Đã rất nhiều nam/nữ học sinh sử dụng ma túy tem giấy, hồn nhiên khoe những hình ảnh này lên mạng xã hội. Các bác sĩ tâm thần cũng tiếp nhận nhiều ca đến điều trị trong tình trạng bị loạn thần, ảo giác và hoang tưởng. Trước tình trạng trên, người lo lắng nhất chính là các bậc phụ huynh có con em đang trong tuổi teen – tuổi dễ bị rủ rê, lôi kéo. Không thể theo sát con 24/24, điều quan trọng nhất lúc này là các bậc cha mẹ cần tích cực giáo dục con về những tác hại khôn lường của tem giấy. Thực chất của “tem giấy” hay “bùa lưỡi” đang khiến dư luận hoang mang thời gian gần đây chính là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác cực mạnh có tên là LSD (Lysergic Acid Diethylamide). LSD gây ra những hậu quả trước mắt và cả lâu dài, tới cả năm sau dù chỉ dùng thử một lần.
Nghe người trong cuộc nói
LSD có trong ma túy tem giấy là một loại thuốc ảo giác cực mạnh. Nó được sản xuất từ a-xít lysergic, được tìm thấy trong ergot fungus, một loại nấm mọc trên cây lúa mạch. Chất này được sản xuất chủ yếu tại Hoa Kỳ dưới dạng viên nang hay dạng lỏng được tẩm vào giấy thấm rồi cắt thành những miếng giấy nhỏ có in đủ thứ hình thù. Mỗi miếng giấy nhỏ là một liều LSD được đặt lên lưỡi ngậm trong miệng cho đến khi tan ra hết. Tuy nhiên, dù ở bất cứ hình thức nào, LSD cũng là chất gây ảo giác mạnh nguy hiểm nhất hiện nay, mạnh hơn cả chất gây ảo giác mescaline đến 3.000–4.000 lần. Chỉ cần liều 25 µg (microgram) đã đủ khiến người sử dụng rơi vào trạng thái ảo giác, phê lâng lâng và mất kiểm soát thực tế.
Justin, một người sử dụng LSD ở Mỹ, chia sẻ: “Tôi uống rượu ở tuổi 15. Sau đó, tôi dùng ma túy tổng hợp, hàng đá, thuốc phiện và LSD. Tôi cảm thấy chán nản, rất khó khăn để giữ công việc và tuyệt vọng khi nghĩ mình không thể thoát khỏi các chất này. Tôi đã tự tử hai lần bằng cách uống quá liều thuốc. Tôi đã phải đến bác sĩ tâm thần, uống các thuốc chống trầm cảm, nhưng vấn đề tiếp tục tồi tệ. Tôi lại tiếp tục tự tử”.
Brian, một nạn nhân khác của LSD ở Mỹ, thành thật kể:
“Tôi bắt đầu hoang tưởng. Tôi luôn cảm thấy bạn bè đang âm mưu làm một cái gì đó như thể họ sẽ giết tôi. Tôi nghĩ mình phải chạy thoát khỏi đây.
Và thế là tôi chạy vào phòng ngủ của bạn tôi, mở cửa sổ và nhảy ra ngoài. May mắn là căn phòng của bạn tôi ở tầng trệt. Tôi lại chạy qua khu rừng về phía một cây cầu. Tôi cảm thấy tim đập nhanh hơn. Tôi nghe thấy giọng ai nói rằng, tôi sẽ bị một cơn đau tim và chết. Nhiều năm sau, cơn hoảng loạn này vẫn xuất hiện rất đột ngột, tôi lại chạy trốn như thế. Tôi luôn nghe thấy giọng nói rằng tôi sẽ bị đau tim và chết. Bởi thế, tôi muốn nói với bất cứ ai đang muốn thử LSD rằng hãy dừng lại”.
LSD tác động thế nào?
Thông thường, các tác động đầu tiên của LSD, có trong ma túy tem giấy, lên cơ thể xuất hiện sau khi dùng thuốc từ 30–90 phút. Khi đó, đồng tử giãn ra. Nhiệt độ cơ thể biến đổi bất thường, có thể tăng cao hoặc giảm thấp. Huyết áp và nhịp tim tăng hoặc giảm khiến người dùng đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh. Ngoài những triệu chứng ăn mất ngon, mất ngủ, khô miệng, họ bắt đầu ảo tưởng và bị ảo giác. Kích thước, màu sắc, chiều cao, độ sâu và hình dạng của đối tượng trong mắt người sử dụng trở nên méo mó, khác thường. Bàn ghế, các vật dụng vô tri vô giác có thể trở nên uốn éo. Gương mặt những người thân yêu bỗng biến thành ác quỷ. Người sử dụng cảm thấy mình siêu nhiên vì có thể nghe được màu sắc và nhìn thấy âm thanh. Sự thay đổi siêu nhiên vượt qua ranh giới của sự nhận thức và tồn tại bình thường này có thể khiến nhiều người thấy hoảng loạn vì quá đáng sợ.
Khả năng phân biệt các tình huống nguy hiểm của người sử dụng giảm mạnh khiến họ có thể tự làm hại chính mình và những người khác. Họ sẵn sàng bước ra cửa sổ từ chung cư hàng chục tầng vì muốn nhìn thấy vật gì đó rõ hơn hay nghĩ mình có thể bay. Họ có thể nhìn chiếc xe container giống như một con mèo, con chuột và sẵn sàng lao đầu vào để bắt.
Những người sử dụng LSD có thể trải qua cảm giác hạnh phúc tột đỉnh mà họ thường nhầm lẫn rằng mình đã giác ngộ. Có người lại trải qua cảm giác sợ hãi hay tuyệt vọng cùng cực, sợ mình điên, sợ mình đang chết dần. Một người sử dụng LSD rất dễ bị trầm cảm. LSD cũng gây ra ý định tự tử giống như người sử dụng cocaine, cần sa, methamphetamine, phencyclidine và ý định tự tử cũng có thể là kết quả của các tác dụng phụ của sử dụng LSD như mất ngủ, trầm cảm và tâm thần phân liệt. Vì vậy, không phải ai dùng LSD cũng “phê” và rơi vào trạng thái hạnh phúc tột đỉnh.
Điều đáng nói là, một khi đã sử dụng, LSD có thể gây loạn thần đến 12 giờ. Trong 12 giờ đó, người sử dụng sẽ hành động, suy nghĩ điên loạn, không gì ngăn cản được.
LSD có thể tích tụ trong các mô mỡ của cơ thể và gây ra sự hồi tưởng, kể cả với người chỉ sử dụng một lần và cách đó đã cả năm trời. Trong thực tế, đã có một số người không bao giờ phục hồi rối loạn tâm thần sau khi đã sử dụng LSD. Hậu quả của mỗi chuyến phiêu với LSD rất khó lường, có thể biến thành một chuyến đi tồi tệ bất cứ lúc nào, ngay cả khi người đó đã sống sót thành công sau nhiều chuyến đi trước.
LSD không phải là một loại thuốc gây nghiện. Tuy nhiên, cảm giác mới lạ, “đã”, “phê” của người sử dụng LSD sẽ giảm đi sau các lần sử dụng và người sử dụng hình thành tình trạng nghiện tâm lý. Điều đó khiến cho người sử dụng có xu hướng sử dụng liều ngày càng cao hơn để được thỏa mãn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các tác động đối với cơ thể tăng lên, nguy cơ gây hại cho tính mạng người dùng cũng tăng lên.
Hãy bảo vệ con bạn
Trong một khảo sát để tìm hiểu lý do tại sao giới teen bắt đầu làm quen với LSD, 55% teen trả lời rằng đó là do áp lực từ bạn bè. Trẻ ở tuổi mới lớn có suy nghĩ non nớt, lại thường tò mò, dễ bị rủ rê, muốn “thử cho biết” và cũng thường xuyên rơi vào tâm trạng lo lắng, buồn rầu về nhược điểm của bản thân. Những đối tượng buôn bán LSD biết được yếu điểm này. Họ thường quảng cáo với teen rằng, dùng LSD sẽ “khai thông, mở rộng tâm trí của bạn”. Họ không quan tâm đến sức khỏe của con bạn miễn là tiền bỏ đầy vào túi họ. Hầu hết những người lạm dụng LSD đều còn trẻ, dưới 21 tuổi. Tại Mỹ, gần 2.000 trường hợp đã đến điều trị trong năm 2009 khi họ không thể kiểm soát việc cơ thể tiêu thụ LSD. Bởi thế, khi LSD chưa có cách kiểm soát, bạn chính là người bảo vệ con mình:
♣ Thẳng thắn nói với con về LSD, về những tác hại mà LSD gây ra cho sức khỏe của con. Hãy cho con bạn thấy, LSD là một loại thuốc nguy hiểm, không phải là lối thoát, là con đường đạt đến sự siêu nhiên cũng không phải là phương tiện để thể hiện cái tôi trước mọi người.
♣ Dành nhiều thời gian hơn để gần gũi con, nghe con chia sẻ chuyện ở lớp, ở trường. Bạn sẽ kịp nhận ra con đang gặp khó khăn gì để giúp đỡ con cách giải quyết, không để con bối rối, lo âu và cùng đường tìm đến LSD.
♣ Thường xuyên phân tích về nguy cơ của các thực phẩm, đồ chơi, đồ ăn, sản phẩm mới lạ ngoài cổng trường, của người lạ và bạn bè cho/tặng. Đồng thời, bạn cũng cần dạy con cách xây dựng bản lĩnh, lập trường riêng, nói không trước những lời dụ dỗ, khích bác từ bạn bè.
♣ Nếu bạn quan sát con và thấy con có hiện tượng vã mồ hôi hoặc ớn lạnh, run rẩy, buồn nôn, có những hành động bất thường hay sợ hãi không có lý do rõ ràng, bạn có thể nghĩ đến LSD. Điều trị lạm dụng LSD chủ yếu là giúp đỡ con bạn về mặt tâm lý tại các chuyên khoa tâm lý, bệnh viện tâm thần. Người sử dụng LSD cần học được cách thư giãn, có những hoạt động thú vị và lành mạnh như tập thể dục, học vẽ, chơi đàn… để thay thế thời gian họ phải sử dụng LSD để tiêu khiển. Hãy nhớ LSD không phải là lối thoát. Đó là loại thuốc cực kỳ nguy hiểm và đừng ai nghĩ đến chuyện thử dù chỉ một lần.
Thiên Minh
Tiếp Thị Gia Đình