Vì sao nhiều bạn trẻ Việt Nam không hài lòng với công việc hiện tại?

Các bạn trẻ của TTGĐ ơi, dạo gần đây bạn có không hài lòng với công việc hiện tại của mình? Hãy để TTGĐ tìm nguyên nhân lấy lại nguồn động lực giúp bạn nhé

Mới đây, trang JobStreet.com của Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát việc làm, cho thấy có đến 85% người lao động không hài lòng với công việc hiện tại trên tổng số 13.000 người lao động Việt Nam. Và đáng nói hơn, nhóm người mới tốt nghiệp cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại chiếm đến 90%.

Về giới tính, nữ giới có xu hướng không hài lòng với công việc cao hơn so với nam giới, với tỷ lệ phần trăm lần lượt là 87% ở nữ và 82% ở nam.

vi sao nhieu ban tre Viet Nam khong hai long voi cong viec hien tai hinh anh 3

Ảnh: stylist.co.uk

Nguyên nhân là do đâu?

Bài khảo sát của Jobstreet đã liệt kê những nguyên nhân khiến người Việt không hài lòng với công việc như sau:

♦ Việc làm nhàm chán, chưa có hướng đi rõ ràng.

♦ Mức lương chưa phù hợp.

♦ Không được làm việc đúng chuyên môn.

♦ Không học hỏi được nhiều từ việc làm.

♦ Phạm vi công việc thiếu rõ ràng.

♦ Thiếu các phúc lợi từ công ty.

Trong đó, những yếu tố như việc làm nhàm chán, mức lương không phù hợp và không được làm việc đúng chuyên môn là những nguyên nhân chính khiến đa số các bạn trẻ không hài lòng với công việc hiện tại.

Theo nhận định của các nhà tuyển dụng ở Việt Nam hiện nay, lý do các bạn trẻ luôn thấy công việc hiện tại nhàm chán xuất phát từ việc họ không tìm được nguồn động lực, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong công việc. Họ cũng không thấy được niềm vui và điều để khiến họ yêu công việc hiện tại. Nghiêm trọng hơn, trên 42% sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường cho biết họ quá chán nản với công việc hiện tại vì không được làm việc đúng chuyên môn của mình.

vi sao nhieu ban tre Viet Nam khong hai long voi cong viec hien tai hinh anh 1

Nguồn: JobStreet.com Việt Nam.

Trên thực tế, ở Việt Nam có rất ít các buổi hội thảo, tư vấn, hướng nghiệp cho các bạn trẻ ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Đa số các bạn học sinh cấp 3 vẫn chưa xác định và hiểu rõ bản thân mình thật sự thích gì, muốn gì và cần phải làm gì trước khi chọn trường Đại học để thực hiện, theo đuổi ngành nghề mà mình sẽ làm sau này. Từ đó, dẫn đến việc các bạn sinh viên sau khi ra trường vẫn chưa biết mình sẽ làm gì, học ngành này ra thì sẽ làm những công việc nào, tìm kiếm những cơ hội việc làm ra sao, những điều kiện cần có nếu muốn làm công việc này như thế nào, kỹ năng là gì v.v…Đó cũng là lí do tại sao người lao động trẻ ở Việt Nam cảm thấy mình vẫn chưa phù hợp với công việc hiện tại và tỷ lệ bạn trẻ sẵn sàng tìm kiếm công việc mới chiếm tới 73.1%.

Về yếu tố mức lương, 33% người lao động cho rằng họ phải làm việc nhiều hơn mức được trả và hơn 39% cho rằng họ không đủ sống với mức lương hiện tại.

Chất xúc tác khiến bạn cảm thấy “thăng hoa” trong công việc

JobStreet.com Việt Nam cho biết, yếu tố hàng đầu giúp người lao động hài lòng với công việc hiện tại là được thăng tiến trong công việc, chiếm tới 63%. Các yếu tố còn lại là được tăng lương và đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

vi sao nhieu ban tre Viet Nam khong hai long voi cong viec hien tai hinh anh 2

Nguồn: JobStreet.com Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia từ các tập đoàn lớn cho rằng, để đạt được những yếu tố trên, các bạn trẻ cần phải:

Hiểu rõ được năng lực làm việc của bản thân.

Biết được ưu điểm và khuyết điểm của mình, từ đó tìm cách khắc phục, cải thiện và phát triển kỹ năng trong quá trình làm việc.

Nắm bắt chính xác các yêu cầu công việc mà sếp đề ra và thực hiện tốt những điều đó.

Luôn tự tin vào bản thân.

Tự tạo niềm vui cho riêng mình mỗi khi cảm thấy nhàm chán (đi tới đi lui trong 2−3 phút, trò chuyện với đồng nghiệp, nhìn ra ngoài cửa sổ văn phòng, nghe nhạc v.v…)

 Luôn động viên bản thân vượt qua (hãy luôn tự nói thầm rằng: “Tôi yêu công việc này” dù cho bạn có mệt mỏi đến thế nào).

Nếu đã làm đủ mọi cách để cải thiện công việc, mà bạn vẫn cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại của mình, và đạt được hiểu quả trong công việc, lúc đó hãy mạnh dạn từ bỏ và tìm kiếm công việc khác bạn nhé!

Bài: Mai Lộc

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua