Ai cũng có thể làm nhà gạch hay nhà gỗ, nhưng đó không phải là nhà của ta mà là nhà của thế gian và bị luật thế gian chi phối. Bình an nội tâm mới thực sự là nhà của ta– Ajahn Chah. Sống trong một không gian nhà đẹp mở, gần gũi thiên nhiên và đậm nét thiền định là mong muốn của nhiều thị dân.
Ngày nay, người ta thường tất bật với nhịp sống hiện đại, hối hả với công việc. Vì vậy, ngôi nhà lý tưởng là nơi không chỉ đáp ứng nhu cầu để ở; mà còn là không gian nhà đẹp thư giãn thoải mái nhất. Đó chính là lý do vì sao xu hướng thiết kế nhà ở những năm gần đây; đều đi theo phong cách mở; sử dụng tông màu trầm, nhẹ nhàng mà sang trọng.
Căn biệt thự mà TTGĐ ghé thăm kỳ này thiết kế theo tiêu chí ưu tiên sự thoáng rộng, sáng sủa; nhưng không làm giảm đi yếu tố ấm cúng. Chính từ nguyện vọng đó của gia chủ; đội ngũ thi công đã lựa chọn gỗ để làm vật liệu chủ chốt trong nội thất căn nhà.
Không gian nhà đẹp: Dịu dàng đến từng phút giây
Không chỉ ở diện tích hay độ sáng, thiết kế ngôi nhà còn có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về phương hướng và nguyên tắc phong thủy. Hầu hết các phòng đều có cửa sổ lớn để đón gió trời, tầm nhìn ra vườn nhiều cây xanh, đảm bảo âm dương giao hòa trong mọi không gian.
Tầng trệt gồm bếp ăn, khu sinh hoạt chung và phòng ngủ của bậc cao niên. Phòng ngủ này được ứng dụng phong cách thiền định phương Đông; trong thiết kế với gam màu nhẹ nhàng, đường nét hài hòa; gắn liền với thiên nhiên qua gỗ mộc, cây cối, ánh sáng trời… Tất cả giúp không gian nhà đẹp đạt đến mức độ thư thái, yên tĩnh; ở mức tối đa, phù hợp với nếp sinh hoạt từ tốn, nhẹ nhàng của người cao tuổi.
Không xa rời ngôn ngữ thiết kế đó; phòng khách cũng được bố trí hướng về phía hành lang, sân hiên. Bên trong, từ ghế sofa đến bàn, tủ, kệ… đa số đều tinh giản; kích cỡ vừa phải và mang tông màu nâu nhạt, xám, trắng thanh lịch.
Điểm nhấn của căn biệt thự là khu thư giãn chung. Dù là nơi hàn thuyên, giải trí, nhưng khu vực này vẫn hài hòa với tổng thể chung; khi đi theo lối thiết kế kiểu Nhật, chú trọng sự giản đơn nhưng vẫn tỉ mỉ, kỳ công.
Không gian nhà đẹp: Tĩnh – Tịnh – Tình
Hai điểm dễ nhận thấy của phong cách thiền định là chất liệu gỗ và cảm giác trầm mặc, tĩnh lặng. Thoáng mở về không gian nhưng lại thiên về nội tại trong cảm giác, tưởng chừng như trong ngôi nhà này, ngồi đâu cũng có thể thiền được.
Hoặc, một ngày mưa ngâu, cầm tách trà ấm, bạn có thể ngồi hàn huyên cùng bằng hữu nơi phòng khách, cùng nhau tận hưởng bầu không khí bình yên và ấm cúng. Gọi là trà đạo tại gia, hẳn cũng không ngoa!
Giữ tĩnh khí cho không gian không nằm ở việc trang hoàng, mà cốt là ở cách bố trí, sắp đặt. Phòng khách, phòng thư giãn, phòng ăn… trong nhà có không ít đồ đạc, nhưng các vật dụng đều được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, hợp công năng, cần là có. Nội thất ngôi nhà không bị giới hạn trong những số đo diện tích, mà trở nên đẹp, sáng và tiện hơn nhờ vào bàn tay khéo léo và sức sáng tạo của chủ nhân.
Không gian nhà đẹp: Tứ đại ánh sáng
Ở bất cứ công trình nhà ở nào, có bốn nguồn sáng bạn cần biết để kết hợp vào không gian sống, đó là:
– Nguồn sáng tự nhiên: Ánh sáng mặt trời chiếu vào nhà qua cửa ra vào, cửa sổ…
– Nguồn sáng không gian: Ánh sáng chính, từ trên trần rọi xuống qua giếng trời.
– Nguồn sáng trang trí: Ánh sáng nhấn nhá, trang trí một vùng không gian hoặc một vị trí nhất định nào đó trong nhà.
– Nguồn sáng chức năng: Ánh sáng có chức năng riêng biệt như đèn bàn, đèn đọc sách, đèn hành lang…
Không gian lý tưởng là khi kết hợp đủ bốn loại ánh sáng này. Ví dụ: chọn cửa kính trong suốt để mang nguồn sáng tự nhiên vào nhà; đặt giếng trời ở vị trí trung tâm để ánh sáng rọi nhiều khu vực một lúc; tiết chế đèn trang trí để nhà không rối rắm, lòe loẹt; đèn bàn, đèn đọc sách tương đồng về màu sắc và cường độ…
Bài: D.S.D
Ảnh: Anh Dũng
Ảnh chụp tại biệt thự khu Mizuki Park, Bình Chánh, TP. HCM
Tiếp Thị Gia Đình