Kết luận cá chết hàng loạt không có liên quan đến Formosa

Thông báo chưa thể kết luận cá chết hàng loạt là do chất xả thải từ Formosa của Bộ Tài nguyên Môi trường tối qua (27–4) đã tạo nên nhiều luồng ý kiến trái chiều

Vào lúc 20 giờ tối qua (27−4) tại trụ sở Bộ Tài nguyên Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân của vụ cá chết ven biển miền Trung trong khoảng 3 tuần vừa qua.

Tại buổi họp báo kết luận cá chết hàng loạt, ông Nhân cho biết đây là một vấn đề phức tạp, đã từng xảy ra nhiều nơi trên thế giới, nên cơ quan chức năng của Việt Nam đã ráo riết phối hợp với các nhà khoa học đến từ Nhật Bản để tìm ra nguyên nhân. Theo ông, sau khi loại trừ nhiều yếu tố, tất cả các nhà khoa học, nhà quản lý cùng thống nhất với nhận định sơ bộ là gồm hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do độc tố hóa học của con người trên biển và đất liền thải ra. Nguyên nhân thứ hai là do hiện tượng tảo nở hoa (hay còn gọi là thủy triều đỏ).

Ket luan ca chet hang loat hinh anh 2

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại buổi họp báo tối 27-4

Trước những câu hỏi có liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung có phải là do ống xả thải Formosa dưới đáy biển, ông Nhân cho rằng chưa có bằng chứng kết luận cá chết hàng loạt là do nguyên nhân này. Bởi theo ông, số liệu quan trắc cho thấy các thông số chưa vượt quá chuẩn quy định.

Kết luận được Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra là do thủy triều đỏ và hóa chất độc hại đã ngay lập tức vấp phải nhiều sự phản bác của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu thủy sản. Nhiều ý kiến cho rằng trên thực tế không thể nào phát sinh hai nguyên nhân này cùng một lúc. Bởi lẽ, khi hóa chất độc hại gây chết hàng loạt loài cá biển thì chính các sinh vật phù du, tảo biển cũng không thể nào sống nổi. Mà nếu tảo đã không sống được thì làm sao có thể nở hoa gây nên hiện tượng thủy triều đỏ.

Đồng thời, chuyên gia này còn dùng các dẫn chứng cụ thể để chứng minh rằng trong khoảng thời gian xảy ra hiện tượng cá chết, nước biển ở khu vực miền Trung không có hiện tượng đổi màu. Đồng thời cũng không có mùi hôi thối của tảo khi nở hoa trong nước biển.

Cùng nhận định với chuyên gia trên là tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, người có thời gian làm việc tại Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết nước bị nhiễm độc không phải là do thủy triều đỏ. Bởi lẽ, nếu tảo nở hoa sẽ chỉ gây chết cá ở tầng mặt, chứ không thể lan sâu đến tận tầng đáy, khiến cá ở tầng sâu cũng chết đột ngột như vậy. Ông Dũng kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân thứ nhất để xác định xem độc tố đó là gì chứ không thể “công bố chung chung” như vậy.

Ket luan ca chet hang loat hinh anh 3

Hiện tượng thủy triều đỏ làm đổi màu nước biển ở Florida (Mỹ) năm 2014

Hiện tượng thủy triều đỏ còn được gọi là tảo nở hoa, xuất phát từ nguyên nhân tảo sinh sản quá nhanh trong nước. Chúng tích tụ ở cửa sông, cửa biển khiến cho mặt nước đục hoặc chuyển màu sang tím, hồng, nâu hoặc đỏ… Tùy vào loại tảo, thủy triều đỏ có thể làm sản sinh các độc tố tự nhiên, làm suy giảm ô-xy, gây ra các tác hại khác, trong đó có thể làm cho cá chết hàng loạt. Trên thế giới đã diễn ra nhiều vụ cá chết do thủy triều đỏ như ở Mỹ, Hong Kong, Trung Quốc…

Xem ra, cho đến thời điểm này, kết luận cá chết hàng loạt của Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn chưa thật sự thuyết phục được người dân và chúng ta vẫn còn tiếp tục theo dõi để chờ đợi một kết luận mới nhất.

Bài: Hân Thái

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua