Những người ủng hộ hôn nhân đồng tính vui mừng trước phán quyết của Tòa án tối cao
Tổng thống Barack Obama, người đầu tiên ủng hộ hôn nhân đồng tính, cho biết: “Phán quyết này là một thắng lợi của nước Mỹ, khẳng định quyền tự do, bình đẳng của hàng triệu người Mỹ”.
Đây là kết quả của một cuộc chiến pháp lý kéo dài bởi những người ủng hộ quyền đồng tính. Mãi cho đến năm 2004, Massachusetts trở thành bang đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Thẩm phán Athony Kennedy phát biểu: “Những người đòi quyền hôn nhân đồng tính chỉ muốn nhận được sự tôn trọng trong mắt pháp luật. Hiến pháp trao cho họ quyền đó. Nếu không có sự công nhận, ổn định và hôn nhân hợp pháp, con cái của họ sẽ phải chịu sự kỳ thị của người xung quanh”.
Tuy nhiên, ít nhất có hai bang Louisiana và Mississippi cho biết họ sẽ không lập tức cấp giấy phép kết hôn cho các cặp vợ chồng đồng tính trong khi chờ thủ tục pháp lý. Phán quyết của Tòa án tối cao thường có hiệu lực sau 25 ngày.
Riêng Đảng Bảo thủ lên án phán quyết. Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Mike Huckabee gọi đây là hành động vượt ngoài tầm kiểm soát. Thống đốc Greg Abbott thì cho rằng: “Hôn nhân được xác định bởi Thiên Chúa và không gì có thể thay đổi được”. Đức Tổng giám mục Joseph Kurtz của Louisville, Kentucky, cho biết: “Đây là một phán quyết vô đạo đức, bất công khi chính phủ tuyên bố rằng hai người cùng giới có thể tạo thành một cuộc hôn nhân”.
Hôn nhân đồng tính đã được chấp nhận ở một số nước phương Tây. Tháng trước, Ireland đã thông qua điều luật cho phép hôn nhân đồng tính, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể của một quốc gia Công giáo La Mã truyền thống. Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Brazil và cả Canada cũng cho phép hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, tại nhiều vùng châu Phi và châu Á, đồng tính luyến ái vẫn còn là điều cấm kỵ.
Tiếp Thị Gia Đình