Kiến trúc: Nghề vẽ những giấc mơ

Công việc của một kiến trúc sư gắn liền với những công trình để đời, đòi hỏi người theo nghề không chỉ có năng khiếu nghệ thuật mà còn phải có niềm đam mê

Kiến trúc là một trong những ngành học khá đặc biệt bởi sự tồn tại của hai yếu tố tưởng như không thể kết hợp được với nhau: kỹ thuật và nghệ thuật. Bên cạnh những nguyên lý thiết kế, số liệu chi tiết của sắt, thép, gạch, đá… là sự sáng tạo, tinh tế, hài hòa trong từng bản vẽ. Vì lẽ đó, kiến trúc sư phải vừa có cái đầu của người học kỹ thuật vừa có trái tim của một nghệ sỹ.

NĂNG KHIẾU KHÔNG LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH 

Kiến trúc sư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Đại học Kiến trúc TP. HCM, chia sẻ: “Để học tốt và thành công với nghề, người học cần phải có kiến thức cơ bản về các môn tự nhiên như toán, lý, đồng thời phải đáp ứng được những yêu cầu về yếu tố nghệ thuật như năng khiếu về hội họa, khả năng cảm nhận các hình khối không gian.

Do kiến trúc gắn liền với đời sống nên năng khiếu chỉ được xem là một thuận lợi cơ bản, không phải là yếu tố quyết định. Nếu bạn ít năng khiếu nghệ thuật nhưng chăm chỉ, cẩn thận, nỗ lực trau dồi hiểu biết về xã hội, văn hóa, đời sống… bạn cũng sẽ thành công. Bên cạnh đó, bạn cần rèn luyện các kỹ năng như làm việc tập thể, giao tiếp, thuyết trình, quan sát”.

CẦN CÓ SỨC KHỎE

Kiến trúc sư Đỗ Mạnh Thư, Công ty Không Gian Phương Đông, cho rằng thách thức lớn nhất với các nữ kiến trúc sư là đảm bảo sức khỏe. Tùy theo từng công trình mà thời gian hoàn thành bản vẽ khác nhau. Thường thì trong khoảng một tuần, kiến trúc sư phải cho ra bản vẽ phác thảo. Vì thế, thức khuya để làm việc là yêu cầu thường xuyên. Vất vả nhất là việc giám sát thi công. Công việc này đối với nam đã không nhẹ nhàng, đối với nữ càng có nhiều bất tiện.

Bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ như chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thương thảo  hợp đồng, tương tác với cơ quan chức năng

Bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều điều mới mẻ như chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thương thảo hợp đồng, tương tác với cơ quan chức năng

THỬ THÁCH LÀ CƠ HỘI

Với năm năm làm việc trong ngành kiến trúc, kiến trúc sư Nguyễn Duy Thanh, Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, cho biết khó khăn lớn nhất với anh khi vừa bước chân vào nghề là việc phải đối mặt với quá nhiều điều mới mẻ như chuẩn bị hồ sơ dự thầu, thương thảo hợp đồng, tương tác với cơ quan chức năng, giám sát thi công… Sau khi trải qua những  thử thách, anh nhận ra rằng đó chính là cơ hội giúp anh và đồng nghiệp tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Theo anh Thanh, cách tốt nhất để vượt qua những thử thách ban đầu là phải xây dựng một thái độ làm việc chuyên nghiệp, quản lý công việc tốt, tăng tính kết nối với các đối tác liên quan. Cần vận dụng những kiến thức đã học ở trường và tích cực học hỏi người đi trước là có thể làm tốt công việc.

“Tôi từng nghĩ với số lượng  bài vở và đồ án nhiều hơn hẳn các ngành khác, công việc này thích hợp với nam giới hơn. Song, thực tế chứng minh nữ giới cũng làm rất tốt việc cân bằng giữa nghệ thuật và kỹ thuật, có phương pháp quản lý và làm việc hiệu quả. Tôi ngưỡng mộ nữ kiến trúc sư tài năng Zaha Hadid và tôi tin nữ giới hoàn toàn có thể thành công với công việc này”, anh Thanh nhận định.

Thông tin tuyển sinh

− Thí sinh nên theo học các lớp luyện vẽ trước khi thi, lý tưởng là một năm. Tùy theo chuyên ngành mà thí sinh phải thi môn năng  khiếu là vẽ mỹ thuật hoặc vẽ trang trí màu.

− Để biết thêm thông tin về việc nộp hồ sơ thi môn năng khiếu ở Đại học Kiến trúc TP. HCM, bạn liên hệ phòng Đào tạo, điện thoại  (08) 3822 2748, website: www.uah.edu.vn.

− Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận hồ sơ đăng ký dự thi đến hết ngày 15–6–2015. Thông tin liên hệ: phòng Đào tạo, điện thoại (04) 3854 2391, website: www.hau.edu.vn.

Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua