“Anh sẽ lo cho em cả đời, hãy cưới anh đi”. Sau khi nghe câu nói này, người con gái ngây thơ sẽ nhảy cẫng lên vì sung sướng. Người con gái có hiểu biết sẽ từ từ tìm hiểu anh này có những khả năng gì hay chỉ mạnh miệng. Song, khi gặp người con gái có bản lĩnh, đàn ông sẽ chẳng nói câu này. Còn người đàn bà 3 con, sau khi được hỏi qua, sẽ đập ngay cây dao phay xuống cái thớt vừa mới làm cá xong và nhắn ngay một câu rằng: Từ đây đến lúc đầu hói và rụng răng với nhau, mỗi người vẫn còn nhiều chuyện phải làm lắm. Và em sẽ chẳng thể để ai định đoạt tương lai, hạnh phúc của mình ngoại trừ chính bản thân em. Lo cái gì mà lo!
Các bạn trẻ hỏi Huyền Ny chia sẻ bài học tình yêu, về định hướng cho các bạn trước những mối quan hệ mới ở ngưỡng cửa vào đời, hôm nay Ny chia sẻ câu chuyện của mình nhé. Đúc kết từ chính cuộc sống của bản thân với mối tình kéo dài gần 18 năm nay: Ny được và mất những gì?
Ba mẹ mình không phải là những người học cao nhưng luôn chú trọng giáo dục cho con cái. Quan sát cuộc sống, thấy ba mẹ phải làm đủ thứ nghề lao động tay chân để nuôi anh em mình khôn lớn, mình hiểu được học hành là con đường tiến thân duy nhất để thoát khỏi cảnh nghèo khó lúc bấy giờ. Ba mẹ khó khăn nhưng cũng lo cho mình đi học thêm, hết khả năng đóng tiền mà không nói cho mình hay nên mình vẫn tiếp tục đi học 2–3 tháng nữa. Lúc biết không đóng được tiền học phí, mình ngại gặp thầy, gặp bạn bè nên nghỉ học thêm. Khi gặp lại thầy giáo dạy thêm ở trường, mình cúi đầu chào nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt. Ở lứa tuổi lớp 7, lớp 8, mình cảm nhận được sự nghèo và cái hèn của việc quỵt tiền. Và đó là động lực để Ny muốn tự làm chủ cuộc đời Ny.
Ny tin rằng, trong cuộc sống không phải đợi có biến cố thì chúng ta mới có động lực để làm chủ cuộc đời mình. Ở tuổi 16, Ny tập cho mình cách nghĩ: Mình chỉ sống có một lần trên đời, được bước qua 20 tuổi một lần thôi, nên phải tự sống cuộc đời mình và không để ai khác sống thay cho mình. Để người khác quyết định hết mọi việc, không có chính kiến riêng của mình, đó là cách chúng ta đang để người khác sống thay cho ta. Song, sống hết mình ở tuổi hai mươi không phải là sống liều, sống vội. Trước những quyết định lớn, hơi bất thường và mạo hiểm cho bản thân, Ny luôn tự đặt ra một câu hỏi: “Nếu mình làm điều này thì có ảnh hưởng gì đến thanh danh gia đình không?”.
Nói như thế không có nghĩa là mình xem trọng hư danh mà chỉ để thấy mình đang trưởng thành hơn trong suy nghĩ khi biết quan tâm đến cảm giác của các đấng sinh thành. Chúng ta có thể đi quá giới hạn để thử thách bản thân, nhưng nên biết đâu là điểm dừng để giữ chúng ta không đi xa những giá trị đạo đức mà ba mẹ đã bỏ công dưỡng dục từ bé. Mạo hiểm với sự hiểu biết hoàn toàn khác với liều mạng.
TÌNH ĐẦU CỦA NY
Ngùn ngụt ý chí của người con gái mới lớn muốn làm chủ cuộc đời mình, Ny gặp mối tình đầu khi mới hơn 17 tuổi. Hồi đó mình không có cảm tình với mấy anh Việt kiều vì nghĩ họ chẳng có gì hơn mình cả, có quyền gì mà đòi làm quen? Đã nói không muốn quen ai mà lại gặp tréo ngoe. Mình càng không muốn quen thì cứ nghĩ đến hoài.
Lúc ấy, anh đang là sinh viên ở Mỹ, khoảng cách quá xa làm “chị ba mình đây”… nhớ. Gặp mình hai hôm, ảnh ngỏ lời yêu. Ôi giời, mình khóc như mây như mưa vì cảm xúc phức tạp quá, không biết lý giải như thế nào nên chỉ biết khóc. Khi đó, tui còn nghe nhạc thiếu nhi, má ơi! Nhạc bật lên mà có chữ “anh em” là tui tắt. Bài hát có chữ anh em lần đầu tiên mình nghe là Hương ngọc lan, CD ca sỹ Mỹ Linh vừa phát hành là ảnh mua tặng mình. Vì cái CD đó mà cuộc đời mình lật sang một trang khác.
Sau hai lần gặp nhau, anh trở về Mỹ tiếp tục việc học. Mình ở lại Đà Nẵng bắt đầu luyện thi đại học. Nhớ thì nhớ mà học thì học. Không có chuyện nhớ người ta mà quên học. Khi thi đại học, chỉ mỗi môn Lý thôi mình đã được 9 điểm nên được nhận vào đại học một cách dễ dàng. Anh ở Mỹ, vừa đi làm vừa đi học. Làm được bao nhiêu là để dành tiền mua thẻ gọi điện thoại về cho mình.
Như vậy được mấy lần thì anh tính đến chuyện tương lai cho hai đứa. Nếu tiếp tục đi học ở Việt Nam thì sau này sang đến Mỹ, bằng cấp của mình sẽ chẳng có giá trị sử dụng. Kết hôn với anh để sang Mỹ ở lứa tuổi đó, dù đủ tuổi rồi, nghe vẫn cứ như là tảo hôn nhỉ? Và đây là điểm mà sau này khi ngồi nghĩ lại, quan sát những cuộc tình xảy ra xung quanh, Ny nhận ra một điều: Người đàn ông khi thật sự yêu bạn thì sẽ nghĩ đến chuyện tương lai cho hai đứa, sẽ luôn hoạch định tương lai.
BƯỚC NGOẶT MỚI
Cứ yêu mà không tính đến ngày mai thì thôi, bạn nhé. Ngày mai sẽ là lúc cuộc tình đó kết thúc, ai cũng trên 30. Đàn ông 30 như mới bắt đầu còn phụ nữ, chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể như hú lên từng hồi. Nên thời thanh xuân, học cách yêu đã khó, học cách dứt bỏ một cuộc tình lại khó hơn nhiều lần.
Đừng dùng bất cứ lý do gì để biện hộ cho anh ấy vì sẽ chẳng có ai biện hộ giùm khi bạn cô đơn sau này. Chuyện gì đến rồi sẽ đến. Ny đã có một quyết định mạo hiểm nhất tuổi trẻ của mình sau khi bàn bạc với ba mẹ cộng với niềm tin đối với người con trai ấy. Và quan trọng hơn cả là Ny có niềm tin ở chính mình, Ny sang Mỹ với visa hôn phu–hôn thê. Hồi đó, cả hai đứa đều nghèo rớt mồng tơi, Ny sang Mỹ sống cùng trong ngôi chung cư cũ kỹ gia đình anh ấy đang thuê.
19 tuổi, Ny bước chân vào nhà anh ấy với thân phận con dâu. Ny trưởng thành lên từ đó. Vừa sang đến Mỹ, anh giữ lời hứa và giúp Ny bắt đầu ngay vào đại học. Có một điều Ny luôn trân trọng anh là ngay khi còn ở Việt Nam, anh không bao giờ hứa về một tương lai nhung lụa. Anh chỉ nói thời gian đầu sẽ khổ, nhưng nếu chịu khó cùng nhau thì tương lai hoàn toàn do mình nắm lấy.
Ny tất nhiên muốn nắm lấy cuộc đời chính mình nên đã không ngại những khó khăn ban đầu. Chưa biết lái xe thì Ny đi xe bus. Không muốn tiêu tiền của người khác nên Ny tha thiết vừa đi học vừa đi làm. Công việc đầu tiên của Ny là bồi bàn trong một nhà ăn của một nhà dưỡng lão. Bắt đầu bằng những ngày tháng khó khăn nên Ny luôn biết trân trọng và chi tiêu đúng mực với thành quả lao động của mình.
Sau hơn ba năm học đại học ở Mỹ, Ny được nhận vào một trường cao học để học tiếp lên bằng tiến sỹ về chuyên ngành dược. Khi Ny học gần xong thì hai đứa cưới nhau. Ba mẹ và gia đình của Ny cũng từ từ sang định cư sau đó. Giờ đây, Ny có trong tay sự nghiệp của riêng mình, không quá lớn, không quá nhỏ nhưng là của riêng Ny.
Bên cạnh đó, Ny vẫn luôn nỗ lực để gìn giữ tình yêu mỗi ngày với phương châm biết lắng nghe và biết nhường nhịn. Ny tìm thấy tình yêu của đời mình một cách hơi khác thường, để bây giờ Ny có được ba đứa con đáng yêu là kết quả ngọt ngào của tình yêu đó. Có ai nghĩ mối tình đầu lại đi được với nhau đến bây giờ? Bấy nhiêu năm đây cũng chưa là gì mà còn cả một đoạn đường dài phía trước. Ny mong hai đứa sẽ được ăn đời ở kiếp với nhau để cùng nuôi dưỡng các con khôn lớn.
BÀI HỌC TÌNH YÊU CỦA RIÊNG NY
Huyền Ny chia sẻ bài học tình yêu từ chính câu chuyện của mình: Không bao giờ để sự kỳ vọng và áp lực của người ngoài đặt lên mối quan hệ của mình. Chuyện hai đứa thì hai đứa phải tự lo, không để bất cứ ai, kể cả gia đình hai bên liên quan. Có những thứ trong cuộc đời là định mệnh và có những thứ là do mình quyết định. Hãy mạo hiểm với sự hiểu biết chứ không nên để ai quyết định thay mình.
Bài: HUYỀN NY
Mục Gia Đình / Tiếp Thị Gia Đình