Theo bác sỹ Vũ Hùng thuộc khoa Chấn Thương − Chỉnh hình − Bỏng, bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bé Bảo Trâm nhập viện trong tình trạng bỏng chi dưới, mông bẹn và bộ phận sinh dục do túi sưởi nóng bị bục. Bé Trâm bị bỏng sâu cấp độ 3.
Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ cháu bé cho biết, vì trời lạnh nên chị đã sử dụng túi sưởi để sưởi ấm cho con. Túi chườm bị nổ khi đang sạc và lại để trong lòng của bé nên trẻ bị bỏng nặng, nước từ túi sưởi chảy ra cũng khiến người mẹ bỏng nhẹ ở chân.
Trong những ngày lạnh, nhu cầu sử dụng túi sưởi, túi chườm ấm đa năng rất cao. Túi sưởi được quảng cáo là giúp sưởi ấm cơ thể 6−8 tiếng đồng hồ. Cấu tạo thông thường của túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60−70 độ tùy sản phẩm. Túi có bộ phận cách điện và không cách nhiệt là các lớp vải nhựa giữ nước bên trong giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm.
Cũng như bất kỳ loại đồ điện nào, việc sử dụng túi sưởi có thể gây họa cho người dùng nếu thiếu hiểu biết. Không ít người vừa cắm điện cho túi vừa ôm, thậm chí ngồi, đè lên túi sưởi… túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập điện hoặc bỏng.
NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG TÚI SƯỞI
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng túi sưởi, bác sỹ Hùng khuyến cáo:
♣ Khi sử dụng nên tìm hiểu xuất xứ, chỉ mua túi sưởi có nhãn mác đầy đủ và có độ tin cậy, cần tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất.
♣ Khi cắm điện để túi sưởi tránh xa người, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để gần trẻ em, không để vật nặng đè lên túi, không ngồi lên túi…Đặc biệt, các gia đình có trẻ nhỏ và người bệnh càng phải cẩn thận hơn. Trẻ em có thể chạy nhảy hay ngồi lên túi sưởi, còn dùng để ném nhau như một thứ đồ chơi, dùng vật sắc nhọn vạch lên túi… nếu làm bục túi sưởi dễ gây bỏng.
♣ Tuyệt đối không dùng túi sưởi khi đang cắm điện.
Tiếp Thị Gia Đình