Khi mua phải sản phẩm bị lỗi, người tiêu dùng nên làm gì?

Bộ Công thương đã đăng tải một thông cáo báo chí, đề cập đến việc khi phát hiện sản phẩm bị lỗi, người tiêu dùng có quyền thương lượng với doanh nghiệp

Trong những ngày vừa qua, vụ tranh chấp liên quan đến “chai nước ngọt có ruồi” đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là người tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Vụ việc này cũng đã gây nhiều hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

Nhiều người tự hỏi, khi mua phải sản phẩm bị lỗi, người tiêu dùng có quyền lợi thế nào? Hãy đọc những chỉ dẫn dưới đây của Bộ Công Thương.

CÁCH XỬ LÝ KHI MUA SẢN PHẨM LỖI

san pham bi loi hinh anh 1

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương đã hướng dẫn người tiêu dùng cách xử lý khi mua phải sản phẩm bị lỗi, bị hỏng. Theo cơ quan này, hiện nay, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phép:

Khi phát hiện một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn các cách:

♣ Một là, liên hệ trực tiếp với tổ chức, cá nhân kinh doanh để yêu cầu được giải quyết theo phương thức thương lượng;

♣ Hai là, nhờ một tổ chức, cá nhân thứ ba (các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các công ty, văn phòng luật hoặc bất kỳ một tổ chức cá nhân nào khác đủ năng lực) tham gia;

♣ Người tiêu dùng cũng có thể sử dụng phương thức trọng tài (nếu phương thức này được thỏa thuận khi xác lập giao dịch) hoặc khởi kiện trực tiếp tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, theo Cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng cũng có thể phản ảnh về hành vi vi phạm pháp luật (có hoặc không kèm theo yêu cầu hòa giải) của doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí.

“Lựa chọn phương thức nào là hoàn toàn phụ thuộc vào người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc cũng như mức độ hợp tác, phối hợp của các bên liên quan”, Cục Quản lý cạnh tranh nêu.

CÁCH THỨC TIẾN HÀNH THƯƠNG LƯỢNG

san pham bi loi hinh anh 2

Về cách thức tiến hành thương lượng, làm sao để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng khi mua sản phẩm bị lỗi, điều 31 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định: “Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu”.

Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, phương thức thương lượng là một trong những phương thức hiệu quả nhất và thường được sử dụng để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, Cục Quản lý cạnh tranh cũng lưu ý, trong quá trình thương lượng, người tiêu dùng cũng cần biết một số nội dung sau để không vi phạm pháp luật.

♠ Thứ nhất, thương lượng phải trên cơ sở thông tin thực tế và rõ ràng (chỉ khi có dấu hiệu cho thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng mới nên tiến hành khiếu nại và thương lượng với doanh nghiệp);

♠ Thứ hai, trước khi tiến hành thương lượng, người tiêu dùng nên thu thập các tài liệu chứng minh về giao dịch; phiếu bảo hành, sản phẩm hoặc ảnh chụp minh họa lỗi của sản phẩm… Yêu cầu của người tiêu dùng cũng phải hợp lý và phù hợp với tính chất và mức độ của vụ việc.

Riêng điều này, Cục Quản lý cạnh tranh dẫn luật quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua