Khoe khoang về con cái vô tình tạo áp lực cho con

Con cái là niềm tự hào, nhưng điều đó không có nghĩa cha mẹ có thể khoe khoang về con cái vô chừng mực trước mặt người khác

Thằng con cả nhà tôi đang làm trưởng công an xã, còn thằng thứ hai làm bác sĩ ở bệnh viện huyện“. “Thế có bằng con An nhà tôi không? Nó làm việc ở Hà Nội, giám đốc hẳn hoi nhé. Lương đến hai, ba ngàn đô-la Mỹ. Tháng nào nó chẳng gửi tiền về cho tôi tiêu“. “Cứ coi như con An làm ra nhiều tiền đi, nhưng nó làm gì có quyền bằng hai đứa nhà tôi“. Cả buổi, bà Hường và ông Mạo, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, tranh nhau khoe khoang về con cái, không ai chịu nhường ai.

ĐẸP MẶT HAY TẠO ÁP LỰC CHO CON CÁI?

Đừng nghĩ chuyện khoe khoang về con cái chỉ có ở thôn quê, ngay cả tại thành thị, các bậc phụ huynh cũng khó cưỡng lại ý muốn này.

Bố của Quỳnh Hạnh, ngụ tại Q. 3, TP. HCM, là một điển hình. Ông luôn tỏ ra tự hào thái quá và đi đâu cũng ca ngợi về cô với bạn bè: “Con Hạnh nhà tôi luôn đứng nhất lớp”. Tết vừa rồi, khi về quê, ông tuyên bố với cả họ: “Nó vừa được đề bạt làm trưởng phòng kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia. Ai cần xin việc cho con, tôi nói với nó một tiếng là xong ngay”.

Một ngày đẹp trời, cô em họ vừa mới tốt nghiệp lớp trung cấp văn thư dưới quê khăn gói lên thành phố, nhờ “chị trưởng phòng” cho một “chân“ thư ký. Thế nhưng, Quỳnh Hạnh chỉ là một nhân viên kinh doanh vừa chân ướt chân ráo vào công ty. Sau ba tháng cậy nhờ nhiều chỗ, Quỳnh Hạnh mới tìm được một vị trí bán hàng ở shop thời trang cho cô em họ.

Còn bà Hường, một lần ông Mạo nhờ con cả của bà xin cho thằng út, con của ông, vào trong ban tự vệ của xã, bà mới thấm thía câu “há miệng mắc quai”. Thật ra anh Ngọc, con trai bà, chỉ là cảnh sát cơ động của xã. Nếu phải đính chính lại chức vụ của con, bà sẽ mất hết thể diện. Vậy là bà buộc con trai bằng mọi cách phải thực hiện lời nhờ vả của hàng xóm khiến anh phải mua việc vào thân.

TỰ HÀO BỀ CON CÁI HAY KHOE KHOANG?

Xét ở một góc độ, việc các bậc phụ huynh tự hào về con giúp con cái họ thấy được sự quan tâm của bố mẹ dành cho mình. Đó cũng là một động lực khuyến khích con cái phấn đấu hơn. Tuy nhiên, niềm tự hào này sẽ phản tác dụng khi bố mẹ khoe khoang về con cái vượt quá giới hạn, “thổi phồng“ hình ảnh con cái lên. Khi đó, họ không dừng lại ở niềm tự hào về con cái mà chỉ muốn thỏa mãn cái tôi của chính mình.

Một cách vô tình, họ đã gây áp lực và không ít phiền phức cho con. Hơn nữa, cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Lúc đó, các bậc phụ huynh sẽ để lại tiếng xấu cho bản thân và con cái. Do đó, bạn nên góp ý để bố mẹ tự hào về những thành công của mình một cách chừng mực, đừng để mọi người thấy khó chịu vì phải nghe những lời nói phóng đại.

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua