Không khám tiền thai sản khi chuẩn bị mang thai khiến dễ sảy thai

Để tránh rủi ro khi mang nặng đẻ đau, cho bé yêu chào đời khỏe mạnh, vợ chồng nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và tiền sinh sản.

Lấy chồng năm 2014, đầu năm 2015 chị Nguyễn Thị Hoài, ngụ Q. 8, TP. HCM, mang thai. Đứa con là kết quả của tình yêu nên chị rất háo hức chờ đợi ngày con chào đời. Tuy nhiên, khi thai được gần ba tháng, trong lần đầu đi siêu âm thai, chị mới phát hiện bị u nang buồng trứng.

Chị Hoài kể: “Khi tôi đi khám thai, bác sỹ siêu âm phát hiện khối u buồng trứng kích thước 50x52mm. Khối u nang buồng trứng phát triển rất nhanh nhưng không thể mổ vì đe dọa sẩy thai, đành chung sống với nó. Thai qua tháng thứ sáu, tôi đang nằm xem ti-vi thì thấy bụng đau dữ dội. Tôi bị vỡ u buồng trứng phải mổ cấp cứu. Sau khi mổ, lúc tỉnh dậy, tôi lạnh người khi sờ bụng thấy đã xẹp mất, cảm giác đớn đau tràn ngập. Tôi đã mất con. Buồn hơn khi bác sỹ tiên lượng khả năng có thai lại của tôi không cao.

Giá như tôi khám sức khỏe khi chuẩn bị mang thai thì không đến nỗi!”.

CHUẨN BỊ MANG THAI CẨN THẬN ĐỂ KHÔNG BỊ SẢY THAI

Trường hợp của chị Hoài không hiếm gặp. Theo thạc sỹ  – bác sỹ Bùi Chí Thương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, hiện vẫn còn nhiều chị em phụ nữ xem nhẹ việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và tiền sinh sản. Trong khi đó, điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc u bướu hay viêm nhiễm âm đạo trong quá trình mang thai.

Cũng theo bác sỹ Bùi Chí Thương, mang thai khi đang bị u nang buồng trứng mà không biết có thể gây ra hậu quả như vỡ u hay xoắn u cần mổ cấp cứu, dễ dẫn đến sẩy thai hay sinh non.

Nếu phát hiện u nang khi đang mang thai, bác sỹ sẽ theo dõi u tới khoảng tuần thứ 15–16 để loại trừ nang hoàng thể nuôi thai trong ba tháng đầu thai kỳ. Nếu sau tuần 15–16 mà còn u thì đó là u thực thể, bạn nên cân nhắc phẫu thuật nội soi hay mổ mở. Nếu u tiếp tục theo thai kỳ, khi tử cung lớn sẽ chèn ép làm vỡ u hay u xoắn bắt buộc phải mổ cấp cứu thì tiên lượng không tốt cho mẹ và thai. Thai càng lớn tử cung càng to, đẩy ngược u lên bụng làm u dễ xoắn hay chèn làm vỡ u.

kham-tien-thai-san-chuan-bi-mang-thai-hinh-anh-2

Đi khám thai sản là một bước giúp chuẩn bị mang thai an toàn.

THỜI GIAN BIỂU ĐỂ KHÁM TIỀN THAI SẢN HỢP LÝ

Ngoài việc chuẩn bị về mặt tâm lý, tài chính, các bà mẹ cần khám sức khỏe tiền thai sản để đảm bảo em bé sẽ khỏe mạnh, thông minh.

♦ Ba tháng trước khi mang thai, người mẹ cần tiêm ngừa rubella, cúm. Nếu khi mang thai mà mắc những bệnh này thì khả năng thai nhi bị dị tật rất cao. Thêm vào đó, bạn bổ sung dinh dưỡng bằng các thực phẩm giàu a-xít folic để tránh dị tật ống thần kinh cho thai nhi.

♦ Hai tháng trước khi mang thai, người mẹ cần tẩy giun. Ngoài ra, cả vợ lẫn chồng đều nên kiểm tra sức khỏe toàn diện. Thường, bác sỹ sẽ chỉ định cho bạn làm các xét nghiệm như xét nghiệm công thức máu (phát hiện các bệnh về máu như thiếu máu, bất thường tế bào máu), xét nghiệm
sinh hóa máu (kiểm tra bệnh tiểu đường, chức năng gan, thận), xét nghiệm một số bệnh lây truyền qua đường máu (HIV, viêm gan B).

♦ Bên cạnh đó, cần thiết nhất là làm phết mỏng cổ tử cung, siêu âm tổng quát để phát hiện các bất thường ở gan, lách, thận, tử cung và buồng trứng.

♦ Đừng bỏ qua việc khám phụ khoa để phát hiện các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình mang thai như viêm nhiễm đường sinh dục.

♦ Ngoài ra, bạn cũng nên đi kiểm tra răng miệng. Khi mang thai, thai phụ bị gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng. Rất nhiều chị em bỏ qua bước khám nha khoa này.

Chuẩn bị mang thai cẩn thận để có em bé thông minh, mạnh khỏe

 

ĐỊA CHỈ CHO BẠN

Để chuẩn bị sức khỏe thể chất lẫn tinh thần trước khi có con, bạn cần đi khám sức khỏe tiền hôn nhân và tiền sinh sản tại các bệnh viện phụ sản. Tiêm phòng tại:

– Trung tâm Y tế dự phòng, 70 Nguyễn Chí Thanh, Q. Đống Đa, Hà Nội

– Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng, 26C Chu Văn An, Q. Hải Châu

– Viện Pasteur TP. HCM, 282 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P. 8, Q. 3.

An Đông
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua