Indra Nooyi sinh năm 1955, trong một gia đình có tiếng nói ở Tamil, Madras (thủ phủ của bang Tamil Nadu, hiện được gọi là Chennai), Ấn Độ. Cha bà từng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước Hyderabad. Sinh ra và lớn lên trong gia đình Á Đông truyền thống, ngay từ bé, Indra và chị gái đã được giáo dục rằng mục tiêu của phụ nữ là kiếm được tấm chồng để nương nhờ. Bà bảo: “Ngày bé, mẹ tôi cứ liên tục bảo rằng, đến năm các con 18, mẹ sẽ mai mối cho các con một người đàn ông tử tế và kết hôn”.
Ấy thế nhưng, những cô con gái nhà Nooyi lại khá nổi loạn. Chị gái của Indra từ chối thẳng thừng ý định kết hôn với người đàn ông được mai mối. Theo truyền thống, chỉ khi chị lên xe hoa, Indra Nooyi mới tính đến hôn sự. Nhờ chị, cô gái trẻ Indra có thêm thời gian trì hoãn hôn sự và chú tâm vào việc học.
Tại Ấn Độ, Indra Nooyi đã có bằng cử nhân Vật lý, Hóa học và Toán học tại Trường Madras Christian College năm 1974. Với tinh thần ham học hỏi, cô gái trẻ cũng hoàn thành bằng thạc sĩ Quản lý tại Indian Institute of Management Calcutta vào năm 1976. Indra Nooyi bắt đầu sự nghiệp với vị trí quản lý sản phẩm tại Johnson & Johnson.
Những định kiến xã hội của một quốc gia châu Á ít nhiều kìm hãm Indra Nooyi. Để đi tìm tự do, cô gái Ấn Độ quyết tâm đến Mỹ với số tiền ít ỏi. Để kiếm tiền trang trải việc học, Indra Yooni làm nhân viên lễ tân từ nửa đêm cho đến sáng tại một khách sạn những ngày đầu đến Mỹ. Bằng nỗ lực phi thường, cô du học sinh Ấn Độ không được gia đình hậu thuẫn Indra Nooyi đã có trong tay tấm bằng thạc sĩ của Đại học Yale hàng đầu thế giới.
Sau khi tốt nghiệp, Indra Nooyi ở lại Mỹ, làm việc tại The Boston Consulting Group. Tấm bằng đại học Yale là vé thông hành để cô gái Ấn Độ được nhiều công ty chào đón. Tuy nhiên, Indra Nooyi luôn phải làm việc chăm chỉ hơn so với phần lớn các đồng nghiệp. Vì không phải là người Mỹ, Nooyi dùng năng lực để khiến đồng nghiệp nam giới người bản địa phải có cái nhìn khác về phụ nữ nhập cư.
Những rào cản là động lực, giúp Indra nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp. Từ năm 1986–1990, bà làm việc cho Motorola và trở thành Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Chiến lược và kế hoạch cho thương hiệu điện thoại này. Bước ngoặt sự nghiệp của Indra Yooni bắt đầu khi bà đầu quân cho PepsiCo vào năm 1994. Tại PepsiCo, Indra Yooni đảm nhận vị trí lãnh đạo tại nhiều bộ phận khác nhau trước khi trở thành CEO vào năm 2006 và là Chủ tịch Công ty vào năm 2007.
Là người đứng đầu 1 trong 4 tập đoàn lớn nhất thế giới, Indra Yooni thiết lập nhiều chiến lược phát triển toàn cầu cho PepsiCo. Nổi tiếng nhất là thương vụ thâu tóm thành công Wimm-Bill-Dann Foods, công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống hàng đầu tại Nga. Sự kiện này khiến giới tài chính, kinh tế như muốn “nổ tung”. Cho đến nay, đây vẫn là thương vụ quốc tế lớn nhất trong lịch sử PepsiCo.
Trong danh mục sản phẩm toàn cầu, PepsiCo có 22 thương hiệu tạo ra hơn 1 tỷ đô-la Mỹ doanh số bán lẻ mỗi năm, bao gồm Pepsi-Cola, Quaker, Tropicana, Gatorade, Frito-Lay… Hiện nay, PepsiCo là tập đoàn thực phẩm và nước giải khát lớn thứ 2 thế giới, với doanh thu ròng hơn 63 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm.
Những thành tích kinh doanh của Indra Nooyi đưa bà trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. CEO của PepsiCo liên tục góp mặt trong Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Tạp chí Forbes. Năm 2014, bà đứng thứ 13 trong danh sách. Tạp chí Fortune, Mỹ, cũng xướng danh bà là một trong ba nữa doanh nhân quyền lực nhất thế giới.
Giờ đây, chẳng còn ai có thể ý kiến về Indra Yooni như ngày bà mới bước chân vào đời. Nhưng không vì thế, mà nữ CEO quyền lực tự mãn, bà bảo: “Bạn đừng nghĩ làm CEO là mình đã hạ cánh an toàn. Chúng ta phải luôn học hỏi từ cách tư duy đến cách tiếp cận công ty. Tôi không bao giờ quên điều đó”. Thành công của Indra Nooyi đã truyền cảm hứng cho hàng triệu cô gái trẻ trên thế giới, những người đang hàng ngày phải nỗ lực, phấn đấu để khẳng định bản thân không chỉ tại nơi làm việc mà còn trong gia đình và xã hội.
Ba bài học thành công của Indra Nooyi
1. Trước hết, hãy làm tốt công việc hiện tại của bạn. Theo Indra Nooyi, nếu muốn trở thành Giám đốc Đều hành của một công ty, trước tiên bạn phải hoàn thành tốt công việc hiện tại được giao. Bạn chỉ có thể đưa ra chiến thuật hoặc định hướng đúng đắn khi bản thân đã nắm rõ và hiểu cặn kẽ về quá trình làm việc của nhân viên. “Đầu tiên, đừng bắt đầu với khẩu hiệu suông “Tôi muốn trở thành một CEO”. Bởi trong chính những khoảnh khắc ấy, bạn đã bị ám ảnh với mong muốn trở thành một CEO mà quên đi điều quan trọng nhất là bạn phải làm gì để đạt được điều đó. Hãy tập trung làm tốt công việc hiện tại của bạn và tìm kiếm sự sáng tạo ngay trong những phương thức làm việc hàng ngày”, Indra Nooyi chia sẻ.
2. Bỏ túi những kỹ năng quan trọng để giải quyết vấn đề. Indra Nooyi cho rằng bạn phải học hỏi và trau dồi những kỹ năng và phản xạ riêng để giải quyết các tình huống bất ngờ trong công việc. Chính những kỹ năng nhỏ này đã giúp Indra Nooyi giải quyết các vấn đề phức tạp trở nên đơn giản và nắm giữ được vị trí cấp cao tại PepsiCo. “Những thủ thuật hiệu quả sẽ giúp bạn xây dựng được giá trị của bản thân với đồng nghiệp và có nhiều cơ hội để thăng tiến. Các nhà lãnh đạo luôn đánh giá cao khả năng phản ứng và giải quyết vấn đề của nhân viên”.
3. Hãy dũng cảm theo đuổi giấc mơ và học cách chơi với mạo hiểm. Dũng cảm theo đuổi giấc mơ, chấp nhận rủi ro và học cách đứng lên sau thất bại là những tố chất để trở thành nhà lãnh đạo. Nếu bạn muốn thành công, đừng ngần ngại vấp ngã và hãy mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ chính kiến của mình. “Trong cuộc sống, đôi khi bạn phải can đảm để tạo ra những sự khác biệt. Nếu bạn thực sự tin tưởng vào quyết định của mình, hãy mạnh mẽ bảo vệ những gì bạn cho là đúng. Bởi một nhà lãnh đạo giỏi là người có tầm nhìn, dám suy nghĩ, dám làm và chấp nhận mạo hiểm khi kinh doanh”, CEO của PepsiCo khẳng định.
Luôn viết thư cho cha mẹ nhân viên
Nếu Bill Gates luôn rửa chén bát mỗi tối, Warren Buffett luôn khởi đầu ngày mới với bữa sáng McDonald’s, thì Indra Nooyi nổi tiếng với thói quen viết thư cảm ơn phụ huynh của nhân viên dưới quyền. Thói quen này bắt nguồn từ một chuyến về Ấn Độ thăm gia đình. “Khi về nhà, tôi thấy nhiều vị khách tới thăm gia đình và nói với mẹ rằng: Chị đã nuôi dạy con gái thật tốt. Chúc mừng chị khi có cô con gái là CEO. Nhưng những vị khách này không hề nói một lời nào với tôi”, Nooyi kể lại. Khi ấy, nữ CEO của PepsiCo nhận ra rằng, chính cha mẹ chứ không ai khác, là người giúp mình có được thành công hiện tại. Cha mẹ xứng đáng được tôn vinh và biết ơn.
Phụ huynh là người dẫn đường tuyệt vời cho con cái, nhưng hầu như họ không tự nhận ra vai trò đó. Indra Nooyi cũng thừa nhận, trước đó bà chưa từng nói lời cảm ơn hẳn dĩ với cha mẹ nhân viên. Sau chuyến đi, nữ CEO của PepsiCo viết một lá thư chia sẻ câu chuyện cho nhân viên. Tiếp đó, Indra Nooyi viết thư gửi cho phụ huynh của nhân viên PepsiCo do mình phụ trách để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao nuôi dạy và định hướng những nhân lực xuất sắc cho công ty. “Tôi đã viết về những thành tích con cái họ đóng góp cho PepsiCo. Tôi cảm ơn vì món quà mà các vị phụ huynh đem đến cho công ty”.
Nhiều nhân viên kể lại: “Lá thư là điều tuyệt vời nhất mà cha mẹ tôi nhận được. Điều đó cũng rất tuyệt đối với tôi, khi có thể khiến cha mẹ hãnh diện, tự hào về mình”. Lá thư ngắn gọn nhưng là lời động viên quý giá của nữ CEO dành cho nhân viên. Bà khiến họ cảm nhận sự trân trọng của người lãnh đạo và niềm tự hào của gia đình khi mình làm việc tại tập đoàn. Đó cũng chính là biểu hiện của sự hài lòng với công việc, nơi làm việc và lãnh đạo. Cảm giác được xem trọng cũng là yếu tố chủ chốt quyết định nhiệt huyết và khả năng đóng góp cho công việc của người lao động. Với hành động đẹp này, Indra Nooyi nhận được hơn 75% số phiếu thuận trong cuộc bầu chọn nội bộ của PepsiCo, với hơn 1.800 lời khen ngợi từ các nhân viên.
Bài: HÀ ANH
Tiếp Thị Gia Đình