Khi cha mẹ ganh đua qua con cái

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thành công, song quan trọng hơn là con trẻ phải hạnh phúc

Cậu bé đảm nhận vị trí thủ thành trong một trận đá bóng vòng loại. Người bố đứng sát khung thành và những ai đứng gần có thể nghe rõ tiếng anh hò hét: “Di chuyển nhanh lên con. Giơ hai tay lên. Sẵn sàng đón bóng. Phải căng mắt ra mà nhìn chứ…”. Vài phút sau, một cú sút đưa bóng bay thẳng vào cầu môn. Cậu bé nhìn cha thảng thốt, còn ông bố thì giậm chân hét toáng: “Ôi trời, chơi thế có mà về nuôi gà”.

Hẳn bạn đã từng thấy những cảnh tương tự. Cha mẹ không chỉ đứng ngoài cổ vũ mà thật sự tham gia vào các cuộc thi thố của con với mức độ ăn thua hơn cả con. Điều duy nhất họ mong muốn là con phải chiến thắng, từ thể thao đến chơi nhạc, học tập… Người ta gọi đó là ganh đua qua con cái.

CHA MẸ TỰ CAO

20151103-khi-cha-me-ganh-dua-qua-con-cai-02

Đối với những trường hợp quá khích, tâm lý học đã định ra một danh xưng riêng cho họ: cha mẹ tự cao. Joseph Burgo, một chuyên gia tâm lý và trị liệu hôn nhân gia đình với hơn 30 năm kinh nghiệm, cho biết: “Cơ chế thắng – thua chiếm vai trò trung tâm trong chủ nghĩa tự cao cực đoan và týp cha mẹ tự cao là những người chơi trò ganh đua qua con cái. Họ luôn bị thôi thúc phải tạo nên những đứa con là người chiến thắng và con họ phải giỏi hơn con của người khác. Khi trò chuyện với bạn, họ thường sẽ mang chuyện con cái ra khoe: nào là học giỏi, vào trường điểm, nào là thành công, kiếm được nhiều tiền… Mục đích là để bạn cảm thấy buồn tủi vì con mình thua kém”.

Về mặt giao tiếp, hẳn là những vị phụ huynh tự cao này không được mấy người đón chào. Chị Tuyết Mai, ở Q.Tân Bình, TP. HCM, nói về cô bạn thân: “Lần nào gặp nhau cô ấy cũng khoe con thông minh, giỏi giang, riết rồi tôi ngại gặp”.

ẢNH HƯỞNG NGUY HẠI ĐẾN CON TRẺ

20151103-khi-cha-me-ganh-dua-qua-con-cai-03

Chuyên gia Burgo nhấn mạnh, bi kịch của cha mẹ tự cao là đang gửi đến con mình thông điệp rằng con trẻ không được yêu thương và chấp nhận một cách vô điều kiện. “Bọn trẻ phải nỗ lực và thành công để được cha mẹ chấp nhận”, ông lý giải.

Chị Thanh Xuân, ở Hà Nội, tâm sự: “Bố mẹ tôi là những người rất thành đạt và chỉ tỏ ra hài lòng khi con cái cũng giỏi giang như cha mẹ. Tôi cảm thấy tình yêu và sự chú ý của cha mẹ có vẻ như luôn cần điều kiện. Suốt thời đi học, tôi cứ phải vật lộn với thành tích trong tâm trạng lo âu. Nay tôi đã làm mẹ và vợ chồng tôi xác định là chúng tôi phải lắng nghe để hiểu con chứ không áp đặt ý niệm thành công của mình vào con”.

Mặt khác, cha mẹ tự cao còn tác động xấu đến tính cách đứa trẻ. Lori Day, một chuyên gia tâm lý giáo dục, lý giải: “Những đứa trẻ ấy rất mong manh, dễ vỡ, vì chúng luôn được bảo rằng mình là siêu sao và được bảo bọc, cưng chiều quá mức. Khi bị tách khỏi cha mẹ, chúng sẽ phải vật lộn với những kỹ năng tự lập, lòng tự trọng dễ bị tổn thương và chúng thiếu khả năng phục hồi”.

CHỐNG LẠI BẢN NĂNG ĐÒI HỎI CAO Ở CON

Theo chuyên gia tâm lý Burgo, cha mẹ rất dễ rơi vào cái bẫy ganh đua qua con cái. Ngay khi thấy mình đang so sánh con với những đứa trẻ khác, bạn nên tự nhủ: “Mình đang lo cho con hay chỉ muốn ganh đua? Cái mình muốn là con hạnh phúc và làm được những việc ý nghĩa mà chúng thích”.

AI DỄ TRỞ THÀNH TÝP CHA MẸ TỰ CAO?

Những bậc cha mẹ tìm lẽ sống qua thành công của con cái thường là những người thất bại trong đời sống riêng. “Vì bản thân không đạt được cao vọng nên họ muốn hoàn thành tâm nguyện bằng cách đầu tư cho con trở thành người chiến thắng”, ông Burgo nói.

Cũng có các trường hợp cha mẹ tự cao vốn là người đã có những trải nghiệm tuổi thơ đau buồn và họ gây áp lực với con để che giấu sự hổ thẹn về quá khứ. Ngoài ra, những đứa trẻ có cha mẹ tự cao dễ có xu hướng đi vào cùng lối mòn ấy.

BẢO LONG

Mục Mẹ và con – Tâm lý / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua