Mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra, chúng ta luôn tìm một góc nhìn mới để hoặc kết nối các sự kiện lại với nhau để dễ dàng gỡ rối hơn. Có bao giờ bạn có những câu hỏi như thế này: Mình có lỗi hay đối phương có lỗi? Căng thẳng trong thời gian qua đơn thuần là do stress? Hay chỉ là bề nổi của một vấn đề lớn hơn? Nếu tôi làm x, liệu họ có làm y, hoặc nếu tôi dừng x, họ sẽ dừng y?
Theo tâm lý học, có 5 kiểu mối quan hệ khi yêu. Biết rõ những kiểu mối quan hệ này, hiểu được mình ở trong tình trạng nào sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn cho mối quan hệ lẫn bản thân mình hơn.
Cạnh tranh/Điều khiển
Kiểu mối quan hệ này giống như một cuộc thi ngầm. Giữa hai người luôn có sự tranh đấu để giành quyền lực. Chẳng hạn như ai sẽ là người thắng các cuộc tranh cãi; ai sẽ phải làm theo các tiêu chuẩn và mong muốn của người kia; sự nghiệp của ai quan trọng hơn/
Tình trạng cảm xúc
Mãnh liệt nhưng cũng đầy căng thẳng.
Bản chất ngầm của mối quan hệ
Hai tính cách mạnh mẽ đối đầu nhau để giành quyền kiểm soát. Lòng tự trọng dựa trên sự thắng thế, nắm quyền. Những người trong mối quan hệ kiểu này thường có những tiêu chuẩn khắt khe để hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất, để thành công và để có một cuộc sống tốt.
Về lâu dài
Những cặp đôi này sẽ dần cảm thấy mệt mỏi bởi sự cạnh tranh rồi đi đến quyết định chia tay/ly dị; hoặc sẽ có một người chịu thua; hoặc cả hai cùng phân định những việc gì do ai chịu trách nhiệm.
Chủ động/Bị động
Sẽ có một người luôn nắm quản lý và đảm trách phần lớn mọi việc trong kiểu mối quan hệ này. Trong khi người kia chấp nhận làm theo. Thực chất, đôi lúc mối quan hệ này là mối quan hệ cạnh tranh/điều khiển với một người đã chịu nhường bước. Cãi vã thường ít xảy ra trong mối quan hệ này. Dù vậy, đôi lúc người chủ động lại giận dữ do phải gánh vác mọi thứ; hoặc do họ cảm thấy không được đánh giá cao đúng như mong đợi. Họ hành xử khác thường hoặc nổi cơn tam bành. Nhưng rồi họ lại cảm thấy thật tồi tệ vì việc đó và trở lại với vai trò cũ.
Tình trạng cảm xúc
Trung tính
Bản chất ngầm của mối quan hệ
Những mối quan hệ này thường bắt đầu bằng việc người chủ động hỗ trợ người kia. Tính cách của người chủ động thường hướng đến sự tốt bụng, mong muốn mang đến hạnh phúc cho người khác, đảm nhận nhiều thứ và có xu hướng tránh né mâu thuẫn. Người bị động thường hay bị lo âu, hoặc do được nuông chiều quá mức khi còn nhỏ. Họ tiếp tục thấy sợ hãi khi bản thân vẫn được chăm sóc mặc cho đã thành người lớn. Điều này khiến họ không thoát khỏi lối sống dựa dẫm vào người khác được.
Đôi lúc, những mối quan hệ kiểu này không hẳn là kết quả của tính cách mà là những vấn đề vô hình khác. Chẳng hạn như vấn đề tâm lý. Và người chủ động luôn thấy mình phải bù đắp cho người kia. Hoặc cũng có thể là do vấn đề về thể chất. Chẳng hạn như khi một người mắc bệnh mãn tính hoặc chấn thương. Điều này sẽ khiến người còn lại phải đảm nhiệm vai trò chăm sóc.
Về lâu dài
Sẽ đến lúc người chủ động cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi tột độ, trở nên bực bội và chỉ muốn bỏ đi. Người bị bỏ lại phải học cách tự lập hoặc tìm một ai khác để thay thế.
Hung hăng/Mềm mỏng
Một bên nắm quyền, và bên còn lại chấp nhận không phải do sự thụ động mà là sợ hãi. Người rất dễ nổi nóng mặc cho không hề có mâu thuẫn thật sự giữa hai người. Sự bạo hành tinh thần luôn hiện hữu. Thậm chí đôi lúc còn có bạo hành thể xác.
Tình trạng cảm xúc
Luôn căng thẳng. Người mềm mỏng cảm thấy như mình đang sống giữa “làn đạn”.
Bản chất ngầm của mối quan hệ
Người hung hăng có xu hướng bắt nạt người khác, không thể kiềm chế sự giận dữ của mình. Họ lớn lên trong gia đình có phụ huynh bạo hành và chọn cách trở nên giống như vậy. Nhưng ẩn sâu bên trong họ là sự lo âu cực độ. Chính sự lo âu này thúc ép họ trở nên muốn điều khiển, kiểm soát người khác. Ngoài ra, họ có thể mắc chứng rối loạn nhân cách. Hội chứng này sau đó chuyển thành chứng ái kỷ; khiến họ có rất ít lòng thương cảm cho người khác.
Người mềm mỏng cũng có thể bị bạo hành từ nhỏ. Nhưng họ có khả năng chịu đựng những hành vi tương tự. Họ nuôi hy vọng rằng sự chịu đựng, ngoan ngoãn của mình sẽ dần khiến đối phương thay đổi. Họ nghĩ rằng chỉ cần hành động đúng theo ý của đối phương thì người ấy sẽ không phát điên. Nhưng đáng buồn là, họ sẽ dần cảm thấy bế tắc và không biết mình nên làm gì tiếp theo.
Về lâu dài
Sẽ đến ngày người mềm mỏng có dũng khí rời đi. Khi đó, người hung hăng sẽ làm tất cả mọi thứ cần thiết để níu kéo mối quan hệ. Còn nếu không thành công, họ sẽ tìm một người khác để thay thế.
Cuộc sống ngắt quãng/song song
Mối quan hệ kiểu này có rất ít cãi vã, nhưng cũng ít sự kết nối, gắn bó. Mỗi người có thói quen và lối sống riêng. Hai người cũng chẳng có mấy điểm chung. Thực chất, hai người giống như bạn chung phòng hơn là người yêu.
Tình trạng cảm xúc
Ít mâu thuẫn nhưng tẻ nhạt, nhàm chán.
Bản chất ngầm của mối quan hệ
Rất nhiều cặp đôi lâu năm rơi vào tình trạng này. Có thể họ đưa ra quyết định kết hôn trong vội vã. Tình cảm nhanh chóng phai nhạt. Hoặc do hai người lơ đi những vấn đề hiện hữu và dùng khoảng cách để tránh khơi gợi mâu thuẫn. Đối với các cặp vợ chồng lâu năm, mọi thứ đều quay quanh con cái. Tình hình của con cái đã trở thành chủ đề mặc định trong các cuộc trò chuyện của họ.
Về lâu dài
Khủng hoảng tuổi trung niên hoặc tuổi già sẽ khiến một trong hai người cảm thấy mình không còn nhiều thời gian để tận hưởng Điều này có thể lắng đọng những bất đồng và nỗ lực cứu vãn mối quan hệ hoặc từ bỏ. Nếu không, họ sẽ tiếp tục tự nhủ điều này đã là đủ, hoặc mình đã quá già để thay đổi.
Chấp nhận/Cân bằng
Đây được xem là kiểu mối quan hệ lý tưởng nhất. Những cặp đôi trong kiểu mối quan hệ này thường rất ăn ý với nhau, đặc biệt là trong công việc. Họ nhận ra và chấp nhận những điểm mạnh, điểm yếu của người còn lại và hỗ trợ lẫn nhau. Hai người nương tựa vào nhau. Họ cảm thấy hạnh phúc khi giúp người kia trở thành người mà họ mong muốn. Họ còn biết thổi một làn gió mới vào mối quan hệ của mình khi có dấu hiệu nguội lạnh. Họ luôn tìm cách giải quyết vấn đề hơn là nhắm mắt bỏ lơ.
Tình trạng cảm xúc
Thoải mái. Cả hai luôn quan tâm lẫn nhau. Đôi lúc có những thời kỳ chuyển tiếp hơi căng thẳng một chút.
Bản chất ngầm của mối quan hệ
Từ đầu cả hai đều đã như thế vì họ có hình mẫu cha mẹ tốt, hoặc do qua liệu pháp tâm lý, tự suy ngẫm và cố gắng giải quyết vấn đề để làm mọi thứ tốt hơn.
Về lâu dài
Khủng hoảng trung niên và tuổi già có thể xảy đến. Nhưng họ biết cách vượt qua chúng.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: Psychology Today