Sức khỏe sinh sản của phụ nữ rất quan trọng vì ảnh hưởng đến khả năng có con sau này và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Để có sức khỏe sinh sản tốt, trước tiên, bạn cần hiểu rõ về hệ thống sinh sản của phụ nữ gồm những cơ quan nào, đóng vai trò thế nào trong quá trình sinh sản, quá trình mang thai…
Hệ thống sinh sản của nữ
Hệ thống sinh sản của nữ đa phần nằm trong khung chậu (phần thấp nhất của bụng) gồm có:
√ Buồng trứng tạo ra noãn và hormone là progesterone và estrogen. Khi sinh ra, buồng trứng của bé gái có chứa hàng trăm ngàn trứng nhưng không hoạt động cho đến tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, tuyến yên, nằm ở trung tâm của não, bắt đầu tạo ra hormone kích thích buồng trứng sản xuất hormone giới tính nữ. Lúc này, bé gái phát triển thành phụ nữ trưởng thành.
√ Vòi tử cung để chuyển dịch trứng thứ cấp và trứng thụ tinh đến tử cung.
√ Tử cung là nơi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển thành phôi và thai
√ Âm đạo là ống cơ đàn hồi, đầu trên bọc lấy cổ tử cung tạo thành vòm âm đạo, đầu dưới mở ra ngoài, ở tiền đình âm hộ gọi là lỗ âm đạo có màng trinh (một vành mỏng niêm mạc nhiều mạch máu), ở giữa có lỗ cho các chất tiết từ tử cung ra ngoài.
√ Âm hộ là bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ gồm có các phần chính là gò mu, môi lớn, môi bé…
√ Tuyến vú cũng được xem là cơ quan sinh sản nữ vì có nhiệm vụ sinh sản. Tuyến vú là các tuyến mồ hôi được biệt hoá, có thể tiết ra sữa khi phụ nữ sinh con.
Quá trình hành kinh
Vào giai đoạn cuối của dậy thì, trong thời gian rụng trứng, buồng trứng phóng thích một trứng vào ống dẫn trứng khoảng một tháng một lần. Nếu không được thụ tinh, trứng khô lại và rời khỏi cơ thể qua tử cung khoảng 2 tuần sau đó. Máu và các mô từ lớp lót bên trong tử cung kết hợp tạo thành dòng, chảy ra ngoài trong 3 – 5 ngày.
Phụ nữ và bé gái có cảm giác khó chịu trong những ngày sắp đến “đèn đỏ” gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Các dấu hiệu của hội chứng này là mụn trứng cá, đầy hơi, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực, đau đầu, táo bón, tiêu chảy, thèm ăn, trầm cảm, dễ cáu gắt, stress hoặc khó tập trung. Các dấu hiệu này thường kéo dài trong 7 ngày trước ngày “đèn đỏ” xuất hiện. Nhiều phụ nữ bị đau bụng trong những ngày đầu tiên của “đèn đỏ” là do hormone prostaglandin được giải phóng, gây ra hiện tượng co bóp các cơ ở tử cung.
Có thể mất 2 năm từ khi bắt đầu hành kinh, chu kỳ kinh của bé gái mới đều đặn, sức khỏe sinh sản của phụ nữ mới ổn định. Trong thời gian đó, cơ thể bé gái điều chỉnh các hormone dậy thì. Chu kỳ hàng tháng của phụ nữ trưởng thành là 28 ngày hoặc 23 – 35 ngày.
Thụ tinh và mang thai
Nếu một phụ nữ có quan hệ tình dục trong những ngày rụng trứng, quá trình thụ tinh có thể xảy ra. Khi xuất tinh, khoảng 1,5 – 6ml tinh dịch được đưa vào trong âm đạo. Có từ 75 – 900 triệu tinh trùng bơi lên từ âm đạo qua cổ tử cung và tử cung để gặp trứng trong ống dẫn trứng nhưng chỉ có một tinh trùng thụ tinh với trứng.
Khoảng một tuần sau khi thụ tinh, hợp tử trở thành một túi phôi đa bào (blastocyst). Túi phôi có kích thước chỉ bằng một đầu kim và là một quả bóng các tế bào với chất lỏng bên trong. Hormone estrogen làm cho niêm mạc tử cung trở nên dày hơn và hormone progesterone giữ nội mạc tử cung nhiều máu để túi phôi bám vào tử cung và hấp thụ chất dinh dưỡng từ đó.
Khi các tế bào từ túi phôi lấy được chất dinh dưỡng, giai đoạn hình thành phôi thai bắt đầu. Các tế bào bên trong tạo thành một hình dạng tròn dẹp gọi là đĩa phôi, phát triển thành em bé. Các tế bào bên ngoài trở thành màng mỏng hình thành xung quanh em bé. Các tế bào nhân lên hàng ngàn lần và di chuyển đến vị trí mới để trở thành phôi. Sau khoảng 8 tuần, phôi có kích thước khoảng ngón tay cái của người lớn, nhưng hầu như các bộ phận như não – dây thần kinh, tim – máu, dạ dày – ruột, cơ bắp – da đã được hình thành.
Trong giai đoạn bào thai, từ tuần thứ 9 sau khi thụ tinh đến khi sinh, thai nhi phát triển tiếp tục, các tế bào nhân lên, di chuyển và thay đổi. Thai nhi lơ lửng trong túi nước ối, nhận được ô-xy và chất dinh dưỡng từ máu của mẹ qua nhau thai.
Quá trình mang thai kéo dài trung bình 280 ngày (khoảng 9 tháng). Khi đã sẵn sàng chào đời, đầu của em bé sẽ ép vào cổ tử cung, bắt đầu nới lỏng và mở rộng để bé có thể lọt lòng mẹ qua ngả âm đạo. Lúc các cơn co thắt của cuộc sinh bắt đầu, thành tử cung co do hormone oxytocin kích thích. Các cơn co thắt giúp cổ tử cung mở rộng. Sau vài giờ, cổ tử cung mở ra đủ cho em bé đi qua. Bé được đẩy ra khỏi tử cung qua cổ tử cung ra ngoài. Đầu bé ra trước, dây rốn đi ra và được cắt sau khi em bé chào đời. Giai đoạn cuối cùng của quá trình sinh, nhau thai tách ra khỏi lớp lót bên trong tử cung của người mẹ.
Để hiểu rõ hơn và biết các bảo vệ sức khoẻ sinh sản của phụ nữ, mời bạn đọc thêm bài: Những dấu hiệu bất thường về sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình