsaw, đối diện trung tâm thương mại Zlote Tarasy. Trong trung tâm này có một siêu thị với đủ các loại trái cây đặc sản Ba Lan như dâu tây, đào, mận, xoài, nho và nhiều nhất vẫn là táo. TTGĐ thấy nhiều khách ghé siêu thị mua đúng một quả táo rồi không rửa, không gọt vỏ mà vừa đi vừa ăn, rất ngon lành.
Táo Ba Lan có nhiều loại như Gala, Gloster, Idared, Lobo, Ligol… và thủ phủ táo của Ba Lan là tỉnh Mazovia, gần Warsaw. Dọc hai bên đường chúng tôi đi vào nhóm nhà sản xuất táo Fruit Family là vườn táo mênh mông đang trĩu đầy trái đỏ, trái xanh. Dưới gốc, táo chín rụng rơi đầy. Mùi táo lan tỏa thơm phức. Dẫn chúng tôi đi một vòng, ông Jerzy Zolcik, chủ tịch Hợp tác xã, mời chúng tôi thử táo: “Các bạn cứ nhặt lên và ăn ngay. Táo ở đây không cần rửa cũng không cần gọt vỏ”.
Ông giải thích: “Fruit Family hoạt động theo mô hình hợp tác xã. Chúng tôi thu mua táo từ 86 chủ vườn có quy trình sản xuất đúng chuẩn Global G.A.P, đem về nhà máy, trải qua dây chuyền phân loại, đóng gói táo hiện đại để chọn những quả đẹp nhất phục vụ việc xuất khẩu đến các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Những trái táo xấu xí trên cành, táo rụng lành lặn ở đây sẽ được đưa vào chế biến thành các loại nước ép nguyên chất, không nước, không đường và không có chất bảo quản với thương hiệu Royal Apple”.
Ông cũng nói: “Để vỏ táo bóng, đẹp một số nước đã phun sáp lên phần vỏ mà người tiêu dùng khó biết được đó là sáp ong an toàn hay sáp công nghiệp. Sản phẩm của chúng tôi đảm bảo hoàn toàn tự nhiên để giữ danh tiếng và để bán được”.
Theo kinh nghiệm của người dân ở xứ sở nhiều loại táo này, bạn nên chọn nhập khẩu loại táo nào càng đỏ càng tốt. Táo có vỏ càng đỏ chứa lượng chất chống ô-xy càng cao. Bạn cũng có thể dựa vào thời điểm thu hoạch để chọn loại táo phù hợp. Tháng 8–9, ở đây bắt đầu thu hoạch các loại táo mềm, bột. Nếu muốn nhập loại cứng và giòn, bạn nên chọn táo thu hoạch vào khoảng tháng 10–12. Táo nhập về cũng cần phải lưu trữ ở nhiệt độ lạnh khoảng 10 độ để giúp bảo quản được lâu.
Thịt sạch và an toàn
Tới hội chợ thực phẩm Polagra Food 2016, diễn ra tại Ba Lan, chúng tôi thấy có rất nhiều sản phẩm thịt được trưng bày và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đến thăm quan hội chợ. Ông Witold Choinski, Chủ tịch Hiệp hội thịt Ba Lan, giới thiệu: “Lợn, bò ở Ba Lan vẫn chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống, trong các trang trại nhỏ ở các hộ gia đình và ăn thức ăn tự nhiên. Chỉ có 9% sản xuất theo dây chuyền công nghiệp. Việc chăn nuôi và sản xuất thịt có quy trình kiểm soát về chất lượng, thú y và vệ sinh cao, bảo đảm được chất lượng từ nông trại đến bàn ăn”.
Cũng có lẽ vì vậy nên khi vào các nhà hàng ở Ba Lan, chúng tôi dễ dàng tìm thấy tartare, món thịt bò sống được băm nhỏ rồi trộn với rượu hoặc nước cốt chanh cùng một số loại gia vị khác và ăn cùng bánh mì. Thịt bò tuy sống nhưng không tanh, rất mềm, ngọt và dễ ăn. Nhiều người cho rằng, đây là món nhất định phải thử trước khi chết.
Tương tự thịt gia súc, thịt gia cầm cũng là thế mạnh của Ba Lan. Thịt gia cầm Ba Lan được sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng sản phẩm QAFP (Quality Assurance for Food Products) của châu Âu, đảm bảo thịt gia cầm không có kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng hay các hóc-môn bị cấm.
Theo ông Witold Choinski, những thực phẩm sạch mà Ba Lan muốn đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam gồm cả thịt tươi, thịt đông lạnh, sữa đến trái cây khô, kẹo trái cây và các sản phẩm rau, củ đông lạnh và thực phẩm chế biến như xúc xích, thịt nguội, pa-tê. Ba Lan muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam, rất có thể sẽ mở trang trại ở Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu có thể liên lạc trực tiếp với hiệp hội, chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ cụ thể”.
Nếu bạn có nhu cầu nhập khẩu trực tiếp:
♠ Các sản phẩm táo và nước ép: Fruit Family 05-622 Belsk Duzy, Kozietulskiego 17. Điện thoại: +48 486611169 hoặc ông Jerzy Zolcik, điện thoại: +48 602 746 283, e-mail: jurek@fruitfamily.eu
♠Thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm: ông Witold Choinski, Chủ tịch Hiệp hội thịt Ba Lan, Điện thoại: +48 722 220 019, e-mail: witold@polskie-mieso.pl.
♠Các sản phẩm sữa: Hợp tác xã Jana, điện thoại: +48 612853834, email: sekretariat@jana.com.pl.
♠Kẹo, trái cây sấy, thức uống tự nhiên, kem: Công ty Celiko, điện thoại: +48 618712700, http://www.celiko.com.pl.
♠Rau, củ đông lạnh: Công ty Calfrost, điện thoại: +48 627646421, website: http://calfrost.com.pl.
Các trợ giúp quan trọng
√ Ngoài việc liên hệ trực tiếp các nhà cung cấp, bạn có thể liên hệ Cơ quan thị trường Nông nghiệp Ba Lan (Agricultural Market Agency – ARR), điện thoại +48 226 617 272, website: http://www.arr.gov.pl, e-mail: eksporter@arr.gov.pl.
√ Ông Mariusz Boguszewski, Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, 3 Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại (04) 3845 2027.
√ Khi sang Ba Lan, nếu bạn cần phiên dịch viên từ tiếng Ba Lan sang tiếng Anh, có thể liên hệ anh Michal Cieslak. Điện thoại +48 501 830 774, email: cmichal@interia.pl. Nếu cần phiên dịch viên từ tiếng Ba Lan sang tiếng Việt, bạn liên hệ ông Ngô Hoàng Minh. Điện thoại +48 601764625, email: mngo@post.pl.
XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình