Trong bữa ăn trưa tại cơ quan, chị Hà kể, đầu năm học lớp sáu, con gái chị vẫn còn vô tư, nhưng mới đây, bé bỗng thay đổi hẳn, thích đánh son khi đi học, nói chuyện thì điệu đàng, đáng lo hơn là bé đã bắt đầu có bạn trai hẹn hò đi chơi buổi tối. Không riêng trường hợp con của chị Hà, yêu sớm là tình trạng chung của con trẻ ngày nay. Tiếp Thị Gia Đình mời bạn cùng xem các nhà khoa học, các bác sỹ muốn nói gì với bạn quanh chuyện khi con yêu sớm nhé!
Yêu từ thuở 11: Cần bố mẹ quan tâm đặc biệt
Các nhà nghiên cứu từ Đại học York ở Toronto, Canada, đã đưa ra các câu hỏi về tình yêu với 698 học sinh của 12 trường học với độ tuổi trung bình là 11,8. Các nhà khoa học đánh giá các em yêu sớm hay muộn dựa vào độ tuổi dậy thì của các em. Theo đó, hẹn hò ở tuổi 11,6 được cho là sớm, 12,9 là tuổi hẹn hò trung bình và hẹn hò muộn hơn ở tuổi 14,9.
Theo kết quả, trong số 698 em này, 20% yêu sớm, 55% các em yêu ở độ tuổi trung bình và 25% yêu muộn, sau tuổi dậy thì. Điều đáng nói là nhóm các em yêu sớm dễ quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng rượu và có những hành vi nguy hiểm cao gấp 2 lần so với các em yêu ở tuổi trung bình và muộn. Các em yêu sớm dễ bỏ học, không nghe lời, hay nói dối, gian lận và đánh nhau. Sự căng thẳng cảm xúc trong mối quan hệ yêu đương sớm có thể khiến những tâm hồn non nớt, thiếu kinh nghiệm dễ có những hành vi lệch lạc. Trong khi đó, các em yêu muộn lại không gặp phải những “tác dụng phụ” này.
Rất nhiều nghiên cứu khác cũng cho rằng, yêu sớm dễ làm trẻ học kém đi, bỏ học, trầm cảm, sa ngã vào ma túy hay trở thành kẻ bạo lực hoặc nạn nhân của bạo lực.
Do đó, theo các nhà nghiên cứu, nếu con bạn đang bắt đầu có dấu hiệu yêu đương ở tuổi 11, bạn nên quan tâm đặc biệt đến con. Đừng ngại nói với con về chuyện yêu đương, sự phát triển của cơ thể, tình dục an toàn, cách ứng xử trong tình yêu vì thà bạn vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn là để hươu tự chạy sai đường.
Xây dựng lòng tự trọng có thể “ngừa” yêu sớm
Hai chuyên gia về giáo dục trẻ em người Anh, Erika Brodnock và Judy Reith đều đồng ý rằng, các bậc cha mẹ và trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với sự tấn công từ các phương tiện truyền thông. Judy Reith nói: “Chính những thông tin tràn lan về tình dục, tình yêu trên các phương tiện truyền thông đã khuyến khích trẻ sớm đến với tình dục. Những thông tin đó tạo áp lực rất lớn khiến con trẻ tò mò muốn sớm có người yêu, trong khi cảm xúc của các em chưa trưởng thành để sẵn sàng cho việc yêu”. Còn Erika Brodnock nhấn mạnh: “Các bậc cha mẹ phải kiểm soát các phương tiện truyền thông mà con mình tiếp xúc hàng ngày trên điện thoại, máy tính cá nhân cũng như phải giám sát cả những chương trình truyền hình mà các con xem”. Cùng với sự phát triển của cơ thể, những cảnh hôn hít, giường chiếu, những mối tình lãng mạn đang “châm dầu vào lửa”, kích thích sự tò mò, khiến các em muốn tìm hiểu, muốn tự mình trải nghiệm trong khi bản thân còn thiếu kiến thức, thiếu kiềm chế.
Vậy khi con yêu sớm trước khi bạn kịp ngừa thì sao? Chị Thanh, một giáo viên có hai con gái tại TP. HCM, cho biết: “Càng cấm càng yêu. Nếu cha mẹ cố gắng cấm đoán mối quan hệ đó, nó chỉ làm cho con cảm thấy thú vị, hấp dẫn hơn thôi”. Brodnock chỉ rõ hơn: “Tất cả những gì bạn cần làm là nói chuyện với con. Trẻ thiếu tự tin, tự trọng thích có người yêu sớm để chứng tỏ rằng mình đã lớn. Trẻ cần đến người khác để hoàn thiện chính mình. Điều này có thể khiến con bạn có xu hướng phụ thuộc cao trong các mối quan hệ sau này”.
Ngoài ra, nhiều bé yêu đơn giản vì muốn thể hiện sự sành sỏi, chứng minh sức hấp dẫn của mình. Mỗi đứa trẻ đều có một năng khiếu riêng. Nếu bạn giúp con phát triển được năng khiếu đó, nâng cao lòng tự trọng của bé, bé có thể sẽ không cần dùng đến yêu đương để chứng minh bản thân thật sự trưởng thành hoặc thật sự có điểm khác biệt.
Con thay người yêu như thay áo
Vòng đời của tình yêu sớm vô cùng ngắn ngủi. Một bà mẹ đã viết thư hỏi Tiếp Thị Gia Đình rằng: “Con gái tôi ở tuổi trung học và con đang hẹn hò với một vài cậu bé khác nhau mỗi vài tháng. Con yêu chóng vánh như vậy, tôi rất lo”.
Lý giải về chuyện yêu sớm ở con trẻ, bác sĩ Dave Walsh giải thích, chính não bộ và các hormone ảnh hưởng đến việc con bạn yêu một ai đó.
Khi rơi vào tình yêu, não bộ tiết ra hàng loạt các chất kích thích. Đó là dopamine giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc, là norepinephrine khiến tim đập nhanh hơn và serotonin giúp tâm trạng vui vẻ, hưng phấn. Sự dồi dào của các hormone hạnh phúc khiến bé say mê, yêu hết mình, quên học hành và các mối quan hệ xung quanh khác.
Song các chất ấy cũng như các cảm xúc chỉ hiện diện trong một thời gian ngắn. Mức trung bình ở một thanh niên chỉ kéo dài 3–4 tháng. Sau thời gian say đắm với một người, hóa chất kích thích giảm đi, cảm xúc giảm đi và đó là lúc bé cảm thấy nhàm chán, kém sôi động. Lúc này, bé lại muốn tìm mối quan hệ khác để có cảm giác mới mẻ và thích thú hơn.
Trong trường hợp này, bạn càng cần phải nói chuyện với con về mối quan hệ lành mạnh, về ham muốn tình dục và sự giao tiếp giữa hai người. Điều này giúp bé hiểu được chính mình, hiểu về tình yêu, tránh được những cạm bẫy nhất thời khi cơ thể đang bị điều khiển bởi hóa chất và có ý thức xây dựng mối quan hệ bền vững ngay từ mối tình đầu.
Theo một thống kê tại Mỹ, cứ 1 trong 3 cô gái vị thành niên là nạn nhân của lạm dụng thể chất, tình cảm hoặc lời nói từ phía người yêu. Một trong 4 cô gái tuổi teen đang trong mối quan hệ yêu đương nói rằng mình đã bị đe dọa bằng bạo lực hoặc lạm dụng bằng lời nói. 45% các cô gái có một người bạn từng bị ép quan hệ tình dục. Đấy là những hậu quả của yêu sớm không được cha mẹ dẫn dắt đúng hướng.
Khi con yêu sớm, trẻ càng dễ gặp nguy khi gửi ảnh khỏa thân, quay cảnh gần gũi với bạn trai. Việc đó trở thành quả bom nổ chậm có thể nổ bất cứ lúc nào khiến bé bị tổn thương, đau đớn. Vậy, bạn nên làm gì?
Yêu sớm: Làm sao để tránh đau đớn?
♠ Nói với con về cơ chế của bộ não khi con phải lòng ai đó: Trong thời gian đầu, con không làm chủ được hành vi, cảm xúc của mình mà do hormone điều phối. Đừng đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào trong thời gian này, ví như chuyện gần gũi, chụp ảnh khỏa thân, lên giường nằm ôm nhau… Chờ khi bộ não thoát khỏi cơn sóng hormone, con sẽ có các quyết định thông minh.
♠ Đừng gọi người con thích là “bạn gái” hay “bạn trai” hoặc người yêu mà chỉ nên gọi là “người bạn tốt”, tình bạn tốt. Mục đích là không để bé phải nghĩ ngợi, tưởng tượng quá nhiều về chuyện yêu đương, hôn nhân.
♠ Khuyến khích con đưa “bạn tốt” đến nhà chơi càng nhiều càng tốt. Con bạn cảm thấy được chấp nhận và bạn cũng có cơ hội tìm hiểu kỹ về người con dành tình cảm đặc biệt. Ngoài ra, bạn cũng cần thiết lập mối quan hệ với những người gần gũi với con. Mạng lưới này sẽ giúp bạn nếu con bạn có vấn đề phát sinh sau này.
♠ Để ý sự thay đổi của con về cảm xúc, hành vi hoặc thể chất: Nhiều bé bị “người yêu” lạm dụng hoặc bị bạn bè cô lập hay tự tách khỏi bạn bè. Tất cả những điều đó đều biểu lộ qua hành vi, tâm trạng hàng ngày của bé. Hãy chia sẻ cùng con vấn đề bé đang gặp phải.
BÀI: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình