Khi trẻ nổi giận bạn nên làm gì?

Có những lúc con trẻ giận dữ, lớn tiếng và đập phá đồ đạc trong nhà. Lúc này, bạn phải làm gì để giải tỏa cơn giận và giúp trẻ bình tĩnh trở lại?

KHÔNG LA MẮNG, THÁCH THỨC CON

Khi đứng trước trẻ nổi giận, tim bạn cũng sẽ đập nhanh hơn, adrenaline tăng cao và dễ buông những lời làm trẻ tổn thương. Điều tốt nhất bạn nên làm là giữ bình tĩnh.

Lấy ví dụ khi bạn đụng xe và tài xế xe kia làm ầm ĩ lên. Nếu bạn giữ được bình tĩnh, vấn đề sẽ dễ giải quyết hơn là bạn cũng làm ầm ĩ. Bởi thế, nhiều khả năng con trẻ cũng có thể thư giãn và nói chuyện phải trái hơn khi cả hai cùng bình tĩnh.

ĐỪNG CỐ NÓI LÝ LẼ KHI “NÚI LỬA ĐANG DÂNG TRÀO”

Khi một người giận dữ, khó lời nào lọt tai. Trẻ con nổi giận càng khó nghe lời bạn. Vì thế, bạn chỉ nên dùng lời lẽ phân tích sau khi con đã bình tĩnh.

Những câu như: “Sao con lại nổi giận với mẹ? Con là người để quên bài tập về nhà mà” chỉ khiến con bực hơn.

Bạn chỉ cần nói: “Mẹ biết con đang giận lắm. Hãy bình tĩnh lại rồi mình tìm cách giải quyết sau”.

Khi tre gian du ban nen lam gi hinh anh 1

Hãy đợi cho trẻ bình tĩnh lại rồi từ từ giải thích lỗi sai cho trẻ

NẾU BẠN ĐÃ LỠ DÙNG ROI VỌT

Đôi khi chúng ta mất bình tĩnh, có thể tát hay đánh vào mông con. Một khi trận chiến đã bùng nổ sẽ rất khó hàn gắn tình cảm tốt đẹp. Trẻ có thể im lặng cho đến khi bạn xin lỗi. Lúc này, bạn nên nói với con: “Mẹ đã mất bình tĩnh và mẹ thấy mình sai khi đánh con. Mẹ xin lỗi”.

KHUYẾN KHÍCH SỰ DÀN XẾP VÀ CAM KẾT

Khi trẻ nổi giận, bạn đừng vội quát tháo ngay mà hãy dàn xếp. Ví dụ, trẻ nổi giận vì bị anh trai hoặc chị gái giật đồ chơi, mẹ có thể khuyến khích các bé chơi lần lượt với đồ chơi và chuẩn bị một đồng hồ hẹn giờ để đánh dấu thời gian chơi cho từng bé. Việc dạy con bạn học cách dàn xếp, thỏa thuận và trung thành với những cam kết, sẽ giúp trẻ có được kỹ năng giải quyết vấn đề trong các giao tiếp xã hội.

Khi tre gian du ban nen lam gi hinh anh 2

Học cách giải tỏa cơn giận cũng là một cách giúp gắn kết tình cảm anh chị em trong nhà

KHÔNG NÊN NHÂN NHƯỢNG VỚI TRẺ

Một số phụ huynh sững sờ, bất lực rồi đáp ứng ngay nhu cầu để con hạ cơn giận. Nếu làm như thế, bạn đang dạy con rằng nổi giận sẽ đạt được điều con muốn. Thay vào đó, hãy đợi con bình tĩnh và dạy con các kỹ năng giải quyết vấn đề theo một cách hợp lý hơn.

HÃY NGHỈ GIẢI LAO

Khi bạn cãi nhau với chồng, làm cách nào để bình tĩnh? Có phải cả hai sẽ dừng lại, tách nhau ra, làm riêng việc gì đó đến khi hạ nhiệt? Cách này cũng hiệu quả với con.

Khi thấy mọi sự ngoài tầm kiểm soát, bạn có thể yêu cầu con dừng lại, hai mẹ con mỗi người sẽ cần khoảng thời gian để ở một mình cho tới lúc bình tĩnh. Điều này có thể rất khó vì cha mẹ thường nghĩ rằng mình phải điều khiển và ra lệnh được con. Vì vậy, bạn hãy cố gắng vượt qua.

Khi tre gian du ban nen lam gi hinh anh 3

Tránh cãi nhau trước mặt con vì cách ứng xử của ba mẹ chính là tấm gương cho trẻ học hỏi

LÀM GƯƠNG KIỀM CHẾ CƠN GIẬN

Trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể gặp những chuyện rất đáng nổi giận. Những lúc như thế, bạn hãy kiềm chế cơn giận, nhất là khi ở trước mặt con. Bạn có thể cho con biết: “Mẹ đang nổi điên đây. Mẹ phải vào phòng riêng để lấy lại bình tĩnh đã” hoặc “Mẹ không thể nói chuyện với con ngay lúc này. Mẹ quá giận và cần có thời gian để bình tĩnh lại. Mẹ sẽ quay lại và chúng ta sẽ nói chuyện này sau“.

Khi nói với trẻ những việc này, không phải là bạn đang thừa nhận điểm yếu. Đây là cách bạn nhẹ nhàng trao cho con những cách quản lý cơn giận, giúp trẻ ngày càng trưởng thành hơn.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua