Hôn nhân bền vững khi hai người thấu hiểu niềm tin cốt lõi của nhau

“Yêu nhau bao lâu thì cưới?” là câu hỏi mà nhiều cặp đôi băn khoăn, trăn trở. Đem thắc mắc đó đến với thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, chị trả lời rằng: “Chừng nào cả hai thấu hiểu niềm tin cốt lõi của nhau thì hãy cưới!”

hôn nhân bền vững

Làm thế nào để có hôn nhân bền vững? Ảnh: Shutterstocks

Nhiều người yêu nhanh, cưới vội nhưng lại gắn bó với nhau rất lâu. Tuy nhiên, lại có không ít cặp quen nhau 5, 10 năm, và cuộc hôn nhân lại “rã gánh” một cách chóng vánh. Như vậy, yêu bao lâu thì cưới và làm gì để có sự gắn kết lâu dài, hôn nhân bền vững? Hãy cùng TTGĐ đi tìm lời giải đáp từ thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm.

Niềm tin cốt lõi quyết định suy nghĩ, cảm xúc và hành vi

Xin chào chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm. Nhiều người đang có thắc mắc rằng họ nên yêu bao lâu thì cưới. Câu trả lời từ chị sẽ là gì?

Yêu nhau đừng tính bao lâu. Vì yêu lâu không có ý nghĩa bằng việc yêu sâu. Yêu sâu ở đây là hai người thấy rõ bản chất của đối phương. Chừng nào cả hai thấu hiểu niềm tin cốt lõi của nhau thì hãy quyết định cưới. Còn nếu chưa thì đừng.

Chị vừa nhắc đến “niềm tin cốt lõi”. Chị có thể giải thích thêm về khái niệm này?

Mỗi người sẽ có niềm tin cốt lõi khác nhau. Niềm tin đó được hình thành và phát triển từ khi chúng ta được sinh ra cho tới hiện tại. Tất cả sự kiện và biến cố trong quá khứ của bản thân, gia đình và xung quanh người đó đều góp phần làm nên cách suy nghĩ, nhận thức và niềm tin của họ về cuộc đời.

Hai niềm tin quá khác biệt khó có thể tìm thấy tiếng nói chung trong đời sống hôn nhân. Vì vậy, khi hai người yêu nhau, hãy nghiêm túc dành thời gian và tâm sức tìm hiểu khía cạnh này của đối phương.

Vậy làm cách nào để có thể tìm hiểu niềm tin cốt lõi của đối phương?

Khi 2 người quen nhau, đừng chỉ hẹn hò dắt nhau đi chơi tứ phương tám hướng, hãy chủ động dẫn nhau về nhà. Tại đây, bạn được gặp gỡ phụ huynh, quan sát cách tổ chức cuộc sống của đối phương, tìm hiểu văn hóa của gia đình đó…

Bạn nên nhớ rằng, đối phương là một “sản phẩm” được tạo ra trong chính môi trường đó. Tất cả quan niệm sống, suy nghĩ, hành vi của họ đều bị tác động một cách vô thức.

Tìm hiểu niềm tin cốt lõi của đối phương cũng nhằm mục đích soi xét lại với bản thân mình. Liệu rằng “hệ thống” nhà ấy có khớp với nhà mình không? Chúng ta chỉ nên tìm kiếm sự tương đối. Càng đồng điệu nhiều thì càng tốt, nhưng tối thiểu nên là 60%.

Chị nhận định thực trạng yêu đương của giới trẻ ngày nay như thế nào?

Khi mạng xã hội ngày càng phổ biến, dường như chúng ta thích phô trương những giá trị ảo, sáo rỗng. Giới trẻ lại thích chạy theo trend và thờ ơ những giá trị cốt lõi, trong đó có niềm tin. Chiếc áo thời thượng nào cũng sớm lỗi thời, giá trị con người thật của bạn mới trường tồn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Có hiểu thì mới có thương”. Khi cả hai thấu hiểu những giá trị sâu xa của đối phương, họ mới thương nhau thật sự. Mối quan hệ mới bền vững. Làm được điều này, khó có một ai có thể thay thế vị trí của họ trong mắt nhau!

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm là thạc sĩ tâm lý trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Chị là chuyên gia đào tạo và tham vấn tâm lý tại Trung tâm đào tạo & ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt.

3 khía cạnh tạo thành một cuộc hôn nhân bền vững

Nhiều cặp tưởng chừng là mảnh ghép hoàn hảo của nhau, nhưng nhanh chóng chia tay sau khi về chung một nhà. Dưới góc độ tâm lý, nguyên do là gì?

3 khía cạnh tạo thành cuộc hôn nhân bền vững, đó là sự đam mê (passion), sự thân mật (intimacy) và sự cam kết (commitment). Nhiều người chỉ nghĩ hôn nhân là cam kết giữa 2 người với sự chứng kiến của gia đình đôi bên. Thực tế, để có sự cam kết gắn bó lâu dài, cả hai phải đủ đam mê và thân mật.

Người ta hay đổ thừa vì hết đam mê nên chia tay. Thế nhưng, đam mê là phạm trù cảm xúc. Cảm xúc con người lúc lên lúc xuống theo đồ thị hình sin. Vậy thì sự thân mật mới là nguồn cơn của mọi hỷ nộ ái ố, thêm gắn kết hoặc làm tan rã mối quan hệ vợ chồng.

Vì sao sự thân mật lại quan trọng?

Trong sự thân mật có 3 nhánh lớn tạo thành: xã hội, thân xác và tâm hồn. Về mặt xã hội, đó là sự ngưỡng mộ mà đôi bên dành cho nhau. Người vợ tự tin khi xuất hiện cùng chồng. Người chồng tự hào khi có vợ kề bên. Sự đồng hành của cả hai cho thấy rõ ràng mức độ thân mật, gắn kết rất cao.

Ở mặt thân xác, đó là tình dục. Và ở tâm hồn là sự thấu hiểu của hai lý tưởng đồng điệu. Khi kết hợp thân xác và tâm hồn, tình dục không còn là nhu cầu sinh lý đơn thuần. Nó trở nên thăng hoa, hòa hợp và gia tăng kết nối.

Khi sự thân mật được nuôi dưỡng không ngừng, đối phương không chỉ là vợ/chồng, mà còn là tri kỷ của nhau. Thỏa mãn về tinh thần và tình dục, đó là cuộc hôn nhân hạnh phúc!

Như vậy yếu tố “đam mê” không quan trọng trong đời sống hôn nhân?

Chúng ta thường phát cuồng với đối phương trong giai đoạn đầu. Nhưng càng về sau, đam mê sụt giảm. Nếu vắng yếu tố đam mê, cuộc hôn nhân sẽ nguội lạnh, thiếu lửa sôi nổi, nồng nàn và lãng mạn.

Vậy thì làm sao để duy trì đam mê?

Chỉ có mỗi cách nuôi dưỡng cảm xúc của mình, mở ra ngân hàng tình cảm và bỏ yêu thương vào đó mỗi ngày. Tiến sĩ tâm lý người Mỹ John Gottman cực kỳ nổi tiếng trong trị liệu hôn nhân. Ông từng nói: “Ngân hàng tình cảm có tỉ lệ 1/20. Chỉ cần một lần giông tố nổi lên, bạn phải đánh đổi bằng 20 lần yêu thương.” Điều ông nói có nghĩa là khi yêu thương càng nhiều, bạn càng bao dung cho đối phương. Nếu yêu thương không đủ để cân bằng với giông tố, mọi thứ sẽ sụp đổ.

Tại sao nhiều cặp vừa phát hiện đối phương ngoại tình, họ lập tức ly hôn. Còn những cặp, dù nhiều lần lầm lỗi, họ vẫn tha thứ cho nhau. Khi yêu thương đong đầy, người ta có cái gọi là bề dày nghĩa tình. Nó cứu vãn mọi thứ và là mấu chốt của hôn nhân bền vững.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Bài: Alex Vo
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua