Khi cảm thấy bất kỳ dấu hiệu bất ổn trên cơ thể, bạn sẽ đi khám bệnh ở phòng mạch hoặc bệnh viện. Tuy nhiên, một số người lại có thói quen nói dối; hoặc nói giảm bớt một số hành vi của mình. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh của bác sĩ; mà còn gây rắc rối trong việc điều trị.
Hãy xem 7 lời nói dối phổ biến khi đi khám bệnh mà bạn cần tránh là gì nhé!
“Tôi không thường uống bia rượu…”
Không dễ dàng gì để thừa nhận bản thân là người thích uống bia rượu. Thậm chí là nghiện. Bạn có biết việc uống 4-5 chai bia mỗi ngày; hay luôn dùng bữa tối với rượu vang; hoặc đơn giản là uống nhiều hơn 1 ly rượu mỗi ngày; tất cả đều khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim, gan, hệ tiêu hóa, cao huyết áp, suy giảm trí nhớ và đột quỵ. Thậm chí, uống nhiều hơn ba ly rượu mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú lên đến 30%.
Hãy thành thật với bác sĩ về thói quen và “đô” uống bia rượu của bạn. Bởi chúng có thể ngăn chặn tác dụng của thuốc và gây nên tác dụng phụ.
“Tôi ăn uống bình thường…”
Hiện nay có rất nhiều chế độ ăn kiêng và thải độc. Các chế độ này đều tăng thêm/lược bớt một hoặc vài thành phần như tinh bột, đường, chất béo… Bạn nên hiểu bất kỳ chế độ ăn kiêng nào sẽ phục vụ cho một mục tiêu cụ thể. Ví dụ như giảm cân, tăng cơ, chữa bệnh tiểu đường… Chúng thường chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian nhất định. Một chế độ ăn uống bình thường và khoẻ mạnh là cung cấp cho thể đầy đủ chất. Không thúc ép hay lược bớt.
Trong quá trình chữa bệnh, bạn sẽ cần kết hợp với dinh dưỡng. Chính vì vậy, khi đi khám bệnh, hãy cho bác sĩ biết bạn đang thực sự ăn uống những gì; hay theo chế độ nào. Từ đó, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên hay có sự điều chỉnh phù hợp.
“Bao tử của tôi ổn…”
Có thể bạn không bị đau bao tử, nên nghĩ rằng hệ tiêu hóa của mình vẫn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn bị đầy hơi hoặc táo bón, đó là dấu hiệu bất ổn. Bên cạnh đó, việc không dung nạp lactose gây đau bụng, tiêu chảy cũng cần được thành thật khai báo với bác sĩ. Một bao tử không khoẻ sẽ khó hấp thu dược tính, từ đó giảm khả năng điều trị bệnh.
“Tôi không có đang dùng thuốc gì khác…”
Khi bác sĩ hỏi bạn có đang dùng thuốc gì không, thông tin này rất quan trọng. Hãy thành thật liệt kệ tất cả loại thuốc bạn dùng, kể cả thuốc thảo dược, thực phẩm bổ sung và viên vitamin tổng hợp. Một số đông dược và tây dược sẽ gây phản ứng phụ. Bổ sung vitamin quá liều cũng có thể gây áp lực lên gan, thận. Tồi tệ hơn, một số tương tác không mong muốn có thể xảy ra như sốc thuốc, ngộ độc vô cùng nguy hiểm.
“Tôi luôn quan hệ an toàn…”
Tình dục không phải là chuyện to tát, khó nói. Việc sử dụng bao cao su hay không, sử dụng thuốc diệt tinh trùng, hay uống thuốc chống phơi nhiễm HIV… Bạn nên thành thật với bác sĩ. Việc quan hệ không an toàn có thể làm lây lan HPV, HIV, viêm nhiễm các bệnh tình dục, thậm chí có thể gây vô sinh nếu như không điều trị đúng cách.
“Tôi chưa từng mắc các bệnh tình dục…”
Nếu bạn đã từng mắc các bệnh tình dục (lậu, giang mai, sùi mào gà…), không có gì phải xấu hổ mà che giấu với bác sĩ. Hệ quả của những bệnh này không đơn giản. Đôi lúc, do không điều trị dứt khoát, bệnh có thể tái phát ở mức độ nghiêm trọng hơn.
“Tôi không hút thuốc…”
Hút thuốc là một trong những lời nói dối mà bạn không nên nói với bác sĩ của mình. Thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bệnh về hô hấp và suy giảm miễn dịch. Đây cũng là nguyên nhân đến viêm phế quản, đột quỵ và ung thư phổi. Dù không hút, nhưng bạn cũng nên khai báo về việc bạn đang sống trong môi trường nhiều khói thuốc. Bởi việc hít phải khói thuốc cũng giống như bạn hút thuốc thụ động, vẫn có tác hại tương tự như hút thuốc chủ động.
Mỗi khi đi khám bệnh, tốt nhất là không nên giấu bệnh. Việc thẳng thắn về những vấn đề của bản thân sẽ giúp bạn nhanh chóng có được chẩn đoán và điều trị đúng đắn. Đôi khi cảm thấy khó nói, hãy viết ra giấy nhé!
Tiếp Thị Gia Đình