Hướng dẫn con học theo dự án để phát triển trí tuệ tốt hơn

Cách học thực dụng nhất là đối diện với một kế hoạch/dự án có thật, học đi đôi với hành và tạo nên sản phẩm cụ thể. Bản lĩnh chân chính sẽ được vun đắp. Hướng dẫn trẻ học theo dự án sớm sẽ rất tốt cho tương lai của con

Taji Allen-Sanchez, giáo viên khoa học lớp sáu và bảy tại Aptos Middle School, San Francisco; là một trong số nhiều giáo viên tin rằng phương pháp dạy học truyền thống không thiết thực cho học sinh khi vào đời. Các bài giảng và hướng dẫn trực tiếp có thể truyền đạt thông tin cho học sinh nhưng không giúp rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tính tò mò; ham học hỏi mà người sử dụng lao động tìm kiếm. Bạn hãy thử cùng con học tập theo phương pháp dự án mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công. Học theo dự án là thói quen tốt cho bé vào đời.

Thế nào là học theo dự án?

Nói một cách dễ hiểu, học theo dự án (Project based learning, viết tắt: PBL) là phương pháp học thông qua việc trực tiếp thực hành một kế hoạch; hay một bài tập tình huống (dự án) có thật trong đời sống; nhằm tạo ra một sản phẩm cụ thể. Đây là phương pháp dạy học quan trọng đi theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm; khắc phục nhược điểm của dạy học truyền thống, coi thầy giáo là trung tâm.

Nói cách khác, học theo dự án chuyển cách giảng dạy từ “giáo viên nói” thành “học viên làm”. Ví dụ, với nhiệm vụ học tập: sự phát triển của cây. Để hiểu cây cần gì để lớn lên, theo cách giáo dục cũ; học trò sẽ chỉ học qua sách giáo khoa, qua thầy cô giảng và đọc cho chép.

Với phương pháp học theo dự án, trẻ sẽ lập dự án trồng và chăm sóc cây xanh. Các em được giao nhiệm vụ tự trồng một cái cây. Các em chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc chăm sóc cây mỗi ngày, từ tưới nước, bắt sâu, theo dõi sức khỏe của cây… và thu thập thông tin theo yêu cầu của giáo viên.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên và quá trình tự tay chăm sóc, quan sát. Học sinh sẽ hiểu rằng, để lớn lên, cây cần nước và ánh sáng mặt trời; cần phải được bảo vệ khỏi sâu bệnh… Trải nghiệm thực tế đó giúp trẻ tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng.

Việc theo dõi, ghi chép, chụp ảnh tình trạng của cây như cây có bao nhiêu lá; độ dài; độ mập/gầy, độ xanh của cây hàng ngày… sẽ giúp trẻ có vô số trải nghiệm thú vị. Bé cũng sẽ có thêm nhiều kiến thức liên quan; vượt ra ngoài mục tiêu học tập đặt ra ban đầu. Việc học theo dự án sẽ kết thúc bằng buổi báo cáo thuyết trình của học sinh trước thầy cô, bạn bè và đánh giá của thầy cô dành cho sản phẩm của các em.

“Nếu bạn chỉ cung cấp cho học sinh câu trả lời; các em sẽ không hiểu cặn kẽ. Thật vậy, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể ghi nhớ thông tin. Nhưng chúng có thể áp dụng thông tin vào thực tế hay không mới là quan trọng”; thầy giáo Allen-Sanchez cho hay. Học theo dự án là quá trình người học tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng thông qua các hoạt động thực tiễn nên các em sẽ không nhớ vẹt mà hiểu thật, hiểu sâu, hiểu rộng.

hoc theo du an hinh anh 1
Học theo dự án để khai phá toàn diện

Lấy lại ví dụ ở trên, để hoàn thành dự án trồng và chăm sóc cây xanh; các em đều có cơ hội rèn nhiều kiến thức và kỹ năng: chọn hạt giống, làm chậu, chọn đất, tưới nước, quan sát, bắt sâu, đo đạc, so sánh, đánh giá, phân tích, tổng hợp thông tin, giao tiếp, chụp ảnh, ghi chép, hệ thống kiến thức thu được để làm báo cáo, trình bày báo cáo bằng Power Point… Có thể nói, học theo dự án là một cuộc khai phá toàn diện các năng lực của học sinh.

