Bạn hy vọng có một đời sống hôn nhân hạnh phúc. Trong giai đoạn hẹn hò, bạn quan tâm, lo lắng, hỏi han, vui vẻ làm cho anh, cho gia đình anh những chuyện nhỏ nhặt nhất. Bạn luôn nghĩ mọi cách để anh vui, cho gia đình anh hài lòng về mình, . Với bạn lúc đó, câu “cho đi là hạnh phúc” là rất đúng.
Khi kết hôn rồi, sự chu đáo ấy cứ giảm dần. Bạn bỗng thích quan tâm, lo lắng cho bản thân hơn là cho chồng, cho gia đình chồng. Quan điểm của bạn bây giờ thay đổi 360o: “Chả tội gì mình phải khổ. Dại gì mà cho đi hết mình. Lỡ có chuyện gì xảy ra, mình mới là kẻ phải ra đường tay trắng thôi”. 10 người ủng hộ quan điểm này thì hơn một nửa đã ly hôn hoặc không cảm thấy hạnh phúc trong đời sống hôn nhân. Còn tôi, bằng sự trải nghiệm trong hôn nhân hạnh phúc của mình, tôi nghĩ, sự chu đáo chính là muối, là hạt nêm, là đường giúp cho hôn nhân hạnh phúc hơn.
Quan tâm nhỏ nhặt = chu đáo
Sự chu đáo để hôn nhân hạnh phúc không phải là những việc to tát giống như bạn phải gồng gánh giang sơn nhà chồng, không phải bạn nỗ lực hết sức để mua được nhà, xe cho chồng hay dành tặng chồng, bố mẹ chồng hẳn một chuyến du lịch châu Âu. Nó chỉ là những cử chỉ hết sức bé nhỏ bạn có thể làm hàng ngày mà không quá mệt mỏi. Tôi đã nghiệm ra điều này khi đã trải qua nhiều năm hạnh phúc bên chồng và gia đình chồng. Chúng tôi không quá giàu, cũng không có nhiều thời gian dành cho nhau nhưng lại có rất nhiều sự quan tâm nhỏ nhặt dành cho nhau.
Sáng sớm, tôi có thói quen uống một ly nước lọc để tỉnh táo và tốt cho sức khỏe. Một ngày đẹp trời, tôi nghĩ: “Đã là thói quen tốt thì nên rèn cho chồng”. Tôi rót một ly nước cho anh và rất bất ngờ khi nhận được lời “Cám ơn vợ. Công nhận uống vào thấy khỏe hẳn” từ chồng. Bây giờ, đưa cho nhau ly nước trở thành thói quen của vợ chồng tôi. Đến quán phở, những người ngồi gần chúng tôi rất tò mò, chả hiểu sao chúng tôi không tự phục vụ mình mà phải với tay qua bên kia để phục vụ lẫn nhau. Trong khi tôi ngắt húng quế, ngò ngai, vắt nhiều chanh vào tô của chồng, anh sẽ lặt tía tô, húng lủi, cho nhiều ớt tươi và giá đỗ vào tô phở của vợ. Chúng tôi hiểu sở thích của nhau và thích chăm sóc lẫn nhau.
Hôm nào ít việc, tôi hay hỏi anh: “Tối nay xã thích ăn gì?” rồi sẽ nấu món đó và thích thú ngồi ngắm chồng ăn ngon lành. Bạn sẽ bảo tôi tội gì phải khổ thế, đi làm vất vả, sao tối phải chui đầu vào bếp? Không bạn ạ, tôi sẽ không nhận được sự đáp trả ngay hôm đó nhưng vài hôm sau, anh xách về 4 quả bơ, hí hửng đố: “Đố vợ biết 4 quả bơ này bao nhiêu”? Thì ra anh biết tôi thích ăn bơ nên dù trái vụ, dù 4 trái bơ be bé lên tới 160.000 đồng, anh vẫn mua về nhà cho vợ.
Đi ăn sáng, trên xe của tôi thường dắt theo một chiếc cà mèn giữ nhiệt. Khi đi ăn bên ngoài, tôi hay nghĩ: “Ông bà ở nhà ăn gì?” nên sẽ mua về nhà cho bố mẹ chồng. Đến bất cứ quán ăn, thử bất cứ món gì mới, tôi đều mua về cho cả nhà cùng thưởng thức. Tôi cũng là người nhắc chồng chở bố mẹ đi khám bệnh khi nhìn thấy ông bà có vẻ không khỏe. Tôi là người bày biện mua món này, món kia cho cha mẹ trong ngày sinh nhật. Tôi cứ làm hồn nhiên, không vụ lợi và cái tôi nhận được giá trị hơn những gì tôi tưởng. Tháng nào chồng tôi cũng hỏi: “Vợ đã chuyển khoản tiền tháng này cho bố mẹ ngoài quê chưa? Nếu chưa, để chồng chuyển cho?”. Mẹ chồng tôi đi siêu thị sẽ bất chợt mua đồ cho con dâu mà chẳng nhân dịp gì cả.
Bố chồng thấy đồ của vợ chồng tôi trong máy giặt chưa phơi, sẽ tự phơi cho các con. Mỗi bữa ăn, mẹ chồng luôn chuẩn bị cho tôi một đĩa rau lớn và một món ăn mới vì bà biết tôi không thể ăn lại đồ cũ và cũng không ăn được nếu thiếu rau. Sự chu đáo của bạn khiến người nhận cảm thấy họ có giá trị, họ được yêu thương, được đánh giá cao và dĩ nhiên sẽ ít ai nỡ phụ tấm lòng của bạn. Bạn sẽ thấy gia đình mình thoải mái, hôn nhân hạnh phúc hơn.
Sống chu đáo có khó không?
Bạn thử nghĩ xem, nếu ai đó làm điều gì tốt đẹp cho bạn, bạn có nhiều khả năng yêu quý và muốn gắn bó với người ấy. Đấy là bản năng chung của con người. Bởi vậy, dành sự chu đáo cho nhau thông qua những việc nhỏ nhặt hàng ngày là một cách thúc đẩy tình yêu, sự gắn kết. Nói cách khác, sự chu đáo giúp hôn nhân hạnh phúc chính là cách nói khác của ba chữ: “Em yêu anh”, hay “Con yêu bố mẹ”.
Sự chu đáo trong hôn nhân không tính bằng việc to hay việc nhỏ, đó là vấn đề sở thích. Nếu biết những gì mà người mình yêu thương đang muốn và đáp ứng được điều đó, bạn là người vợ, người con chu đáo. Để như thế, bạn phải dành thời gian tìm hiểu và lắng nghe sở thích của nhau. Ai cũng có thể trở nên chu đáo hơn nếu bớt đi cái tôi và để tâm đến người bên cạnh mình.
Tôi xây dựng sự chu đáo cho mình bằng ba quy tắc: Quan tâm tới những điều nhỏ nhặt, thường xuyên bày tỏ tình cảm và rộng lượng tha thứ. Sống chung sẽ khó tránh khỏi những đụng chạm lớn nhỏ nhưng khi bạn biết bỏ qua, bạn mới có thể mở lòng để thể hiện sự chu đáo của mình.
Tôi cũng thường là người chủ động trong mọi cuộc trò chuyện. Cùng mẹ xem phim, tôi sẽ chia sẻ với mẹ về sở thích quần áo, thời trang, màu sắc, giày dép… Thấy bà loay hoay làm món chả giò cho gia đình, tôi sẽ xuống cuốn và mẹ ngồi chiên, vừa làm tôi vừa kể với mẹ về thói quen nấu ăn, món tôi thích và không thích. Khi tôi chủ động chia sẻ, mẹ cũng cởi mở chia sẻ, mẹ thích và chưa thích món gì do tôi nấu.
Còn với chồng, việc trò chuyện, chia sẻ dễ dàng hơn vì chúng tôi có nhiều thời gian riêng tư bên nhau, lúc cùng chở con đi học, lúc ngồi ăn sáng hay khi đêm về.
Quy luật hạnh phúc trong hôn nhân cũng giống như quy luật của đời sống vậy: Cho đi và nhận lại. Những cuộc hôn nhân có sự hào phóng và chu đáo dành cho nhau là cuộc hôn nhân hạnh phúc. Đó cũng là kết luận của các nhà nghiên cứu Mỹ sau khi nghiên cứu trên 2.870 cặp vợ chồng. 50% những người có điểm hào phóng, chu đáo cao, báo cáo rằng cuộc hôn nhân của mình “rất hạnh phúc”. Trong khi đó, chỉ có 14% những người có điểm chu đáo thấp dám khẳng định điều này. Bởi thế, bạn đừng tính toán “Tại sao phải chu đáo?” mà hãy thể hiện sự chu đáo trước đi.
Các nhà tâm lý cũng khẳng định, trong thời đại này, sự chu đáo, quan tâm tới người thân yêu thường bị bỏ qua. Một phần bởi vì bạn rất bận rộn. Bạn đang dành nhiều thời gian của mình cho ti-vi, Facebook và có ít thời gian để dành sự chú ý tới những người khác. Muốn mình trở nên chu đáo, có lẽ bạn cũng nên học cách cách ly những trò tiêu khiển cá nhân này khi ở nhà bạn nhé.
BÀI: PHÚ NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình