Từ thời cổ đại đã có không ít những tấm gương của các vị vua chúa; công tước dùng tiền giấy để đánh lừa đại chúng; đánh lừa giá trị thật của vàng và bạc. Ở thời cận đại, châu Âu sẽ không bao giờ quên dấu ấn của John Law. Một gã ma cô đã trở thành trùm tài chính và suýt làm nước Pháp sụp đổ.
Dân chơi không sợ mưa rơi John Law
Đầu tiên, bạn hãy nhớ kĩ cái tên này John Law, con trai của một thợ kim hoàn tại Scotland. Từ thời thanh niên, anh ta vẫn được xem là một thiên tài toán học; nhưng cũng là một con bạc và một tay sát gái. Sau khi cha qua đời và được thừa hưởng gia tài kết xù, Law quyết định sang Anh “tìm hiểu thế giới”. Tại đây, quá trình “tìm hiểu” đó của gã ta đã kết thúc với việc tiêu xài gần hết tài sản của gia đình vào chuyện cờ bạc, gái gú. Tệ hơn nữa, Law đã bắn chết một tay tình địch nên bị kết án tử hình.
Tuy nhiên nhờ khả năng xoay sở của mình, Law thoát được cả cái chết lẫn cảnh tù tội, và phiêu bạt nhiều nơi. Suốt mười bốn năm, anh ta lang thang cờ bạc từ Hà Lan, Đức, Hungary, đến Italia, rồi cuối cùng dừng chân tại Pháp. Chính tại thủ đô hoa lệ Paris, John Law nhờ ngón nghề cờ bạc lão luyện cùng tài ăn nói của mình đã trở thành chỗ thân tín của quận công Orleans.
Sau khi vua Louis XIV qua đời và để lại nước Pháp nợ nần chồng chất; còn Louis XV chỉ mới bảy tuổi, quận công d’Orleans giữ vai trò nhiếp chính. Ông này vừa nhận trọng trách đã phải thất kinh. Pháp nợ tới ba tỉ livre, trong khi thu nhập ròng cả năm còn chẳng đủ trả tiền lãi cho món nợ đó.
Giữa lúc ngài nhiếp chính bấn loạn và cận thần chia rẽ vì không tìm ra được giải pháp, Law nhận ra cơ hội làm ăn. Anh ta xuất hiện trước triều đình; để giúp người bạn của mình phê phán những rắc rối mà nước Pháp đang gặp phải; trong việc thiếu hụt tiền tệ thanh toán và diễn giải những ưu việt của tiền giấy. Một lần nữa tài xoay sở của Law đã giúp anh ta có được thứ mình muốn. Vào đầu tháng 5 năm 1716, John Law được cho phép thành lập một ngân hàng lấy tên là Law and Company; và cùng với nó là quyền phát hành tiền giấy.
Với những kinh nghiệm tích lũy được nhờ hoàn cảnh xuất thân; nhờ cả nhiều năm phiêu bạt, Law đã rất thành công. Anh ta khiến tiền giấy của mình trở thành phương tiện thanh toán đáng tin cậy; và có giá trị còn hơn cả tiền đồng. Xét một cách công bằng, chính sự tiện lợi và uy tín của tiền do Law phát hành đã thổi sức sống mới cho nền kinh tế. Chỉ sau một năm, niềm lạc quan nở rộ, giao thương hồi sinh; còn tiền thuế cứ đều đặn chảy vào ngân khố. Chính quận công Orleans cũng sửng sốt trước thành công nhanh chóng của Law. Trong suy nghĩ của ông lúc này, nếu tiền giấy hỗ trợ tiền đồng tốt đến thế; thì nó thay thế luôn tiền đồng cũng chẳng sao.
Mầm mống của khủng hoảng đã bắt đầu xuất hiện!
Cuộc lũng đoạn kinh hoàng
Trong thời gian đó, Law cũng đâu chịu ngồi yên. Anh ta đề xuất với ông quận công dự án thành lập một công ty độc quyền kinh doanh; ở vùng sông Mississippi và cả tỉnh Louisiana. Đương nhiên ông quận công đồng ý. Người ta tin rằng trữ lượng kim loại quý ở Pháp còn rất dồi dào; trong khi công ty của Law vừa được ưu đãi thuế; lại vừa được độc quyền. Những lợi thế đó được Law nhanh chóng tận dụng bằng cách phát hành ngay 200.000 cổ phần, mỗi đơn vị có giá 500 livre. Vậy là chỉ sau vài năm, Law đã từ tên sát nhân và cờ bạc cháy túi; trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất của giới tài chính châu Âu.
Ngài nhiếp chính liên tục tưởng thưởng anh ta bằng những ân huệ. Ông cho Law được độc quyền bán thuốc lá, độc quyền tinh luyện tiền vàng và bạc; rồi biến ngân hàng của Law trở thành Ngân hàng Hoàng gia (Banque Royale). Tuy nhiên ngay sau đó, ngài quận công lộ rõ bản chất tham lam; chẳng khác gì những nhà cầm quyền ở thời cổ đại mà chúng ta đã biết. Ông ta ra lệnh phát hành thêm tiền giấy để đạt tới con số một tỉ livre; trong khi trước đây chưa bao giờ nó vượt quá 60 triệu.
Có lẽ John Law cũng nhận ra điều đó rất nguy hiểm. Tuy nhiên anh ta đã mờ mắt vì ân sủng và lợi ích; để rồi tiếp tay cho hành động sẽ hủy hoại cả nền tài chính này.
Sau đó ít lâu, quận công Orleans lại ban hành một sắc lệnh; cho phép công ty Mississippi độc quyền giao thương ở vùng Đông Ấn; Trung Hoa và vùng biển phía nam. Sau khi biết tin này, Law quyết định tăng thêm 50.000 cổ phần mới cho công ty. Lập tức có tới hơn 300.000 yêu cầu mua được gửi tới cho Law; trong số đó có nhiều công tước, hầu tước và bá tước; tất cả đều trông đợi nhận được phần chia của mình. Thế là thay vì con số 50.000 như dự kiến ban đầu; Law phát hành luôn 300.000 cổ phiếu, tăng 500%.
Trong thời gian đó giá cổ phiếu đã tăng chóng mặt. Có một giai thoại rằng một vị cổ đông của Law bị ốm; nên sai tên hầu mang 250 cổ phiếu đi bán với thị giá mỗi đơn vị là 8.000 livre. Tuy nhiên khi tên hầu đến nơi thì giá đã là 10.000 livre mỗi cổ phiếu. Hắn ta mang 2 triệu về cho chủ, nhưng bỏ túi phần chênh lệch nửa triệu và dông thẳng ra nước ngoài!
Với Law và đặc biệt với ông quận công, mọi chuyện tốt đẹp hơn bao giờ hết; đến nỗi họ phát hành thêm 500 triệu livre tiền giấy. Tuy nhiên, vấn đề rồi cũng xuất hiện. Đầu năm 1720, Law khiến hoàng thân Conti bực mình vì đã từ chối bán cổ phiếu với giá ông ta muốn. Ông hoàng bèn mang rất nhiều tiền giấy tới ngân hàng đòi đổi ra tiền đồng; và phải ba chiếc xe mới chứa đủ. Thế nhưng quận công Orleans sau đó lập tức ra lệnh cho ông hoàng thân phải trả lại tiền cho ngân hàng. Conti đành bấm bụng trả lại hai xe.
Có điều sự kiện này đã đánh thức dư luận, và những “nhà đầu tư khôn ngoan” bắt đầu rút chạy. Họ âm thầm, từng chút một, chuyển tiền giấy sang tiền đồng. Họ mua nữ trang, đĩa vàng hay bạc để tích trữ hoặc tuồn sang Anh, Hà Lan, Bỉ.
Để ngăn chặn cơn thất thoát, tháng 2 năm 1720, một sắc lệnh được ban hành. Theo đó, không ai được sở hữu quá 500 livre tiền đồng. Chính quyền còn tuyên bố thưởng 50% giá trị số vàng hay bạc bị sung công cho những ai giao nộp; hay trình báo về chúng. Biên giới bị đóng cửa, và các xe chở hàng bị khám xét nghiêm ngặt.
Cơn khủng hoảng lan khắp nước Pháp. Người người tố cáo nhau. Cổ phiếu giảm giá thê thảm. Đến ngày 27 tháng 5, các ngân hàng đều dừng thanh toán tiền đồng; còn Law bị đuổi khỏi chính phủ.
Mười bốn ngày sau các ngân hàng mới mở cửa lại và cho phép quy đổi tiền giấy ra bạc theo tỷ giá mới. Dân chúng hối hả đến ngân hàng để lãnh bạc; và khi hết bạc thì người ta được trả bằng đồng.
Ngày nào cũng có người bị giẫm đạp đến chết khi chen lấn để đổi tiền. Đúng là một cơn điên loạn đến mức tưởng chừng sẽ diễn ra cách mạng.
Còn John Law? Anh ta đương nhiên phải trốn sang nước khác. Điều mỉa mai là Law ra đi gần như một kẻ ăn mày, gần như hoàn toàn trắng tay.
Anh ta chết trong tủi nhục vào năm 1729 tại Venice.