Các nhà giáo dục thế kỷ XXI cho rằng, học theo dự án là phương pháp đáng đoạt cúp vô địch bởi nó nuôi dưỡng tính tò mò và tạo động lực học cho trẻ. Tại sao điều đó lại quan trọng? Theo các nhà tâm lý, những học sinh tò mò; có động lực học tập sẽ trở thành những người học sâu hiểu kỹ, nắm vững các chủ đề phức tạp và phát triển cảm giác mê hoặc với các chủ đề. Các em ý thức được sự liên quan của kiến thức với cuộc sống, làm chủ kiến thức, làm chủ mọi sự vật, sự việc quanh mình.

Tuy nhiên, do đòi hỏi nhiều về thời gian; phương tiện vật chất và tài chính phù hợp với từng dự án. Dạy học theo dự án chưa khả thi ở các trường học theo phương pháp truyền thống. Ngay cả khi trẻ không được trải nghiệm ở trường; bạn cũng có thể tự tạo trải nghiệm cho con chỉ đơn giản bằng việc lên dự án và khuyến khích con thực hiện.

Phá bỏ định kiến

Nói về phương pháp học theo dự án, nhiều phụ huynh không hài lòng vì có cảm giác “trẻ chơi chứ không phải học”. Đây là một trong số nhiều nhầm tưởng khiến bạn chưa cởi mở cho con tiếp cận với PBL.

Có phải bạn nghĩ: “Học với PBL, con tôi sẽ không được học nhiều như trong lớp học truyền thống”? Có thể, trường học của con bạn sẽ phải hy sinh vài tiết học hay nội dung không quan trọng để dồn vào dự án; nhưng đó là sự hy sinh đáng giá.

Các nghiên cứu cho thấy, cách học thụ động không cung cấp đủ hành trang cho trẻ trong thế giới năng động ngày nay. PBL có thể làm điều này vì chúng giúp phát triển các kỹ năng cơ bản để trẻ tự tin sống trong một xã hội công nghệ cao dựa trên tri thức.

Có phải bạn nghĩ: “Bỏ cách học truyền thống để đuổi theo PBL; con tôi sẽ chẳng đủ kiến thức để vượt qua kỳ thi THPT vào đại học?”. Thực tế là, các bạn điểm cao chót vót thời đi học thường không thành công bằng đứa trẻ được học qua thực tiễn. Nếu thời xưa, học giỏi dễ dàng có một công việc ổn định thì ngày nay, mọi thứ đều không chắc chắn, luôn thay đổi. Các công ty cần người lao động có khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề; làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả. Con bạn đều có thể có các kỹ năng ấy nếu được thực hành với phương pháp học theo dự án.

Các bước Học theo dự án cùng con

Bước 1: Lên ý tưởng dự án

• Xem chương trình học tập của con bạn và tìm các nội dung có thể ứng dụng vào thực tế.

• Thống nhất với con và “chốt” dự án. Dự án này nên tập trung vào các vấn đề có tính thời sự hoặc thiết thực mà cả gia đình và xã hội đều quan tâm.

Bước 2: Phác thảo đề cương dự án

• Bạn và con cùng xác định mục đích, nhiệm vụ; cách tiến hành, thời gian bắt đầu và kết thúc dự án, những công việc bạn hỗ trợ con; những việc con phải làm, danh sách vật liệu, kinh phí phải có…

Bước 3: Thực hiện dự án

• Con bạn có thể làm một mình hoặc làm với vài người khác là bạn bè hoặc anh, chị, em. Nếu không có ai; bạn có thể trở thành một thành viên trong nhóm của con.

• Đi vào thực tế nghiên cứu, tìm hiểu, thu thập dữ liệu theo mục đích đã đề ra trong dự án. Tiếp tục tổng hợp, phân tích và hệ thống thành kiến thức thu được sau quá trình làm việc.

Bước 4: Đánh giá kết quả

• Trẻ có thể trình bày kết quả thu được bằng cách viết báo cáo thu hoạch. Tuy nhiên, để tập con thành thạo công nghệ; bạn nên giúp con thể hiện bài báo cáo bằng Power Point.

• Trẻ trực tiếp trình bày bài báo cáo trước cha mẹ, thầy cô và bạn bè được mời tới tham dự.

• Bạn hoặc những người có chuyên môn đánh giá và chấm điểm.

• Bạn hoặc người có chuyên môn giúp trẻ rút kinh nghiệm cho trẻ, điều chỉnh, bổ sung kiến thức cho trẻ.

Bài: XOA NGUYỄN

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua