Hôm qua (14−2), có nhiều thông tin cho rằng Nhà xuất bản Giáo dục sẽ bắt đầu biên soạn sách giáo khoa 2 miền Nam Bắc riêng biệt. Theo đó, cấu trúc bộ sách giáo khoa mới sẽ tăng cường các tình huống thực tiễn nhằm đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hôm nay (15−2), ông Vũ Văn Hùng − Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục cùng ông Nguyễn Vinh Hiển − Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng chính thức bác bỏ thông tin này.
Theo ông Hiển, những nguồn thông tin về sách giáo khoa 2 miền Nam Bắc riêng biệt như thời kỳ trước năm 1975 là tin đồn vô căn cứ, khiến nhiều người dân hiểu lầm. Năm 2018, nhà nước sẽ bắt đầu thực hiện chương trình bộ sách giáo khoa mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm thẩm định trước khi cho phép lưu hành. Các tiêu chí này không quy định các vùng miền phải sử dụng sách do khu vực mình biên soạn, càng không có chuyện 2 bộ sách phân biệt 2 miền.
Dự thảo Đề án đổi mới sách giáo khoa, tiêu tốn xấp xỉ 1,7 tỉ USD (hơn 37 tỷ đồng), mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đã bị các thành viên Ủy ban thường vụ quốc hội cho rằng còn quá đơn giản, không có gì mới mẻ. Dự thảo Nghị quyết thì “dường như chỉ sao chép lại quan điểm của Đảng”.
Các giáo sư, tiến sỹ như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình với nhận xét trên. Ông cho rằng việc dự thảo phải có cơ chế chính thức, các hội khoa học, các chuyên gia cùng làm việc chuyên sâu. Bên cạnh những nhà sư phạm cần có nhà khoa học đầu ngành để có sự kết hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành. Tiến sỹ Giáp Văn Dương cho rằng việc thay đổi sách giáo khoa trong chương trình phổ thông là cần thiết nhưng thay đổi như thế nào, ẩn số này còn chưa giải được.
Trước mắt, mặc dù tin về bộ sách giáo khoa 2 miền Nam Bắc đã bị bác bỏ, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh vẫn còn khá hoang mang, chưa biết năm tới sẽ tiếp tục học theo chương trình nào.
Bài: Vân Anh
Tiếp Thị Gia Đình