Huyết áp thấp – Sát thủ thầm lặng cho tính mạng con người (P1)

Ai trong chúng ta cũng sẽ có ít nhất một lần trong đời gặp phải tình trạng say xẩm, chóng mặt khi thay đổi tư thế. Tuy nhiên, hãy cẩn thận nếu bạn gặp phải dấu hiệu này nhiều lần vì đó có thể là triệu chứng của huyết áp thấp

huyết áp thấp

Ảnh: Shutterstock

Huyết áp là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể. Hiện tượng này xảy ra do lực tác động của máu bơm ra từ tim tác động lên thành động mạch. Nếu huyết áp thường xuyên đột ngột tăng hoặc giảm thì chính là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề. Vì vậy chúng ta thường được khuyên nên theo dõi chỉ số huyết áp của mình định kỳ.

Để có thể kịp thời xử lý tình huống và nắm rõ về huyết áp thấp – một căn bệnh phổ biến trong đời sống ngày nay, TTGĐ mời bạn bước vào cuộc trò chuyện cùng BS CKI Lương Cao Sơn – Phó Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM sau đây!

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp được biểu thị bằng 2 con số: huyết áp tâm thu (số trên) và huyết áp tâm trương (số dưới). Chỉ số huyết áp trung bình của một người khỏe mạnh bình thường sẽ rơi vào mức khoảng 120/80 mmHg. Theo bác sĩ Sơn, người ta định nghĩa huyết áp thấp là khi HA tâm thu giảm xuống dưới 90 mmHg và/hoặc HA tâm trương dưới 60 mmHg.

Ngoài việc đánh giá chỉ số đo được như trên, bệnh nhân cũng có thể được chẩn đoán bị huyết áp thấp nếu HA giảm nhanh hơn 40 mmHg so với mức HA bình thường trước đó. Hoặc HA tâm thu giảm hơn 20 mmHg, HA tâm trương giảm hơn 10 mmHg khi thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi hoặc đứng (gọi là hạ huyết áp tư thế).

Các triệu chứng thường gặp của huyết áp thấp

Trong những trường hợp này, người bệnh sẽ thường không thích nghi kịp. Khi đó sẽ dễ xảy ra các triệu chứng khi huyết áp giảm đột ngột. Những dấu hiệu của huyết áp thấp gồm: say xẩm, choáng váng, chóng mặt, mờ mắt, buồn nôn. Ở người già có thể bị lú lẫn; nặng hơn thì da bắt đầu lạnh, tím tái, thậm chí là hôn mê,…

Tuy nhiên, vẫn có một số người có chỉ số huyết áp đo được thấp nhưng lại không hề có triệu chứng gì và sống khỏe mạnh như người bình thường. Trường hợp này rõ ràng là không liên quan đến bệnh lý. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng nếu huyết áp thấp mà cơ thể không xuất hiện những biểu hiện bất kì triệu chứng gì.

Nguyên nhân gây nên tình trạng huyết áp thấp

Theo bác sĩ Sơn, huyết áp thấp là bệnh lý có rất nhiều nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một vài yếu tố bạn cần lưu ý:

Thiếu máu

Do ăn uống không đủ dinh dưỡng, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài. Người ốm dậy, viêm loét đường tiêu hóa, phẫu thuật, chấn thương gây mất máu…

Thiếu nước

Do nôn ói, tiêu chảy, ăn uống kém. Làm việc trong môi trường nóng nực gây mất nước..

Hạ huyết áp tư thế

Thường xảy ra ở người lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh Parkinson. Đó là do hiện tượng rối loạn thần kinh tự chủ khi thay đổi tư thế đột ngột làm máu về tim không kịp.

Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh

Đây là tình trạng hạ huyết áp sau khi đứng quá lâu. Thường gặp ở những người trẻ tuổi do làm việc ở tư thế đứng lâu và hay căng thẳng.

Phản ứng phụ của thuốc

Do sử dụng thuốc quá liều như thuốc tăng huyết áp, thuốc điều trị rối loạn cương dương ở nam giới. Hoặc một số thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn mạch, thuốc trị u xơ tiền liệt tuyến….

Phụ nữ mang thai

Trong quá trình mang thai hệ tuần hoàn mạch máu của người phụ nữ sẽ bị giãn để tăng tưới máu cho tử cung, từ đó dễ làm huyết áp thấp. Sau khi sinh con, huyết áp sẽ trở về bình thường.

Ngoài các yếu tố trên, một số bệnh lý về tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim ( quá nhanh hay quá chậm…), các bệnh về nội tiết như suy giáp, suy tuyến thượng thận, hạ đường huyết, những người bị nhiễm trùng nặng, sốc phản vệ… có thể gây huyết áp thấp đe dọa tính mạng

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua