Để “nắm tay nhau thật chặt, giữ tay nhau thật lâu, hứa với nhau một câu sẽ đi trọn đến cuối con đường”; ngoài con tim chân thành, hành trang đầu tiên đôi lứa cần mang theo là một sức khoẻ thật tốt. Muốn sống với nhau đến đầu bạc răng long? Vậy thì trước khi cưới hãy lo đi khám sức khỏe tiền hôn nhân đã!
Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp bạn kiểm tra khả năng sinh sản, thể chất lẫn tinh thần; mà còn là động thái thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm với người bạn đời trước khi cùng nhau bước vào đời sống lứa đôi. Ở nhiều nước, khám sức khỏe tiền hôn nhân là thủ tục bắt buộc. Song, tại Việt Nam, đây vẫn là việc làm mang tính tự nguyện. Vậy khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm những gì; lợi ích ra sao? Mời bạn cùng TTGĐ tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Xét nghiệm công thức máu:
Giúp đánh giá số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu, nồng độ hemoglobin… để phát hiện những rối loạn huyết học; ví dụ như giảm số lượng tế bào máu, thiếu máu… Từ đó, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
2. Xét nghiệm viêm gan siêu vi B:
Đây là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, đường máu, từ mẹ sang con. Xét nghiệm sẽ giúp bạn phát hiện sớm để phòng ngừa, tránh lây nhiễm; có biện pháp điều trị phù hợp.
3. Kiểm tra gan, thận:
Thận suy yếu; kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe như phù nề, thiếu máu, cao huyết áp… Gan tham gia vào hầu hết các hoạt động chuyển hóa; cũng như bài tiết của cơ thể. Vì vậy, kiểm tra chức năng gan, thận là việc không thể bỏ qua.
4. Kiểm tra đường huyết:
Giúp phát hiện sớm và ngăn chặn biến chứng của bệnh tiểu đường; đồng thời tránh để lượng đường trong máu tăng cao quá mức; gây ảnh hưởng đến mạch máu, thần kinh, mắt, thận…
5. Tìm hiểu các biện pháp tránh thai:
Nhiều cặp đôi muốn hoãn việc sinh con để ổn định cuộc sống trước. Lúc này, hai người nên cùng nhau tìm hiểu các biện pháp tránh thai; như dùng thuốc, bao cao su, đặt vòng, thắt ống dẫn tinh… để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.
6. Chụp hình x-quang phổi:
Việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân này cho bác sĩ và bạn có cái nhìn tổng quan về tim, phổi cũng như các cơ quan lân cận. Dựa vào những dấu hiệu trên phim chụp; bác sĩ có thể nhận ra các bệnh lý nguy hiểm, có khả năng lây lan như phổi tắc nghẽn, viêm phổi hay lao phổi…; để kịp thời điều trị.
7. Điện tâm đồ:
Cả vợ lẫn chồng đều cần kiểm tra hoạt động của tim. Bởi vì; nếu tim có vấn đề, quan hệ vợ chồng sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
8. Khám phụ khoa, nam khoa:
Với cô dâu, bác sĩ sẽ soi tử cung, kiểm tra vòi trứng… để đảm bảo sức khỏe sinh sản ổn định, để nàng tự tin và sẵn sàng cho đời sống lứa đôi.
Với chú rể, việc xét nghiệm tinh dịch đồ giúp đánh giá khả năng sinh sản; nhằm chuẩn bị thật tốt cho cuộc sống sau đám cưới.
9. Phân tích nước tiểu:
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện các tổn thương ở cầu thận, ống thận hay đường tiết niệu, nhiễm trùng tiểu… Những bệnh lý này có thể là nguyên nhân gây bất tiện trong chuyện chăn gối; gián tiếp dẫn đến chứng rối loạn cương dương, lãnh cảm, đau khi giao hợp…
10. Xét nghiệm HIV:
Trên thế giới, nhiều quốc gia yêu cầu các cặp đôi phải kiểm tra HIV trước khi đăng ký kết hôn. Tại Việt Nam, nhiều người vẫn e ngại khi xét nghiệm HIV; hoặc cho rằng đây là điều không cần thiết. Song, nếu thực sự yêu nhau và muốn tiến tới hôn nhân, xét nghiệm HIV giúp củng cố lòng tin và ý thức bảo vệ lẫn nhau.
11. Tiêm trước sinh:
Nhiều đôi uyên ương muốn có em bé ngay sau đám cưới. Vì vậy, ngoài khám sức khoẻ tiền hôn nhân, cô dâu sẽ phải tiêm phòng sớm các bệnh như uốn ván, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu… Việc này sẽ bảo vệ sức khỏe của mẹ cũng như của em bé trong suốt thai kỳ và sau khi sinh. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ kỹ càng.
Bài: Doctor Strange
Tiếp Thị Gia Đình