Khách thương gia tát nữ tiếp viên hàng không nói gì sau vụ việc?

Ông M.T.B đã đồng ý nộp phạt và nhận hành động tát tiếp viên là sai nhưng ông thắc mắc rằng, tại sao 5 người trong tổ tiếp viên cùng tìm điện thoại đều không thấy?

“Tôi ngồi ghế 2H, sao điện thoại lại ở ghế 1H?”

Ông M.T.B. (khách thương gia tát nữ tiếp viên Vietnam Airlines) cho hay sau khi lên máy bay, do điện thoại iPhone 6 khổ quá to nên ông B. bỏ trên bàn ăn. Sau khi dùng bữa tối trên máy bay, ông B. ngủ mà vẫn để điện thoại ở góc phải bàn. Khi máy bay tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), ông B. tỉnh dậy lại không thấy điện thoại đâu.

“Lúc đầu tôi nghĩ tiếp viên cất dùm nhưng khi hỏi họ trả lời là điện thoại khách tự giữ lấy. Hỏi người đi cùng họ cũng nói không biết. Tôi gọi 3 cuộc đầu nghe điện thoại đổ chuông, gọi 2 cuộc sau không thấy đổ, sau đó gọi tiếp 3 cuộc lại đổ chuông”, ông B. nói.

Ông B. cũng phân vân về vị trí điện thoại ở dưới ghế 1H trước ghế ngồi của ông là 2H vì khi tìm không thấy, ông B. “quỳ và gần như nằm xuống sàn” để tìm điện thoại mà vẫn không thấy.

“Tìm gần 30 phút không thấy, tôi mới kêu tổ tiếp viên lại hỏi xem ai dọn bàn tôi. Lúc này cô T. mới nói cô là người dọn. Khi đó tôi không đủ bình tĩnh nên đã tát cô T. một cái. Sau khi tôi bạt tai xong, một tiếp viên cầm điện thoại của tôi tới và nói điện thoại bị rơi xuống sàn”, ông B. nói.

Ông B. thừa nhận việc tát tiếp viên là sai và đã đồng ý nộp phạt. Tuy nhiên điều ông thắc mắc là tai sao trước đó ông và 5-6 người trong tổ tiếp viên tìm điện thoại chừng 40 phút mà không thấy. “Chỉ đến khi tôi tát cô tiếp viên điện thoại mới xuất hiện. Nếu trên máy bay, nhất là ở khoang thương gia có camera, tôi đề nghị trích xuất để làm rõ. Lúc đó mới biết có người lấy hay điện thoại rơi”, ông B. nói.

Theo thông tin tìm hiểu được, ông B. sống ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) và hiện là người đại diện pháp luật của một công ty khai thác khoáng sản.

Ông B sẽ bị cấm bay ở tất cả các hãng?

Sáng 18.8, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho hay, việc phạt hành chính của Cảng vụ hàng không miền Nam đối với khách thương gia tát nữ tiếp viên là đúng và việc phạt 15 triệu đồng đúng khung quy định. Tuy nhiên, đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng nên Cục Hàng không đã yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo chi tiết vụ việc để xem có cần thiết xử phạt bổ sung ông B. hay không.

Ông Thanh cho biết thêm việc cấm bay còn phải dựa theo mức độ vi phạm của ông B sau khi làm việc. Trong trường hợp bị cấm bay, ông B. sẽ bị cấm trên tất cả các chuyến bay của các hãng chứ không riêng gì VNA.

“Việc cấm bay được coi là hạn chế một phần quyền đi lại của cá nhân nên các hãng không được tự xử mà phải tuân theo quy định pháp luật. Tuy nhiên ở nước ngoài, việc đánh tiếp viên hay phi hành đoàn được coi là nghiêm trọng và sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc”, ông Thanh nói.

LS Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải Phóng) cho hay trong trường hợp này nếu thấy chưa thỏa đáng, nữ tiếp viên có thể làm đơn khởi kiện ông B. để đòi quyền lợi cho mình.

Trước đó, vào tối 13.8, ông B. đi máy bay VNA từ Hà Nội vào TP.HCM. Khi tới sân bay Tân Sơn Nhất, ông B. không thấy chiếc iPhone 6 trước đó để trên bàn ăn nên khách thương gia tát nữ tiếp viên T. một cái. Sau đó điện thoại được tìm thấy. Với hành vi hành hung tiếp viên, ông B. đã bị phạt 15 triệu đồng.

MAI ANH

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua